Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 5/5/2012 11:40'(GMT+7)

Chủ nghĩa Mác vẫn tiếp tục soi sáng sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta

Karl Marx

Karl Marx

C.Mác (Karl Marx) sinh ngày 5/5/1818 ở thành phố Tơ-ri-ơ trong gia đình luật sư Hen-rích Mác (Heinrich Marx), để rồi sau đó trở thành người “khổng lồ” của nhân loại ở thế kỷ XIX, lãnh tụ vĩ đại và thiên tài của giai cấp công nhân thế giới. Công lao to lớn và cống hiến vĩ đại của C.Mác là ở chỗ, C.Mác là người tìm ra quy luật vận động khách quan của lịch sử; quy luật ra đời, tồn tại, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản; làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, chỉ ra con đường cách mạng để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Sự phát hiện và sáng tạo, sự luận chứng sáng tỏ và đầy sức thuyết phục của C.Mác về: Chủ nghĩa duy vật lịch sử - “thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học” (1); học thuyết giá trị thặng dư, “hòn đá tảng” của chủ nghĩa Mác - “chiếu một ánh sáng rực rỡ vào lĩnh vực kinh tế”(2); và trên cơ sở đó, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - một cống hiến vĩ đại của C.Mác, phạm trù trung tâm của chủ nghĩa xã hội khoa học, đã làm cho chủ nghĩa Mác trở nên hoàn bị với ba bộ phận hợp thành: Triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Theo C.Mác, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân xuất phát từ chính địa vị kinh tế-xã hội của bản thân giai cấp công nhân. “Vấn đề là ở chỗ tìm hiểu xem giai cấp vô sản thực ra là gì và phù hợp với tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử”(3). Phân tích sâu sắc các giai cấp và địa vị kinh tế-xã hội của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen chỉ rõ, trong xã hội tư bản các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, trái lại giai cấp công nhân là sản phẩm của đại công nghiệp, là lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa và khẳng định “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(4). V.I.Lê-nin đã đánh giá chính xác: “Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học của Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức đã sống lay lắt từ trước tới nay. Chỉ có học thuyết kinh tế của Mác là đã giải thích được địa vị thực sự của giai cấp vô sản trong toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa”(5).

Bằng việc tuyên bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - cương lĩnh chính trị, kim chỉ nam hành động của những người cộng sản năm 1848, những vấn đề về tính tất yếu, khái niệm và vai trò, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản trong quá trình đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản được C.Mác và Ph.Ăng-ghen trình bày một cách rõ ràng. Về những người cộng sản, các ông viết: “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên, về mặt lý luận họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả của phong trào vô sản”(6).

Luận điểm trên của C.Mác toát lên những vấn đề lý luận, thực tiễn rất cơ bản: Những người cộng sản phải “hơn” bộ phận còn lại của giai cấp vô sản cả về lý luận và thực tiễn, cả về ý chí và hành động, cả về nhận thức và vai trò trách nhiệm. Có như thế thì họ mới có thể “luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên”. Không thể dẫn dắt được phong trào công nhân và đưa phong trào đó đến thắng lợi, nếu như những người cộng sản không thực sự tiên tiến về lý luận và thực tiễn. Những vấn đề lý luận, thực tiễn cơ bản đó tạo cơ sở tư tưởng trực tiếp rất quan trọng để sau này V.I.Lê-nin phát triển trong lý luận về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, với những yêu cầu đảng kiểu mới đó phải là “đội tiền phong”; đảng là “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”(7); phải có “một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”(8); cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong tư tưởng và hành động.

Gần hai thế kỷ đã qua kể từ khi C.Mác được sinh ra và gần 165 năm kể từ khi bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố, đánh dấu chính thức sự ra đời của chủ nghĩa Mác, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã có nhiều biến đổi hết sức sâu sắc, lúc thăng, lúc trầm, có nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn rất mới đặt ra cần phải giải quyết, nhưng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự. Chủ nghĩa Mác không hề lỗi thời, vẫn là cơ sở khoa học, phương pháp luận khoa học cho việc luận giải các vấn đề của thời đại ngày nay; tiếp tục là kim chỉ nam, là ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trên con đường đi tới tương lai xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, có không ít những luận thuyết, quan điểm khác nhau tiến công, phủ nhận giá trị, đòi hạ bệ, thay thế chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người ta đã lợi dụng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu; những khó khăn, yếu kém và hạn chế trong công cuộc cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa; sự phát triển, “điều chỉnh” để thích nghi của chủ nghĩa tư bản hiện đại... để rùm beng lên rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã “hết vai trò”, “đã bị vượt qua”, đã “lạc hậu, lỗi thời” trước sự phát triển của thời đại, đặc biệt là trong không gian toàn cầu hóa hiện nay. Nhưng cũng từ chính phương Tây, người ta lại thấy có tiếng nói về những giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác, về phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác trong thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 và khủng khoảng nợ công ở châu Âu và một số nước tư bản hiện nay. Rõ ràng là, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, khủng khoảng nợ công đó đã cho thấy những hạn chế của chủ nghĩa tự do kinh tế, những mâu thuẫn không thể khắc phục và giới hạn của chủ nghĩa tư bản hiện đại; đồng thời, cũng nói lên giá trị thời đại to lớn của chủ nghĩa Mác.

Thời đại mà chúng ta đang sống đã và đang đặt chủ nghĩa Mác - Lê-nin trước những thách thức to lớn. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vừa phải luận giải những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; vừa phải giải quyết những vấn đề mới nảy sinh và hết sức phức tạp của thời đại, của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc đang diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiệm vụ to lớn đó nói lên tầm quan trọng và sứ mệnh trọng đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tính cách là học thuyết cách mạng và khoa học của giai cấp công nhân.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động" (9). Điều đó không phải do ý muốn chủ quan, mà là tất yếu khách quan, phản ánh quy luật phát triển của đất nước, của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới; là do bản chất cách mạng, khoa học và giá trị bền vững, to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Khẳng định điều đó đòi hỏi chúng ta càng phải nhận thức đúng bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kiên định và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới; đòi hỏi phải phát triển và đối xử chủ nghĩa đó với tư cách thực sự là “nền tảng”, là “kim chỉ nam” cho hành động.

Những tư tưởng của C.Mác, của V.I.Lê-nin về Đảng Cộng sản, về tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên có ý nghĩa rất quan trọng về lý luận và thực tiễn, vẫn giữ nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự, nhất là đối với chúng ta trong quá trình quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khóa XI của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện mình là Đảng Mác - Lê-nin chân chính, trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng “thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân” (10) ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra trầm trọng. Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng đã khẳng định quyết tâm chính trị “đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”(11); yêu cầu rất gắt gao mọi đảng viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, đặc biệt là đảng viên cấp cao.

Sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta trong tình hình mới và nhiệm vụ xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đòi hỏi chúng ta càng phải trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa Mác cũng như tư tưởng của C.Mác về Đảng Cộng sản, về những người cộng sản càng trở nên có ý nghĩa, tiếp tục dẫn dắt, soi sáng cho hành động chúng ta. Hơn lúc nào hết, những người đảng viên cộng sản Việt Nam, nhất là đảng viên cấp cao phải thực sự “hơn” bộ phận còn lại cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phải thực sự gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, trên mọi lĩnh vực hoạt động; phải gương mẫu và kiên quyết trong thực hiện nghị quyết Trung ương 4, trong khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có như thế, thì mới có thể “thúc đẩy” được sự nghiệp cách mạng tiến lên, mới có thể thực hiện được thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng./.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng

________________________________

(1) V.I.Lê-nin Toàn tập, tập 23, Nxb Tiến bộ, M.1980, tr.53.

(2) Ph.Ăng-ghen, Chống ĐuyRinh, Nxb ST, H.1984, tr.44.

(3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 2, tr.56.

(4) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.1995, tr. 613.

(5) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 23, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr.58.

(6) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.1995, tr. 610.

(7) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 34, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tr.122

(8) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 6, Nxb Tiến Bộ, M.1975, tr.32

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.88.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG, H.2012, tr.25.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr.27.


(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất