Thứ Hai, 11/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 21/7/2009 6:32'(GMT+7)

Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 10 (phần 5)

3. Về Chiến lược 2011 - 2020

Đề cương Chiến lược trình bày nhiều nội dung phong phú, nổi bật là một số vấn đề sau đây:

3.1. Về chủ đề của Chiến lược

Đề cương nêu chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 là: Tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát huy mạnh mẽ dân chủ trong Đảng và trong xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra.

Đề cương Chiến lược nêu chủ đề như trên là bao quát được mục tiêu, nhiệm vụ và phương thức chủ yếu để thực hiện Chiến lược; cách thể hiện này bảo đảm tính liên tục trong thực hiện đường lối và mục tiêu phát triển đã được đề ra từ Chiến lược trước, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược tới và xu thế của thời đại.

3.2. Về bối cảnh thực hiện Chiến lược 2011 – 2020

Đất nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường. Trong những thập niên tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo. Nguy cơ chiến tranh thế giới khó có khả năng xảy ra nhưng các cuộc chiến tranh, xung đột về sắc tộc tôn giáo, lãnh thổ, tranh giành tài nguyên, khủng bố... có thể sẽ gia tăng, buộc các quốc gia phải đối phó và phối hợp hành động; đồng thời, cũng phải cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, đói nghèo, các đại dịch và các thảm họa thiên nhiên khác.

Toàn cầu hóa tiếp tục phát triển cả về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện. Tự do hóa kinh tế và tài chính tiếp tục gia tăng, nhiều hình thức liên kết kinh tế mới xuất hiện. Kinh tế tri thức phát triển mạnh và theo đó, con người và tri thức đang trở thành lợi thế chủ yếu của mỗi quốc gia. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế. Các tập đoàn và công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn. Tương quan sức mạnh của các nền kinh tế và cục diện phát triển toàn cầu thay đổi nhanh. Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước đang trở thành phổ biến với các mặt tích cực, tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen nhau rất phức tạp. Sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới... Những đặc điểm đó sẽ mở ra những cơ hội và thách thức mới cho sự phát triển.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động và đang hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng. Tuy vậy, vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định[1]. Các nước ASEAN bước vào thời kỳ hợp tác mới, cùng nhau xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: chính trị - an ninh; kinh tế; văn hóa - xã hội. Hợp tác ASEAN với các đối tác tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu.

Trong bối cảnh nêu trên, các quốc gia đều khẩn trương điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển của mình.

Ở trong nước, những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của 25 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 đã làm cho sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, những yếu kém của nền kinh tế chậm được khắc phục, nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu sẽ còn tác động tiêu cực đến sự phát triển của đất nước. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá quyết liệt, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định chính trị - xã hội, không thể xem thường Mặt khác, thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất, đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Bối cảnh mới đặt ra cho đất nước ta nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đều lớn và đan xen nhau rất phức tạp. Phải tận dụng tốt các thời cơ thuận lợi, vượt qua các thách thức khó khăn, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, kết hợp tốt sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, phấn đấu đạt được những bước phát triển mới, nhanh và bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước.

Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với nội dung nêu trên.

3.3. Về quan điểm phát triển

Xuất phát từ yêu cầu phát triển và trên cơ sở thực tế tình hình của đất nước và bối cảnh quốc tế, kế thừa những quan điểm của Chiến lược 2001 - 2010, Đề cương Chiến lược nêu 4 quan điểm phát triển có ý nghĩa chỉ đạo xuyên suốt như sau:

- Phát triển bền vững phải là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược và quá trình thực hiện Chiến lược

- Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, tạo động lực cho sự phát triển

- Giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất

- Giải quyết tốt mối quan hệ giũa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, phát huy mạnh mẽ nội lực và sức mạnh dân tộc, tranh thủ tối đa ngoại lực và sức mạnh thời đại

Qua thảo luận, hầu hết ý kiến nhất trí với các quan điểm phát triển nêu trên. Riêng về thành phần kinh tế (tại quan điểm 3), Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Đề cương Chiến lược nêu: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Khuyến khích phát triển mạnh kinh tế đa sở hữu mà chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần và hợp tác xã để loại hình kinh tế này trở thành phổ biến trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hoá sở hữu và kinh doanh; cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

3.4. Về các mục tiêu Chiến lược

Đề cương Chiến lược trình bày mục tiêu tổng quát và các mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường.

Mục tiêu tổng quát được nêu như sau: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có trình độ phát triển trung bình[2]; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề để phát triển cao hơn trong các thời kỳ chiến lược sau; phấn đấu xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với nội dung này.

3.5. Về các đột phá Chiến 1ược

Để đạt được các mục tiêu Chiến lược, phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp, trong đó, tập trung sức và có phương án khả thi thực hiện tốt các khâu đột phá sau: (l) Đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung vào việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính để giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực; (2) Đột phá về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân; (3) Đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn.

Đa số ý kiến nhất trí với những lựa chọn đột phá trên đây. Và cho rằng Đề cương Chiến lược nêu 3 đột phá như trên là phù hợp. Đây cũng là 3 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

3.6. Về các định hướng phát triển chủ yếu

(l) Phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hiện đại, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp và nâng cao khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế; (2) Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; (3) Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh, (4) Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng các đô thị lớn, (5) Phát triển hài hoà, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới; (6) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; (7) Phát triển toàn diện văn hóa, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế; (8) Phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân; (9) Phát triển nhanh giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; (10) Đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; (11) Bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; (12) Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các định hướng trên đây tập trung nêu các phương hướng phát triển, các chính sách và giải pháp ở tầm chiến lược, có kế thừa Nghị quyết của Đại hội X, các Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị Khoá IX, Khoá X về từng lĩnh vực; đồng thời, cũng có nhiều bổ sung, phát triển mới phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ chiến lược tới.

3.7. Về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiệu lực hiệu quả, đủ sức quản lý điều hành thực hiện thắng lợi Chiến lược

Đề cương Chiến lược trình bày 5 nội dung lớn: (1) Thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường, (2) Đẩy mạnh cải cách lập pháp, tư pháp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; (3) Kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả, (4) Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; (5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước trong sạch vững mạnh, hiệu lực hiệu quả.

Về nội dung thứ 5, Đề cương Chiến lược nêu:

Để nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội của hệ thống chính quyền các cấp, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là phải giải quyết tốt các mối quan hệ và sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả trên thực tế ba nội dung: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Đảng lãnh đạo toàn xã hội và là Đảng cầm quyền, trong điều kiện có Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước; sức mạnh và hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thể hiện chủ yếu ở sức mạnh, hiệu lực hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự tin cậy và ủng hộ của nhân dân. Nhà nước mạnh, hiệu lực hiệu quả quản lý được tăng cường cũng chính là Đảng mạnh và Đảng mới thực hiện được tốt nhất sứ mạng lãnh đạo chính trị của mình; đồng thời, Đảng mạnh là điều kiện quyết định để Nhà nước mạnh. Thực tiễn đặt ra sự cần thiết thực hiện cơ chế người đứng đầu các cấp uỷ Đảng ở địa phương phải là người đứng đầu chính quyền cùng cấp.

Phải tăng cường dân chủ trong Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền. Trên cơ sở kết quả thí điểm, thực hiện từng bước vững chắc nhân dân bầu người đứng đầu chính quyền địa phương một cách thật sự dân chủ và thực hiện cơ chế Đại hội Đảng các cấp ở địa phương trực tiếp bầu Bí thư cấp uỷ. Bí thư cấp uỷ Đảng ứng cử đảm nhận chức danh đứng đầu cơ quan chính quyền cùng cấp; nếu không được nhân dân tín nhiệm thì không tiếp tục làm Bí thư. Đây là thiết chế cần thiết để phát huy dân chủ trực tiếp trong việc lựa chọn người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền địa phương, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền; tăng cường vai trò lãnh đạo và hiệu lực cầm quyền của Đảng; tập trung quyền quyết định trong tổ chức thực hiện và tạo cơ sở pháp lý gắn quyền hạn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ Đảng, cũng là người đứng đầu chính quyền về các quyết định của mình. Đây cũng là cơ sở pháp lý để bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với cán bộ chủ chốt của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp. Qua đây góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, làm tăng niềm tin và sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Xây dựng cơ chế để bảo đảm sự lãnh đạo tập thể của cấp uỷ Đảng và ngăn ngừa sự độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu.

Trên đây là những nội dung cơ bản của Hội nghị Trung ương lần thứ X.

Từ nay đến Đại hội XI còn hơn một năm nữa. Quá trình chuẩn bị các văn kiện đại hội cần được gắn liền với quá trình phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thông qua thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện một cách có căn cứ các văn kiện.

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy thành tựu, ưu điểm đã đạt được trong hơn nửa đầu nhiệm kỳ khoá X; kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng qua, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, tích cực chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng và đại hội đảng các cấp, đưa đất nước tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

(Hết)

[1] Như: tranh giành ảnh hưởng và quyền lực, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên...

[2] Nước công nghiệp có trình độ trung bình được xác đinh theo các tiêu chí sau: (l) GDP bình quân đầu người đạt từ 3000 - 5000 đô la Mỹ/đầu người (năm 2020, dự kiến Việt Nam đạt trên 3000 đô la Mỹ); (2) Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP từ 10 – 20% (Việt Nam dự kiến là 15%); (3) Tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong giá trị sản xuất công nghiệp 40 - 50% (Việt Nam dự kiến là 40%); (4) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội từ 30 - 45% (Việt Nam dự kiến khoảng 30%); (5) Tỷ lệ sử dụng Internet trên dân số 25% (Việt Nam dự kiến trên 30%); (6) Số bác sỹ trên 1 vạn dân 8 - 10 (Việt Nam dự kiến là 9); (7) Tuổi thọ trung bình trên 70 tuổi (Việt Nam dự kiến trên 75 tuổi); (8) Chỉ số phát triển con người 0,502 - 0,798 (Việt Nam dự kiến là trên 0,750); (9) Tỷ lệ che phủ rừng 42% (Việt Nam dự kiến là 45%); (10) Tỷ lệ đô thị hóa từ 50 - 60% (Việt Nam dự kiến trên 40%); (l1) Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch 90 – 100% (Việt Nam dự kiến là 100% dân số đô thị và 85% dân số nông thôn), (12) Hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ và hiện đại.

Các tiêu chí trên được Tiểu ban Chiến lược đề xuất trên cơ sở tham khảo cách phân loại nước công nghiệp của các chuyên gia quốc tế (WB, các tổ chức quốc tế, một số nước khác) và số liệu của 20 nước trong giai đoạn công nghiệp hóa.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất