Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 8/8/2012 16:48'(GMT+7)

Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội số 5 với xây dựng văn hoá ứng xử, giao tiếp

Học viên Trung tâm 5 tham gia giao lưu nhân ngày 26/6.

Học viên Trung tâm 5 tham gia giao lưu nhân ngày 26/6.

Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội số 5 Hà Nội (dưới đây gọi tắt là Trung tâm) được thành lập từ tháng 5 năm 2007 theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội trên cơ sở tiếp nhận Dự án “Xây dựng Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội số 6” do ban quản lý Dự án huyện Từ Liêm làm chủ đầu tư. Ngày 24/8/2007 Trung tâm chính thức đi vào hoạt động.

Trung tâm là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ chữa bệnh, cai nghiện (bắt buộc và tự nguyện) phục hồi cho người nghiện ma tuý, góp phần phòng, chống ma tuý và giảm thiểu tác hại của ma tuý đối với cộng đồng. Ban đầu, Trung tâm tiếp nhận 200 học viên từ các Trung tâm khác chuyển về. Những năm gần đây, Trung tâm có 600- 650 học viên thường xuyên chữa trị, học tập, rèn luyện.

Trong quá trình phát triển, Trung tâm cũng có những bước thăng trầm. Thời gian đầu nảy sinh một số sai sót, bất cập từ khâu quản lý đến điều trị. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh, xã hội Thành phố, Trung tâm đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo, các phòng , ban và xác định rõ nguyên nhân gây nên tình trạng yếu kém để từng bước nỗ lực khắc phục và xây dựng lại nền nếp hoạt động của Trung tâm.

Một trong những yếu tố góp phần quan trọng tạo nên kết quả đáng khích lệ của Trung tâm trong thời gian vừa qua là phong trào “Xây dựng nếp sống văn hoá” trong đơn vị. Từ giữa năm 2009, Trung tâm xác định, muốn thúc đẩy sự phát triển và phát triển bền vững, cùng với việc củng cố về tổ chức và không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, đơn vị cần phải xây dưng một môi trường văn hoá lành mạnh. Trên cơ sở đó, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá được tổ chức với những giải pháp thiết thực, hướng mạnh vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tạo nên nhận thức, chuyển biến mới trong cán bộ, công nhân viên và học viên.

Bám sát chủ trương của UBND Thành phố và sự chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh, xã hội, chi bộ đảng đã phối hợp với Ban Giám đốc Trung tâm và các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ thống nhất ban hành các qui chuẩn, quy tắc về nếp sống văn hoá, nhất là trong giao tiếp, ứng xử và chuẩn mực đạo đức phù hợp với tính chất và đặc điểm của Trung tâm.

Trên cơ sở đó, Trung tâm tổ chức cho cán bộ công nhân viên và học viên học tập, quán triệt; đăng ký tham gia chương trình và các tiêu chí về xây dựng nếp sống văn hoá. Quá trình này đã được toàn thể cán bộ, công nhân viên và học viên nhiệt thành hưởng ứng.

Bằng những hình thức phong phú, phù hợp với đối tượng đặc thù, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, tiêu biểu như thi sáng tác các tiểu phẩm về ứng xử, giao tiếp trong cán bộ, công nhân viên và học viên. Nhiều tiểu phẩm đã phản ánh được những điều đang nổi lên bức xúc nhất trong ứng xử, giao tiếp ở đơn vị; phản ánh những hành vi, giao tiếp đã “hợp chuẩn” hoặc chưa “hợp chuẩn” để tổ chức, cá nhân liên hệ và tự điều chỉnh.

Đội Kéo co Trung tâm 5 tham gia giao lưu nhân ngày 26/6.

Quá trình thực hiện nếp sống văn hoá, học viên đã có nhiều cố gắng rèn luyện theo tiêu chí đề ra, như hạn chế cách nói năng thô tục, chửi thề, bạo lực; sống với nhau nhân ái hơn, giúp đỡ tương trợ nhau vượt qua khó khăn trong chữa bệnh, trong lao động; chấp hành tốt hơn những quy định sinh hoạt, điều trị của Trung tâm. Hàng ngày, mỗi học viên tự sắp xếp nội vụ tại phòng ở gọn gàng, sạch sẽ; mỗi tuần làm tổng vệ sinh, chăm sóc cây xanh, cây cảnh... để tạo môi trường xanh sạch đẹp. Những cá nhân vi phạm tiêu chí nếp sống văn hoá được góp ý chân thành hoặc đưa ra phê bình nghiêm túc để cùng tiến bộ. Các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao được gắn với hoạt động giáo dục, lao động xã hội, giúp cho học viên có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khoẻ. Hằng năm, được sự quan tâm của Sở Lao động, Thương binh - Xã hội Thành phố, Trung tâm đã tích cực tham gia và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu nhân Ngày Thế giới và toàn dân phòng, chống ma tuý 26/6. Năm 2012, Trung tâm đăng cai ngày Hội giao lưu (giữa các Trung tâm của Thành phố) với nhiều môn thi như: văn nghệ, bóng bàn, kéo co, đội hình, đội ngũ... Đội kéo co của Trung tâm số 5 luôn đạt giải ở các kỳ thi giao lưu. Đây là kết quả đáng khích lệ của Trung tâm mừng kỷ niệm 5 năm thành lập.

Đối với đội ngũ cán bộ, công nhân viên, Trung tâm xác định, nhiệm vụ chính trị của đơn vị là một lĩnh vực có tính đặc thù, cần đề cao tính nhân văn, nhân bản. Tính nhân văn, nhân bản được thể hiện trong ứng xử nói chung, và đặc biệt là đối với học viên. Bản thân người mắc nghiện bị sa sút về thể chất, tinh thần, thậm chí cả nhân cách, nhưng không phải là mất tất cả, họ cần sự giúp đỡ tận tình và lòng nhân ái, bao dung. Do đó đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên phải tận tuỵ, có khi phải chấp nhận cả rủi ro để giúp họ vượt qua khó khăn, có ý thức vươn lên cai nghiện thành công, phấn đấu tiến bộ về mọi mặt để hoà nhập với cộng đồng. Là người có chức năng giáo dục, rèn luyện hội viên nên trước hết mỗi cán bộ, công nhân viên của Trung tâm phải là tấm gương sáng về nếp sống văn hoá.

Công việc ở một Trung tâm cai nghiện ma tuý rất phức tạp, khó khăn, thậm chí nhiều áp lực, bức xúc. Nhưng cán bộ, nhân viên xác định xây dựng, thực hiện nếp sống văn hoá là cho chính mình và vì lợi ích của tập thể. Suy nghĩ, rèn luyện thành thói quen nếp sống văn hoá sẽ tốt cả khi thực hiện công việc ở cơ quan cũng như ứng xử trong gia đình. Vì vậy, xây dựng nếp sống văn hoá trong cán bộ, công nhân viên đã bắt đầu từ việc chăm lo cách ăn mặc gọn gàng, chững chạc, đúng quy định, chấp hành tốt nội quy của đơn vị, nhất là kỷ luật lao động; có nếp sống ngăn nắp, cách làm việc khoa học để phục vụ tốt hơn cho đơn vị, cho học viên; cùng chia sẻ công việc, quan tâm hỗ trợ lẫn nhau thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao; có nếp sống hài hoà trong giao tiếp, ứng xử, tạo nên nét đẹp trong nếp sống văn hoá của đơn vị... Với học viên, mỗi cán bộ của Trung tâm - đồng thời là mỗi người thày - nêu cao tinh thần gương mẫu, tận tình trong chữa bệnh, giáo dục, rèn luyện để mỗi lời nói, việc làm của mình có tính thuyết phục và hiệu qủa cao... Ứng xử với những “thăm thân” của học viên cũng là khâu được cán bộ, công nhân viên Trung tâm hết sức quan tâm. Xác định gia đình của học viên cũng là những người đã chịu nhiều nỗi đau, áp lực khi người thân của mình mắc nghiện, cán bộ, công nhân viên Trung tâm đã tạo mọi điều kiện giúp cho việc thăm thân thuận lợi, mặc dù thủ tục hành chính phải tuân thủ các qui định về an ninh, an toàn xã hội rất nghiêm ngặt. Chứng kiến một ca trực giúp gia đình vào thăm học viên, chúng tôi thấy từ phòng bảo vệ cổng chính (do anh Tuấn thường trực) đến phòng làm thủ tục vào thăm (ca trực của chị Thuỳ) và phòng thăm gặp (ca của chị Thuý và anh Bình) bà con đến thăm học viên đều được các anh, các chị hướng dẫn nhiệt tình chu đáo và làm thủ tục ra vào thuận lợi. Đây cũng chính là sự động viên, giúp cho các gia đình phấn khởi, yên tâm khi con em mình được chữa trị, lao động, rèn luyện ở Trung tâm.

Học viên Trung tâm 5 thường xuyên tham gia học tập.

Xây dựng nếp sống văn hoá đã trở thành phong trào thi đua thường xuyên và là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng công tác cán bộ và sự phấn đấu của học viên trong năm: thi đua giữa các phòng, ban của cơ quan; thi đua giữa các đội, buồng trong học viên. Hằng ngày, Trung tâm và các bộ phận đều có theo dõi, đánh giá xem bộ phận, cá nhân có đạt chuẩn đề ra trong thực thi công việc, trong giao tiếp ứng xử. Qua đó, cán bộ và học viên có thể thấy ngay cái sai, cái thiếu sót để khắc phục, thấy được mặt tốt để phát huy. Từ thực tế có thể thấy, xử lý những sai sót theo quy chế cơ quan thì có vẻ nặng nề, nhưng xử lý theo tiêu chí văn hoá thì nhẹ nhàng hơn, đôi khi hiệu quả hơn.

Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá đã giúp cho cán bộ, nhân viên cũng như học viên của Trung tâm tạo được môi trường sống hài hoà hơn với nhiều nét đẹp trong ứng xử, giao tiếp và trong công việc hàng ngày, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trong 5 năm qua, Trung tâm đã có 52 lớp học cho học viên cai nghiện ma tuý (mỗi lớp từ 30-60 học viên) hoàn thành chương trình nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Các kiến thức đã học, được áp dụng luôn trong thực tiễn để tạo nếp sống mới “không có ma tuý”. Để phục hồi hành vi, nhân cách, đặc biệt là nhận thức về giá trị của lao động, Trung tâm đã tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp và lập các xưởng sản xuất để đào tạo nghề và việc làm cho học viên. Được sự quan tâm phối hợp của các trường đào tạo nghề, các doanh nghiệp, hàng năm, Trung tâm đã đào tạo, cấp chứng chỉ nghề cho hàng trăm học viên và hầu hết các học viên đều được tham gia “Lao động trị liệu” theo quy trình chung. Kết quả đạt được từ lao động sản xuất và hoạt động tăng gia vừa góp phần hoàn thiện giá trị lao động, vừa thiết thực cải thiện đời sống vật chất cho học viên...

Kết quả xây dựng nếp sống văn hoá còn góp phần tích cực vào các chương trình tuyên truyền, giáo dục học viên của Trung tâm. Những học viên tiến bộ trong xây dựng nếp sống văn hoá, có trình độ, năng khiếu được Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng để tham gia các nhóm thực hiện “phương pháp trị liệu cộng đồng”. Mỗi nhóm được tổ chức khoảng 10 người. Các học viên “nòng cốt” của nhóm là những người có điều kiện gần gũi, hiểu được tâm tư, tình cảm của học viên nên họ có thể tuyên truyền, góp ý và lan toả tới đồng đẳng những việc tốt cần làm trong quá trình chữa bệnh, lao động và rèn luyện để từ bỏ ma tuý. Nhóm đồng đẳng đã hoạt động khá hiệu quả, giúp học viên hiểu, an tâm về tư tưởng, tích cực tham gia quá trình chữa bệnh, lao động xã hội và tham gia các phong trào thi đua do Trung tâm phát động.

Với chủ trương “Muốn thành công trong giáo dục, đào tạo thì phải có một môi trường văn hoá tốt”, suốt 5 năm qua, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội số 5 đã tích cực xây dựng và thực hiện các chuẩn mực về xây dựng cơ quan văn hoá, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trung tâm đã được UBND huyện Từ Liêm công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị văn hoá” (theo Quyết định số 4744/QĐ của UBND thành phố Hà Nội). Về xây dựng đơn vị thành mô hình cai nghiện chuẩn mực và chuyên nghiệp, Trung tâm được lãnh đạo các cấp đánh giá cao trong lĩnh vực cai nghiện, phục hồi của Thủ đô Hà Nội.

Trung tâm xác định, đây mới là những kết quả ban đầu; vẫn còn không ít những hạn chế, thiếu sót trong xây dựng nếp sống văn hoá cũng như trong hoạt động chuyên môn cần quyết tâm khắc phục trong thời gian tới. Muốn vậy mỗi cán bộ, công nhân viên phải không ngừng phấn đấu xây dựng môi trường văn hoá, nếp sống văn hoá một cách toàn diện; phải tự hoàn thiện chính mình, liên tục đổi mới, học hỏi, tìm tòi nâng cao chất lượng công tác và kiên trì cùng học viên, giúp học viên xây dựng nếp sống văn hoá, cai nghiện hiệu quả và rèn luyện tốt để sớm hoà nhập cộng đồng./.

Ngọc Lê

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất