“Trên nóng, dưới lạnh”, “trên quyết liệt, dưới tê liệt”... đó là tình trạng chậm chuyển biến ở các cấp cơ sở trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều lần.
Tìm “liều thuốc” hóa giải, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng
thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực. Điều này, đặt thêm kỳ vọng vào sức mạnh của Đảng ta, khắc phục kịp
thời những tồn đọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng ta luôn trăn trở và
nhiều lần nhắc đi nhắc lại thuật ngữ “trên nóng, dưới lạnh” để khẳng
định về thực trạng đấu tranh, xử lý các vụ việc có yếu tố tham nhũng, tiêu cực. Trong
khi Trung ương thì quyết liệt triển khai, kiên quyết xử lý dứt điểm,
đúng người đúng tội, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với tình
trạng tham nhũng, tiêu cực; thì ở địa phương, nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận
vẫn chậm xử lý, để khiếu kiện kéo dài. Có địa phương suốt 3 năm liên
tục không phát hiện ra vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trung ương phải đôn đốc thì mới
làm, mà làm lại không quyết liệt. Lại có địa phương giải quyết tham nhũng, tiêu cực theo
kiểu “đầu voi đuôi chuột”, không ít vụ việc rơi vào ngõ cụt hoặc quên
lãng.
Cắt nghĩa tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nhiều ý kiến cho rằng đó
là do tư tưởng dĩ hòa vi quý, bao che, nể nang trong đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu ở cơ sở. Không
ít trường hợp thờ ơ, vô cảm, giảm sút ý chí chiến đấu, thấy sai không
dám đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Hệ
quả của việc “trên nóng, dưới lạnh” là rất nguy hại. Trước tiên là để
lọt các hành vi vi phạm, bỏ sót tội phạm, làm mất niềm tin trong nhân
dân. Xét về lâu dài, đây là một nguy cơ làm giảm vai trò lãnh đạo của
Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Trong bối cảnh, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn là vấn
đề phức tạp, thì chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng
định: Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực
tế và chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai
thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; tạo sự
chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng,
dọc ngang thông suốt".
Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 2/6/2022, Ban Bí thư ban
hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ
máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, định kỳ hằng quý và
khi có yêu cầu, Ban chỉ đạo cấp tỉnh báo cáo tình hình, kết quả công
tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan
tâm xảy ra ở địa phương. Quy định cũng nêu cao vai trò, tinh thần, trọng
trách của người đứng đầu.
Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp, Trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh trực
tiếp quyết định và chỉ đạo thực hiện một số công việc cần thiết, phải
chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Ban chỉ đạo, Thường
trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh tại phiên họp gần nhất. Điều này, một lần nữa
cho thấy quyết tâm cao của Đảng ta trong công tác phòng, chống “giặc nội
xâm”. Đúng như mục tiêu mà Đảng ta xác định: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một
trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà
của cả hệ thống chính trị, của tất cả cơ quan, đoàn thể, địa phương.
Thế nhưng, dư luận cũng đặt dấu hỏi: Ban chỉ đạo phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh liệu có “mạnh dạn” phát hiện những sai sót, tiêu cực của
quan chức địa phương mình? Sự băn khoăn ấy hoàn toàn có cơ sở bởi thành
viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh lại là nhân sự kiêm nhiệm, nằm trong cấp ủy
địa phương. Để khắc phục điều này, đòi hỏi thành viên Ban chỉ đạo cấp
tỉnh, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, liêm chính, trong
sạch, có ý chí, quyết tâm cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Trung ương phải thường xuyên giám sát, kiểm
tra gắt gao hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở. Đồng thời cần có cơ chế
để nhân dân phát huy “tai, mắt” của mình. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh
từng răn dạy, nhân dân có hàng triệu “tai, mắt” để nhìn thấy, nghe thấy
mọi sự ở đời. Do đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng “phải làm sao để có hàng
chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai” thì khi đó
“thanh bảo kiếm” chống “giặc nội xâm” của Đảng ta mới thực sự sắc bén,
phát huy uy lực, sức mạnh./.
Phạm Kiên (qdnd.vn)