Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 6/5/2012 23:5'(GMT+7)

Lương phải là động lực phấn đấu cho người lao động

 

Nghịch lý như lương tối thiểu

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII cuối năm 2011 đã quyết định từ 1-5-2012 lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng từ 830 nghìn đồng lên 1.050 nghìn đồng/tháng. Cùng với việc nâng lương tối thiểu, phụ cấp công vụ cũng được điều chỉnh lên 25% cho cán bộ, công chức. Lương hưu và phụ cấp ưu đãi người có công cũng sẽ được điều chỉnh tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu. Dự kiến đợt điều chỉnh lương tối thiểu này, ngân sách nhà nước sẽ phải chi khoảng 59.300 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung của người lao động trong khối hành chính-sự nghiệp nhà nước đã được điều chỉnh 7 lần từ mức 210 nghìn đồng/tháng lên 830 nghìn đồng/tháng. Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, việc điều chỉnh này được thực hiện trên cơ sở các mức đã dự kiến trong Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2003-2007 và 2008-2012 theo mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và khả năng tăng trưởng của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với tốc độ tăng CPI quá cao như năm 2011 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thừa nhận: “Lương tăng nhưng mới chỉ trên danh nghĩa, chưa bù đắp được so với tốc độ lạm phát, tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tái sản xuất sức lao động hàng ngày của đội ngũ công bộc của dân”.

Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2011 mức lương tối thiểu chung do Chính phủ qui định (830 nghìn đồng/tháng khối hành chính-sự nghiệp) mới đảm bảo nhu cầu tối thiểu về nhu cầu lương thực, thực phẩm, chưa thể đảm bảo các khoản chi phí khác. Có một thực tế, so với việc điều chỉnh lương doanh nghiệp theo vùng (từ 1-10-2011, cao nhất là 2 triệu đồng/người/tháng), thì lương tối thiểu dành cho đội ngũ cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách còn quá thấp so với mặt bằng chung. Như vậy, sau 7 lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước vẫn tồn tại nghịch lý: Lương tăng không theo kịp tốc độ trượt giá, lạm phát. Nếu theo quan điểm chỉ đạo cải cách chế độ, chính sách tiền lương để đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm công tác, cống hiến… thì điều này vẫn còn ở phía trước. Bởi vì đã gần 20 năm nay, vấn đề cải cách tiền lương luôn luôn được đặt ra và thực tế cũng đã có những bước điều chỉnh khi CPI lên cao, ngân sách nhà nước dành cho lương tối thiểu nhiều khoản, nhưng thực tế vẫn chưa thể gọi là bước đột phá, ổn định lâu dài ít nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, bản thân ngay từ chính sách, thang bảng lương theo quy định cũng bộc lộ những bất cập từ rất lâu: Lương không trả theo công việc mà được trả theo bằng cấp (đại học 3 năm điều chỉnh tăng lương một lần, trung cấp 2 năm… mỗi lần điều chỉnh không quá vài chục nghìn, trong khi đó giá cả lạm phát thực tế luôn cao gấp nhiều lần so với việc tăng lương).

Nhiều điểm mới ở đợt cải cách tiền lương?

Đó là hy vọng và cũng là kỳ vọng của đội ngũ cán bộ công chức hành chính sự nghiệp nhà nước và hàng triệu cán bộ hưu trí, gia đình người có công với cách mạng. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, trong Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công giai đoạn 2012-2020 sẽ có nhiều điểm mới trong quan điểm thiết kế. Đó là việc tiến tới luật hóa về tiền lương (sẽ có luật về tiền lương tối thiểu (1), thay cho quy định chung trong Bộ luật Lao động như hiện tại). Cũng theo ông Phạm Minh Huân, hiện trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, đã đưa quy định về tiền lương tối thiểu thành một chương riêng biệt về tiền lương. Điều đó đã tái khẳng định: tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân người lao động và gia đình họ đang trực tiếp nuôi dưỡng. Trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, đã đưa ra mô hình Ủy ban hoặc Hội đồng tiền lương giữa 3 bên (gồm đại diện Chính phủ, đại diện người sử dụng lao động, đại diện người lao động có chức năng cùng bàn bạc tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng trước khi quyết định tăng lương tối thiểu).

Đáng chú ý, loại hình tiền lương tối thiểu trong khối doanh nghiệp sẽ được tính áp dụng trả lương theo giờ (cách làm tiên tiến mà các quốc gia phát triển trên thế giới vẫn đang thực hiện). “Để lương tối thiểu đáp ứng như cầu tối thiểu, cần phải tính toán thật kỹ nhu cầu tối thiểu của một người lao động, để duy trì cuộc sống hàng ngày bản thân họ và những người trong gia đình là gì? Cần gắn với thực tiễn và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước hiện tại” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh. Như vậy, theo định hướng trên, thời gian điều chỉnh tiền lương tối thiểu phải được tính toán phù hợp, bám sát chỉ số CPI để đảm bảo tiền lương thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, và có tính đến mặt bằng tiền công trả cho người lao động trên thị trường khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới. Việc mở rộng quan hệ tiền lương sẽ theo hướng giảm tính bình quân trong các mức lương, đưa tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp tiếp cận mức lương của thị trường.

Là cơ quan chủ quản vấn đề lao động-việc làm, tiền lương-tiền công, theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có 2 quy luật đang tồn tại và chi phối cung - cầu lao động. Đó là khi lao động có trình độ chuyên môn cao, nhu cầu thị trường lớn, trong khi khả năng cung hạn chế, tất nhiên người lao động sẽ có mức lương cao. Ngược lại, cầu lao động trình độ chuyên môn thấp, nguồn cung rất lớn, vượt quá nhu cầu của thị trường sẽ ép tiền lương, tiền công xuống. Do vậy, cần hóa giải nghịch lý này và phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý tiền lương doanh nghiệp, làm sao để tiền lương phải thực sự gắn với năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Liên quan đến cải cách tiền lương cho đội ngũ cán bộ hưu trí và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, trước tiên cần tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công trong gần 20 năm qua. “Khi điều kiện ngân sách cho phép, thì phải thiết kế chính sách như thế nào để thực hiện mục tiêu ngày càng nâng cao, ổn định mức sống người có công và đội ngũ cán bộ hưu trí. Tất nhiên, việc điều chỉnh này phụ thuộc rất lớn vào khả năng ngân sách. Tuy nhiên, quan điểm là cần ưu tiên những người đã có nhiều cống hiến cho cách mạng, đất nước” - ông Phạm Minh Huân khẳng định. Về phía Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng khẳng định quan điểm, từ năm 2012-2014 sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ gia tăng CPI thực tế. Sau đó sẽ tính toán cụ thể giữa mức lương tối thiểu theo hướng trung bình, tối đa cùng với đó là cải cách đột phá về ngạch lương, thang lương, bậc lương. Tiến tới việc đảm bảo tất cả công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sống được bằng thu nhập từ lương ở mức trung bình khá trong xã hội. Gắn cải cách tiền lương với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nâng cao tính hiệu quả của nền công vụ thực chất, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước./.

Nguyễn Thanh Phúc
------------------

(1) - Lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu tối thiểu (tính đủ tiền nhà trong lương) ở vùng có thị trường lao động phát triển nhất (vùng có mức lương tối thiểu cao nhất của khu vực doanh nghiệp).

- Lương tối thiểu bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp, đồng thời áp dụng hệ số tăng thêm đối với CBCC ở những vùng có thị trường lao động phát triển, để mức lương tối thiểu của CBCC cao hơn mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp trên, bảo đảm tính cạnh tranh của lương công chức, thu hút người có tài năng vào bộ máy nhà nước.

- Quy định mức lương tối thiểu áp dụng với CBCC trên cơ sở mức thu nhập và mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất