(TCTG) - Để thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Các Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo theo Quyết định 20/2007/QĐ-TTg, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Nghị quyết trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29-7-1998, được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 100/2007/QĐ-TTg... là những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao của cả xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho những vùng khó khăn nhất của đất nước.
Kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước đã làm cho diện mạo của khu vực DTTS&MN có những thay đổi đáng kể, góp phần giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống; tình hình an ninh chính trị theo đó cũng ngày càng ổn định... Tuy nhiên, kết quả xóa đói, giảm nghèo ở khu vực DTTS&MN còn chưa bền vững và không đồng đều giữa các vùng, các nhóm dân cư. Đơn cử: Vùng Tây Bắc – khu vực nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 vẫn là 24%, gấp hơn hai lần tỷ lệ chung của cả nước; Tỷ lệ hộ nghèo của nhiều tỉnh trong vùng còn cao (Điện Biên là 35,4%, Lai Châu 30,1%, Sơn La 29%...). Xu hướng phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm dân cư ngày càng gia tăng. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng đồng bào DTTS tại địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn giảm chậm, nhiều thôn, bản gần như 100% số hộ vẫn dưới chuẩn nghèo. Mức độ tiếp cận các chính sách, dự án giảm nghèo của các hộ nghèo DTTS sinh sống ở vùng cao, vùng sâu như La Hủ, Si La, Mảng, Cống, Kháng, Khơ Mú, Nùng, Dao, H’Mông... còn quá thấp.
Chỉ thị số 1971/CT-TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ: Công tác dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, huy động cao nhất mọi nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững và ổn định, nâng cao mức sống của đồng bào vùng dân tộc và miền núi thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập…”.
Vậy đòn bẩy nào sẽ đưa vùng DTTS&MN nước ta thoát khỏi tình trạng đói nghèo bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH- HĐH) đất nước, hội nhập vào nền kinh tế thế giới?
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, đã xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ”. Đó cũng chính là một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Sau nhiều thập niên tập trung sức phát triển tổng thể nguồn nhân lực theo diện rộng, đến nay trình độ dân trí của vùng DTTS&MN đã được nâng lên đáng kể. Về cơ bản, chúng ta đã thực hiện thành công sự nghiệp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục tăng với tốc độ cao; trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật của lao động nước ta cũng được nâng lên; tiềm lực và trình độ khoa học - công nghệ trong nước đã có những bước phát triển đáng kể...
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn quốc, thì trình độ khoa học – công nghệ và chất lượng của lực lượng lao động vùng DTTS&MN còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Theo số liệu điều tra Mức sống hộ gia đình năm 2009, thanh niên DTTS – nguồn nhân lực chủ yếu - từ 15-30 tuổi có khoảng 3,31 triệu, chiếm tỷ lệ trên 82% trong tổng số thanh niên DTTS nhưng tỷ lệ thanh niên đang tiếp tục đi học chỉ đạt xấp xỉ 10%; tỷ lệ không biết chữ 13,18%, cao hơn gần 4 lần so với tỷ lệ chung của lao động thanh niên cả nước (13,18% so với 3,94%); tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông: 14,78%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung cả nước (31,36%). Trình độ chuyên môn kỹ thuật của thanh niên DTTS có được cải thiện song vẫn còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của thanh niên DTTS năm 2009 là 94,69% (trong đó, 30,38% lao động chưa tốt nghiệp Trung học cơ sở), chỉ giảm hơn 2% so với năm 2004 (96,84%), trong khi đó, tỷ lệ tương ứng của thanh niên cả nước là 79,13% năm 2009, giảm gần 9% so với năm 2004 (86,08%) (1).
Thực tiễn này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực thấp chính là rào cản lớn cho quá trình đẩy nhanh CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức ở Việt Nam nói chung và vùng DTTS&MN nói riêng.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS&MN, theo chúng tôi, cần tập trung vào mấy vấn đề sau:
Một là, tập trung thực hiện tốt “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kì 2011-2020”, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS&MN.
Chúng ta cần triển khai kế hoạch, biện pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài của nguồn nhân lực, tạo một chuyển biến thật sự mạnh mẽ trong việc khai thác, đào tạo, sử dụng từ nguồn nhân lực cho đúng. Đồng thời, các địa phương cần có những cơ chế, chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút được nhân tài, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” như hiện nay, đặc biệt là nhân lực công tác ở vùng DTTS&MN.
Cải thiện thông tin về nguồn lực theo hướng rộng rãi và dân chủ, làm cho mọi người, đặc biệt là đồng bào vùng DTTS&MN, thấy được tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Hàng năm, cần tổng kết về lý luận và thực tiễn, đánh giá đúng những mặt được và chưa được, kịp thời rút kinh nghiệm để xây dựng chính sách mới và điều chỉnh chính sách đã có về nguồn nhân lực ở Việt Nam cho phù hợp với từng thời điểm.
Hai là, Ủy ban Dân tộc cần chủ trì và phối hợp với các Bộ, Ban, ngành xây dựng đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS&MN, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của CNH-HĐH đất nước trong thời gian tới đây.
Ba là, các địa phương vùng DTTS&MN cần dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển nguồn nhân lực từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ Quốc gia và các chương trình, dự án của Chính phủ trong việc đào tạo, sử dụng, giải quyết việc làm phù hợp với thực tế. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề ở vùng DTTS và miền núi nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là thanh niên. Thực hiện các chương trình, biện pháp, chính sách quản trị nguồn nhân lực đồng bộ (chế độ lương bổng, đãi ngộ, cơ hội thăng tiến…) để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại địa phương.
Các doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp trong quá trình khai thác, phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi cần có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho thanh niên các DTTS. Các địa phương phải nhận thức được chi phí đầu tư cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực là chi phí đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Hiệu quả của đào tạo phải được coi là tiêu chí để đánh giá đầu tư hợp lý chứ không phải là việc làm tốn ngân sách địa phương. Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhằm hoạch định nguồn nhân lực, xác định những mặt được, chưa được, từ đó đề ra biện pháp hoàn thiện.
Vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được coi trọng (chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh, sử dụng nhân tài còn tản mạn, lạc hậu với thực tiễn, không kịp thời...). Vì vậy, đã đến lúc, các địa phương vùng DTTS&MN phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội, để có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
ThS. Đàm Thị Toan
-------------------
(1). Theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình năm 2009.