Từ yêu cầu cần thể chế hóa quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của công dân, bên cạnh các nội dung có liên quan trong Bộ luật Dân sự, năm 2005, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ; tiếp đó, năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2006/NÐ-CP ngày 22-9-2006 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ðến năm 2009, tại kỳ họp thứ 5 khóa XII, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm hoàn thiện các điều luật đã ban hành. Ðối với các hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật ở Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý để đưa tới sự ra đời của các cơ quan như: Trung tâm quyền tác giả văn học, Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc.
Từ sự ra đời của một số cơ quan này, bước đầu quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tác phẩm văn học - nghệ thuật đã được bảo vệ; và cầu nối giữa người sử dụng với các tác giả đã được thiết lập. Tuy nhiên, trên thực tế, việc "đòi bản quyền" là không dễ dàng, như nhạc sĩ Phó Ðức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc, từng nói: "Vẫn còn tình trạng lợi dụng kẽ hở của luật để tránh né, trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng tác phẩm của các cá nhân, tổ chức sử dụng âm nhạc. Thậm chí cá biệt còn một số cá nhân, đơn vị cố tình gây khó khăn, cản trở hoạt động của trung tâm". Ðiều này giúp lý giải tại sao trong năm 2011, Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc chỉ thu được dưới 10% tiền bản quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong các chương trình biểu diễn, cũng tức là 90% số tác phẩm âm nhạc trình diễn trong các chương trình đó là sử dụng trái phép.
Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng nói trên, như sự chây ỳ, nhập nhằng trốn tránh của một số vị "bầu sô", rồi việc cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật của cơ quan có thẩm quyền liệu có phù hợp khi mà nhạc sĩ Phó Ðức Phương cho rằng: "Việc cấp phép biểu diễn khi chưa thực hiện bản quyền đã triệt tiêu quyền tự bảo vệ một cách hợp pháp của các nhạc sĩ"? Tương tự như vậy trong văn học, trả lời phỏng vấn trên báo chí, nhà văn Ma Văn Kháng khẳng định: "Việc không minh bạch trong chi trả nhuận bút là câu chuyện phổ biến nhất của nhiều nhà xuất bản hiện nay", và ông cho biết: "Số lần tôi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền là không hề ít... Trong vài năm trở lại đây, có tới vài chục lần tôi có tác phẩm được in ra mà không hề biết, hỏi nhà xuất bản thì họ trả lời rất vô trách nhiệm là... không biết"! Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi nạn "đĩa lậu", "sách lậu" tràn lan, không được ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc.
Tôn trọng và bảo vệ lợi ích của tác giả sở hữu trí tuệ nói chung, của tác giả văn học - nghệ thuật nói riêng, là quan niệm và hành xử có văn hóa trong xã hội văn minh. Lấy tài sản của người khác để kinh doanh một cách bất minh là hành vi trục lợi, phạm pháp, và trực tiếp liên quan tới đạo đức kinh doanh. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có sự thống nhất trong quan niệm, phối hợp hành động trên cơ sở pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của chủ sở hữu tác phẩm văn học - nghệ thuật. Cần xác định đây không chỉ là vấn đề quyền lợi mà còn góp phần khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo.
Hiền Anh/Nhân Dân