Ông Đào Trọng Thi cảnh báo: “Nhìn nhận một cách toàn diện thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm tương xứng với tầm vóc của nó. Nguy cơ thất truyền nhiều di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn ở mức báo động”.
Cán bộ văn hóa chưa đọc Luật Di sản văn hóa
Luật DSVH được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2002. Luật DSVH ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, do việc thay đổi cơ cấu tổ chức Chính phủ và việc tách nhập của các bộ, ngành liên quan, trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, biến động nhiều, chưa bắt kịp với sự thay đổi hoạt động của ngành, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ chuyên gia văn hóa ngày càng mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác vẫn còn khá phổ biến. Còn có hiện tượng lúng túng, buông lỏng quản lý di sản văn hóa ở cả Trung ương và các địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các di tích chưa kịp thời và chưa nghiêm.
Việc ban hành các văn bản, nhìn chung, còn chưa kịp thời và đầy đủ. Thí dụ, Điều 18 Luật DSVH giao Bộ VHTT quy định thủ tục lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nhưng sau 8 năm thi hành Luật, quy định này vẫn chưa được Bộ ban hành.
Ông Thi nhấn mạnh: “Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng so với nhiều luật khác, Luật DSVH và các văn bản dưới luật chưa được tuyên truyền nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở một số, cán bộ địa phương cũng như người dân chưa được đọc Luật DSVH hoặc chưa nắm được tinh thần của Luật, do đó việc thực thi pháp luật về di sản văn hóa còn nhiều hạn chế”.
Quản lý chồng chéo, thiếu tiền bảo tồn
Mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng. Thường thì di sản văn hoá, di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt được giao cho một ban quản lý hoặc trung tâm bảo tồn di sản trực thuộc UBND cấp tỉnh; những di tích còn lại do một ban quản lý trực thuộc bảo tàng tỉnh, Sở VHTT&DL, UBND huyện, xã phụ trách hoặc do chủ cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo trực tiếp quản lý. Do mô hình quản lý thiếu thống nhất nên chức năng, chế độ, chính sách, nội dung và kinh phí hoạt động của các ban quản lý di tích cũng rất khác nhau.
Nhìn chung, các di tích quốc gia và những di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hoá, di sản thiên nhiên thế giới, được quản lý và đầu tư bằng nguồn kinh phí của nhà nước và nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các ban quản lý, trung tâm bảo tồn di sản này có cán bộ chuyên môn và kinh phí sự nghiệp nên hoạt động được tổ chức bài bản, di tích được quản lý tốt, lượng khách du lịch đến với di tích ngày càng tăng. Ngược lại, các di tích cấp tỉnh và di tích chưa được xếp hạng, chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí bảo tồn, tôn tạo di tích chủ yếu từ nguồn xã hội hóa nên hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di tích cũng rất khác nhau, tùy từng địa phương. Các ban quản lý những di tích này, đặc biệt là ban quản lý do các thôn, làng tự thành lập, thường thiếu cán bộ chuyên môn, và kinh phí hoạt động.
Mặt khác, tình trạng chồng chéo trong quản lý di tích diễn ra khá phổ biến. Ở một số nơi, trên một địa bàn có nhiều đơn vị cùng quản lý, mỗi đơn vị quản lý một số di tích, nên khó giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng và thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả.
Báo chí lên tiếng, cơ quan quản lý mới vào cuộc
Cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa của Trung ương chưa thật sát sao trong việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời can thiệp đối với các vi phạm trong quản lý di sản văn hóa tại địa phương. Nhiều di tích bị vi phạm nghiêm trọng nhưng chỉ đến khi báo chí lên tiếng, cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa mới vào cuộc (thí dụ, Đồi Vọng Cảnh ở Thừa Thiên – Huế, Đền Độc Cước ở Thanh Hóa, Làng Cả ở Phú Thọ). Thậm chí, tỉnh Hà Tây (cũ) bán bảo tàng tỉnh cho doanh nghiệp, xếp toàn bộ hiện vật bảo tàng vào nhà làm việc của trung tâm thể thao tỉnh, không bảo đảm điều kiện bảo quản mà cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa vẫn không lên tiếng.
Luật DSVH ra đời tạo cơ sở pháp lý cho việc phục hồi, phát huy kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nước ta. Năm 2001, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có mục riêng đầu tư cho việc sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của 54 dân tộc. Tính đến hết năm 2007, đã có 645 dự án nghiên cứu, sưu tầm văn hóa phi vật thể với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng; nhiều tư liệu quý về di sản văn hóa phi vật thể như những điệu múa, bài hát, lễ hội, bí quyết nghề thủ công truyền thống, tri thức về y dược học cổ truyền,... đã và đang được tiến hành điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và lưu giữ trong ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể. Hiện nay, đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể là Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, một danh mục thống kê di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cũng đã được lập để trình UNESCO trong kế hoạch 10 năm tới. |
Cho đến nay, ngành văn hóa vẫn chưa có danh mục thống kê đầy đủ các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị trên cả nước để có kế hoạch sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị trong các cộng đồng dân cư. Chế độ chính sách cho cán bộ tham gia sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể cũng chưa được quy định cụ thể; trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác này cũng còn hạn chế.
Ông Thi đánh giá: “Nhìn nhận một cách toàn diện thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm tương xứng với tầm vóc của nó. Nguy cơ thất truyền nhiều di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn ở mức báo động”.
Kịch bản giống nhau, lễ hội mất tính đặc thù
Hầu hết các địa phương chưa có chính sách thích đáng đối với các làng nghề truyền thống như: ưu đãi về thuế, vay vốn, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh môi trường các làng nghề hiện nay cũng chưa được quan tâm giải quyết. Tình trạng ô nhiễm và mất mỹ quan không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân mà còn giảm sức hút đối với khách du lịch.
Hiện nay, các địa phương đua nhau tổ chức quá nhiều lễ hội, với kịch bản na ná giống nhau, mất tính đặc thù của lễ hội từng vùng miền, gây nhàm chán, lãng phí thời gian, tiền bạc. Hiện tượng khai thác lễ hội cho mục đích thương mại vẫn còn phổ biến; tệ nạn cờ bạc, mê tín dị đoan có chiều hướng gia tăng,...
Lúng túng bảo tồn, gia tăng lấn chiếm
Ông Thi dẫn báo cáo của Bộ VHTT&DL cho biết, tính đến nay cả nước có gần 5347 di tích cấp tỉnh, 3018 di tích cấp quốc gia và 5 danh thắng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, tiến độ xếp hạng di tích nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Chẳng hạn, tỉnh Thừa Thiên Huế có 891 di tích nhưng mới chỉ xếp hạng được 81 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh; tại Bắc Giang, trong số 2237 di tích mới có 108 di tích cấp quốc gia, 277 di tích cấp tỉnh; tại Thanh Hóa, trong số 1535 di tích có 136 di tích cấp quốc gia, 464 di tích cấp tỉnh... Đó là chưa kể nhiều di tích còn chưa được phát hiện, kiểm kê.
Công tác bảo vệ di tích trong thời gian qua đã có những tiến bộ vượt bậc so với tình hình trước khi Luật DSVH được ban hành. Tuy nhiên, qua giám sát, một số địa phương cho biết là hồ sơ các di tích được xếp hạng trước năm 1995 không có bản đồ chi tiết. Nhiều di tích, mặc dù đã được xếp hạng từ những thập kỷ 60,70 của thế kỷ trước, nhưng đến nay vẫn chưa có mốc giới trên bản đồ địa chính. Hiện nay, việc khoanh vùng bảo vệ di tích diễn ra chậm và chưa nghiêm túc, đã làm tăng tình trạng lấn chiếm di tích ở hầu khắp các địa phương.
Hà Nội có số lượng di tích lớn nhất cả nước và cũng là địa phương có nhiều di tích bị xâm phạm nhất: trên 300 di tích. Ở TP Hồ Chí Minh cũng có đến gần một phần ba số di tích quốc gia đang bị xâm phạm. Những di tích có diện tích rộng như Đại Nội (Huế), thành Cổ Loa (Hà Nội) đang có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hộ dân sinh sống (Đại Nội: 2.800 hộ, Cổ Loa: 586 hộ). Đây là những cư dân sinh sống từ nhiều đời, phần lớn đất ở và đất trồng trọt của đồng bào đều có giấy tờ hợp pháp. Việc di dời dân khỏi những di tích này là không khả thi, đồng thời cũng không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, du lịch, nhưng nếu không tổ chức tốt việc làm ăn, sinh sống của nhân dân trong khu vực di tích thì việc xâm hại di tích là không tránh khỏi. |
Ở một số địa phương, vấn đề bảo tồn phố cổ, làng cổ cũng chưa có giải pháp khả thi. Với tốc độ đô thị hóa cao như hiện nay, các quần thể di tích này luôn phải đối mặt với mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Các địa phương lúng túng trong việc triển khai các dự án bảo tồn, còn người dân sống trong phố cổ, làng cổ thì luôn ca thán vì gặp khó khăn trong việc xây dựng, cải tạo nhà cửa do bị hạn chế bởi các quy định của pháp luật.
Một số đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, nhiều khu phố và những biệt thự mang phong cách phương Tây rất độc đáo, nhưng được coi là di sản văn hóa và đang mất dần, nhường chỗ cho những cao ốc, siêu thị hiện đại, không chỉ phá vỡ không gian kiến trúc nói chung mà còn làm mất đi nét đẹp cổ kính đặc trưng của những đô thị này.
Tràn lan “bạt núi, bán biển”
Một hiện tượng đáng quan ngại hiện nay là phần lớn các dự án, công trình cận kề khu vực bảo vệ di tích được quy hoạch, thiết kế và thực hiện mà không tham khảo ý kiến Bộ VHTT&DL, vi phạm nghiêm trọng quy định tại các Điều 36, 37 Luật DSVH. Nhiều công trình phá hỏng cảnh quan di tích, thậm chí trực tiếp ảnh hưởng đến di tích nhưng không bị xử lý đúng mức, tạo tiền lệ xấu cho các công trình khác.
Một thực trạng đáng báo động nữa là một số địa phương, vì mục tiêu phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, đã triển khai không ít công trình tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, như khai thác đá làm vật liệu xây dựng có nguy cơ làm mất những dãy núi đá vôi độc đáo, bán hoặc cho thuê bờ biển làm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng,... vừa che khuất biển vừa tước quyền của chính người dân địa phương hưởng thụ thắng cảnh của địa phương mình.
Tu bổ hay làm mới di tích?
Phần lớn các di tích ở nước ta có kết cấu vật liệu không bền, lại phải đối mặt với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, thiên tai bão lũ hằng năm và một thời gian dài chiến tranh liên miên, không được quan tâm giữ gìn nên bị hủy hoại, xuống cấp nhanh chóng. Tuy nhiên, kinh phí cho tu bổ, tôn tạo di tích còn thấp, phân bổ kinh phí còn dàn trải, thời gian trùng tu, tôn tạo di tích thường kéo dài, không dứt điểm. Sau khi được tu bổ, tôn tạo, các di tích không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên rất dễ xuống cấp trở lại.
Hiện nay, không ít di tích được tu bổ từ nguồn xã hội hoá, nhưng nguồn vốn này tập trung chủ yếu ở các di tích tín ngưỡng - tôn giáo hoặc những di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng có tiềm năng khai thác du lịch cao. Trong nhiều trường hợp, chất lượng trùng tu, tôn tạo rất khó quản lý. Ông Thi nói: “Hiện tượng làm mới di tích, tô vẽ lại tượng cổ, cúng tiến hiện vật không phù hợp vào di tích diễn ra khá phổ biến”.
Việc đào tạo nhân lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay, các trường đại học của Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo này, trong khi quy định của các văn bản dưới luật đều yêu cầu cán bộ thực hiện công tác trùng tu tôn tạo di tích phải được bồi dưỡng kiến thức bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Hiện công tác bồi dưỡng do Cục Di sản văn hóa tổ chức, nhưng số lớp được tổ chức rất ít. Tình hình này dẫn đến nguy cơ cán bộ làm công tác tu bổ di tích thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, khó có khả năng bảo đảm chất lượng công trình. Hiện tượng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong tu bổ, tôn tạo di tích diễn ra khá phổ biến. Nhiều di tích hàng trăm năm tuổi, sau khi tu bổ, tôn tạo, trở thành những công trình mới không còn giá trị.
Buông lỏng quản lý, chảy máu cổ vật
Trong công tác bảo vệ, hiện nay, tỷ lệ cổ vật quý hiếm nằm ở các di tích khá cao, nhưng được bảo vệ chủ yếu bằng phương thức tự quản, thiếu sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp. Chính vì vậy mà tình trạng mất mát cổ vật diễn ra khá phổ biến, thậm chí nghiêm trọng. Như ở Hà Tây (cũ), từ năm 2000 đến 2004 đã mất 298 cổ vật tại 40 di tích; ở Phú Thọ, từ tháng 5 đến tháng 9-2004 đã mất 33 cổ vật tại 4 di tích. Hiện tượng mất cắp cổ vật ở các di chỉ khảo cổ, nạn chảy máu cổ vật nước ngoài, nạn trục vớt trái phép cổ vật ở các vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam có chiều hướng gia tăng; việc truy tìm kẻ gian, thu hồi cổ vật bị trộm cắp và xử lý theo pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Bên cạnh đó, tình trạng người dân phát hiện ra cổ vật nhưng không giao nộp cho cơ quan chức năng diễn ra khá phổ biến.
Quy hoạch bảo tàng còn thiếu cân đối
Có tới 90% số bảo tàng hiện nay thuộc loại hình lịch sử xã hội; hệ thống bảo tàng lịch sử tự nhiên, lịch sử khoa học kỹ thuật và nghệ thuật chưa được chú trọng mở rộng. Luật DSVH cho phép thành lập bảo tàng tư nhân, nhưng 8 năm qua, mới chỉ có 8 bảo tàng tư nhân được thành lập, mặc dù các bộ sưu tập cổ vật, hiện vật trong dân rất lớn và có giá trị cao.
Cơ sở cho sự tồn tại của thiết chế bảo tàng chính là hiện vật, nhưng hiện nay, hiện vật của các bảo tàng chủ yếu là được hiến tặng từ trước, việc bổ sung hiện vật mới chưa được nhiều và giá trị hiện vật chưa cao do thiếu kinh phí và cơ chế linh hoạt để mua hiện vật. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cũng chưa có mục đầu tư cho hoạt động bảo tàng. Do vậy, hiện vật các bảo tàng đơn điệu, nội dung trưng bày kém hấp dẫn. Cơ chế hoạt động bảo tàng hiện nay mang nặng tính bao cấp, chưa tạo điều kiện cho bảo tàng tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hoá, vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng, chưa tăng tính hấp dẫn và chưa tạo được nguồn thu cho bảo tàng.
Cuối cùng ông Đào Trọng Thi cho rằng, sự ra đời của Luật DSVH đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng tích cực hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, sau 7 năm thi hành, Luật DSVH cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Để nâng cao hiệu lực của pháp luật trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Luật DSVH cần sớm được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn./.
(Theo: Nhân dân)