Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 22/5/2009 9:1'(GMT+7)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng gia đình văn hóa

Biểu dương những Gia đình Văn hóa tiêu biểu, xuất sắc ở Hà Giang

Biểu dương những Gia đình Văn hóa tiêu biểu, xuất sắc ở Hà Giang

 Gia đình còn là một đơn vị kinh tế, văn hoá, an ninh cơ sở. Hầu như mọi sự tốt đẹp của xã hội đều được khởi nguồn từ gia đình; điều không vui, không yên của xã hội cũng bắt đầu từ gia đình. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt” (1).

Quan niệm về đời sống mới ở mỗi gia đình, Bác nói: “Trong một nhà: Phải trên thuận, dưới hoà, bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng; ăn tiêu có kế hoạch, cưới hỏi, giỗ tết nên tiết kiệm, ăn ở sạch sẽ, thân mật và sẵn lòng giúp đỡ xóm giềng, gia đình hăng hái tham gia việc nước, ai ai cũng phải biết chữ”. Bác kết luận: “Trong một nhà như thế thì nhất định phát đạt” (2).

Nếu gia đình trong nền văn hoá truyền thống có một tác dụng to lớn trong toàn bộ cuộc đời con người từ giáo dục, giáo dưỡng, đến lúc dựng vợ gả chồng, nuôi dạy con và chuẩn bị cho cái chết, thì vai trò của gia đình trong các đô thị ở Việt Nam hiện nay cũng trở nên đặc biệt quan trọng. Hằng ngày, những va đập dữ dằn của cuộc sống, những vất vả về miếng cơm manh áo, những “đen trắng” của kinh tế thị trường, sự căng thẳng, lo toan cho cuộc sống của mỗi gia đình trước sự lên xuống của giá cả; những tác động của văn hoá ngoại nhập… làm cho con người sống ở các đô thị bị căng thẳng thần kinh. Trong điều kiện ấy, nếu được giữ gìn và xây dựng theo quan niệm của Bác Hồ thì gia đình sẽ là một tổ ấm, một bộ giảm xóc, một bàn tay nhung sau những mệt nhọc.

Theo tư tưởng và quan điểm của Người, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của gia đình và chính việc phát huy những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đã làm cơ sở vững chắc cho thắng lợi vĩ đại của hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Trong điều kiện kinh tế nước ta phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta càng đề cao và quan tâm đến vai trò của gia đình. Điều này thể hiện rõ trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đảng ta một lần nữa xác định vai trò của gia đình trong thời kỳ mới: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW “Về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Nhà nước ta đã thể chế thành luật, ban hành các pháp lệnh, nghị định để hỗ trợ, điều chỉnh các quan hệ gia đình và công tác gia đình. Từ năm 2001, Đảng và Nhà nước đã quyết định lấy ngày 28-6 hằng năm là “Ngày Gia đình Việt Nam”. Đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước về gia đình đã mở ra điều kiện thuận lợi cho việc củng cố và phát triển gia đình Việt Nam.

Hơn hai mươi năm đổi mới, xã hội và con người Việt Nam đã có những đổi thay đáng kể. Kinh tế hộ gia đình đã có bước phát triển mạnh, trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần không nhỏ vào quá trình xoá đói giảm nghèo. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc giáo dục trẻ em đã tích cực góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Vai trò của phụ nữ trong xã hội và gia đình được đề cao. Các hoạt động cưới xin, tang lễ cũng có nhiều tiến bộ. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã làm cho xã hội ngày càng có nhiều gia đình văn hoá, gia đình hiếu học, tộc họ văn hoá, thôn bản văn hoá, góp phần tạo dựng cuộc sống bình yên, có văn hoá hơn, hướng thiện hơn trong mỗi gia đình và trong cộng đồng xã hội. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và tô đậm thêm giá trị nhân văn của gia đình Việt Nam.

Tuy nhiên, gia đình trong cuộc sống hiện đại đang đối mặt với nhiều thách thức. Cấu trúc và chức năng của gia đình truyền thống có nguy cơ bị phá vỡ trước sự phát triển của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và lối sống thời mở cửa, hội nhập, gia phong, gia lễ của từng gia đình bị chi phối bởi các nhân tố kinh tế, văn hoá vật chất, pháp luật… Công tác xoá đói giảm nghèo ở một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, kết quả chưa vững chắc, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc chuyển hướng ngành nghề cho những hộ gia đình nông nghiệp trong quá trình đô thị hoá và phát triển công nghiệp chưa được giải quyết thoả đáng.

Hiện tượng tảo hôn ở miền núi, tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn… gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Bạo lực gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng phát triển. Tệ nạn ma tuý, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, đại dịch HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng giao lưu văn hoá với thế giới, ngoài yếu tố tích cực cũng đã mang theo vào đất nước ta những tư tưởng, văn hoá không lành mạnh, tác động và làm suy giảm, mai một giá trị truyền thống của Việt Nam ta.

Để khắc phục những hạn chế, những nguy cơ đối với gia đình theo quan điểm tư tưởng của Bác và định hướng của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng gia đình trong thời kỳ mới, phải nâng cao trình độ dân trí cho toàn dân, tăng cường giáo dục về vai trò và trách nhiệm của gia đình đối với sự phát triển của con cái, sự lành mạnh của xã hội. Trong thực hiện, cần có sự phối hợp và phải huy động mọi nguồn lực của các ngành, các cấp và của mỗi gia đình. Trước mắt, theo chúng tôi, mỗi địa phương cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, vận dụng nội dung tác phẩm “Đời sống mới” của Bác trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng gia đình văn hoá. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của gia đình và văn hoá gia đình, xây dựng gia đình văn hoá; xác định xây dựng gia đình văn hoá là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hoá” ở cơ sở. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo phải coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; có cơ chế đầu tư cả về con người và phương tiện để phong trào được duy trì và phát triển một cách hiệu quả.

2. Xác định cụ thể các giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình Việt Nam nói chung và đặc thù gia đình ở mỗi địa phương nói riêng để giữ gìn, phát huy đi liền với việc tiếp thu những giá trị tiến bộ của gia đình hiện đại. Phải làm cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”… thấm sâu vào mỗi gia đình, mỗi người và trở thành phương châm hành động hằng ngày; phải vun đắp tình thương yêu, giúp đỡ nhau giữa những người cùng xóm làng, họ mạc, chia sẻ nỗi đau khổ của những người lầm lỡ; làm cho tình yêu thương gia đình được thể hiện rõ trong từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ như kính yêu ông bà, cha mẹ, thương yêu con cái, “chị ngã em nâng”… Đồng thời cũng phải làm cho mọi gia đình, mọi người thấy rằng, ngày nay mỗi thành viên trong xã hội đều cần phải có tri thức, sự hiểu biết về nhiều mặt để lao động có hiệu quả, làm giàu cho mình và cho đất nước, không cam chịu đói nghèo, không khinh thị kẻ khó nhưng cũng không ghen tị với người giàu chân chính. Và cao hơn cả, cần không ngừng vun đắp tình yêu quê hương, Tổ quốc trong mỗi thành viên gia đình. Tình yêu này được thể hiện hằng ngày ở việc chấp hành pháp luật một cách nghiêm túc nhất, ra sức lao động chân chính nhằm cải thiện đời sống và góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh; biết tự hào dân tộc đồng thời biết tôn trọng các dân tộc trên thế giới.

3. Để xây dựng gia đình tốt, nhất thiết phải tiếp tục thực hiện quy mô gia đình ít con. Các cấp lãnh đạo cần quan tâm chỉ đạo công tác dân số, gia đình và trẻ em đi vào nền nếp, vào từng gia đình, có chiều sâu và mang tính bền vững. Các ngành thông tin-truyền thông, y tế, văn hoá-thể thao-du lịch, lao động-thương binh và xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể nhân dân, theo chức năng của ngành, đoàn thể mình, tác động vào mỗi gia đình, nhất là gia đình trẻ; tổ chức tốt và đa dạng các dịch vụ an sinh xã hội để hỗ trợ các gia đình, các thành viên trong cuộc sống. Trong quy ước, hương ước làng xã, tộc họ cần có tiêu chí xây dựng gia đình ít con, gia đình hiếu học; việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” cần tiến hành một cách nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn.

4. Trên cơ sở luật pháp của Nhà nước, các cơ quan chức năng cần vận dụng sáng tạo nhằm cụ thể hoá các văn bản, các quy định phù hợp với điều kiện gia đình ở địa phương theo hướng đề cao nhân tố gia đình văn hoá tiêu biểu; có chế tài đủ hiệu lực để răn đe những hành vi vi phạm làm băng hoại hiếu thuận, lễ nghĩa trong gia đình mà các điều khoản luật pháp mới chỉ xác định ở định tính; hướng dẫn các biện pháp cụ thể, mang tính cộng đồng nhằm ngăn chặn có hiệu quả và đấu tranh mạnh mẽ loại trừ các hủ tục trong đời sống xã hội và các tệ nạn đang diễn ra trong đời sống gia đình.

Để xây dựng đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2020, đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên của tất cả các gia đình Việt Nam và toàn xã hội vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình văn hoá sẽ là một trong những động lực quan trọng, góp phần quyết định cho sự thành công của sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của địa phương, của đất nước./.

Phan Văn Phờ

UVTV,Trưởng BTG Tỉnh uỷ Quảng Nam

——————

(1) Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật hôn nhân và Gia đình, tháng 10-1959.

(2) Tư tưởng Hồ Chí Minh về Văn hoá, Ban TT-VH TW, H, 2003

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất