Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 2/5/2012 21:56'(GMT+7)

Giáo dục bằng lễ hội cách mạng

Nghi lễ thượng cờ trên kỳ đài Hiền Lương.

Nghi lễ thượng cờ trên kỳ đài Hiền Lương.

Lễ hội Thống nhất non sông với nghi lễ thượng cờ trên kỳ đài Hiền Lương đã được tỉnh Quảng Trị tổ chức trọng thể hôm 30/4 vừa qua tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Việc tổ chức sự kiện này bên cây cầu và dòng sông lịch sử - nơi từng chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền Bắc - Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một thông điệp bày tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh và nhắc nhở con cháu hôm nay không được phép thờ ơ với quá khứ đau thương của dân tộc.

Ngoài Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn ở tỉnh Quảng Trị, những năm gần đây, một số địa phương cũng tổ chức lễ hội cách mạng có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc như: Lễ hội truyền thống Liên khu I tại Hà Nội, Lễ hội Làng Sen tại Nghệ An… Tuy nhiên, trong tổng số gần 8000 lễ hội lớn nhỏ của cả nước mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thống kê, tỷ lệ lễ hội cách mạng hiện nay chỉ chiếm khoảng 4%, đó là điều rất đáng suy nghĩ. Vì so với bề dày truyền thống đấu tranh oanh liệt và những trang sử vẻ vang của dân  tộc ta, thì tỷ lệ đó chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong khi lễ hội dân gian tổ chức theo kiểu “trăm hoa đua nở”, mạnh ai nấy làm và ít nhiều bị “thương mại hóa”, thì lễ hội cách mạng ở không ít địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo thu được nhiều tiền công đức, giọt dầu, trong khi lễ hội cách mạng phải “chi” nhiều hơn “thu”, hoặc có “thu” cũng không đáng kể.

Theo dòng chảy của thời gian, khi chiến tranh càng lùi xa thì những chiến tích oai hùng của quân dân ta và sự hy sinh to lớn của các thế hệ ông cha càng dễ bị nhạt nhòa nếu chúng ta không thường xuyên nhen lên ngọn lửa truyền thống cho những người đang sống hôm nay thông qua việc tổ chức những lễ hội cách mạng đậm chất sử thi và tràn đầy tinh thần yêu nước. Bởi ngoài phần lễ nghiêm trang, xúc động và dễ đi vào lòng người, phần hội cũng cần có các hoạt động như giao lưu gặp mặt các nhân chứng lịch sử, diễu binh, diễu hành, biểu diễn các ca khúc cách mạng, chiếu các bộ phim chiến tranh… chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho mọi người dân.

Không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong việc bồi đắp, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, việc tổ chức các lễ hội cách mạng còn góp phần hình thành những giá trị văn hóa tâm linh cao đẹp cho mỗi người dân. Những giá trị đó là lòng biết ơn, sự thủy chung, tình cảm hướng cội, đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần xả thân vì nghĩa lớn… Vì vậy, các cơ quan chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu lịch sử truyền thống, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ khoa học nhằm tăng cường tổ chức lễ hội cách mạng gắn liền với những sự kiện tiêu biểu, những tập thể, cá nhân anh hùng bất tử và những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.

Việc tổ chức các lễ hội cách mạng rất đáng khuyến khích. Nhưng để tránh sự trùng lặp, đơn điệu, mỗi lễ hội phải có những điểm nhấn đặc trưng, phù hợp với tính chất và giai đoạn lịch sử để tạo ra sự khác biệt, hấp dẫn đối với công chúng. Mặt khác, quá trình tổ chức lễ hội cách mạng, các địa phương cần phải triệt để thực hành tiết kiệm, không nên phô trương, hình thức, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, sức lực của nhân dân./.

(Nguyễn Văn Hải/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất