Thời gian gần đây, dư luận, khán giả thường choáng váng trước những hình ảnh “mát mẻ”, những màn khoe thân rất phản cảm của một số nghệ sĩ. Dường như đã đến lúc, không thể kêu gọi suông sự tự giác, lòng tự trọng của những nghệ sĩ nào đó khi chính họ đã có những nhận thức lệch lạc về cái đẹp.
Ý thức kém hay cố ý?
Chưa bao giờ, công chúng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nam - nữ nghệ sĩ khỏa thân (có thể bán thân hoặc toàn thân), ăn mặc hở hang phản cảm nhiều như bây giờ. Nếu 10 năm trước, chỉ là những tấm hình khỏa thân chụp (với ý nghĩ ghi lại hình ảnh đẹp một thời), bị rò rỉ ra ngoài. Thời nay, không hiếm nghệ sĩ chủ động chụp, quay hình và chủ động tung lên báo (báo mạng là chủ yếu). Mật độ tung ảnh “nóng”, clip “hot” ngày càng nhiều, khiến dư luận có cảm giác, nghệ sĩ đang đua nhau khoe da thịt trong mọi trường hợp có thể. Dư luận chưa kịp lắng xuống vụ người mẫu Ngọc Quyên chụp khỏa thân ngụy biện vì môi trường, lại đến Nam vương Tiến Đoàn khoe thân trong hai bộ ảnh khỏa thân trần trụi không thể “nóng” hơn. Rồi loạt ảnh hai người mẫu Doãn Tuấn và Thu Hằng mặc đồ lót hóa trang thành vợ chồng chuột. Ca sĩ Thủy Tiên ăn mặc mát mẻ, uốn éo, lả lơi quay clip ca nhạc trong bảo tàng, bên tượng đài các chiến sĩ và bà mẹ Việt Nam. Ngay sau khi bộ phim Bi, đừng sợ ra mắt khán giả với rất nhiều cảnh nhạy cảm trong phim, khán giả còn chưa hết bàn tán thì Kiều Trinh (đóng một vai trong phim này) lập tức tung ra một clip phô diễn một bộ ảnh cô chỉ mặc đồ lót, chụp nhiều tư thế gợi dục, lồng ghép trong ca khúc “Baby One More Time” do chính Kiều Trinh hát với lời dịch sang tiếng Việt thành “Trinh ơi đừng sợ”. Thấy chưa đủ “đô”, sau đó Kiều Trinh tiếp tục tung ra bộ clip thứ hai cũng với kiểu hình ảnh đồ lót như clip 1, nhưng lần này lồng ca khúc trong phim kiếm hiệp Ngao kiếm. Các nam ca sĩ không chịu kém cạnh: Ngọc Sơn tung clip dài hơn 7 phút “Ngọc Sơn Asian hot body” với những hình ảnh phô bày thân thể với độc một chiếc quần chip nhỏ và những cách thể hiện thô tục; Ưng Hoàng Phúc khoe thân với một ca khúc không ăn nhập gì với hình ảnh này. Nhưng ồn ào và được dư luận đặc biệt chú ý, gây nhiều bất bình nhất chính là vụ “Đêm mỹ nhân” diễn ra tại Quảng Bình hồi trung tuần tháng 8 vừa qua. Mang danh nghĩa một đêm ca nhạc từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo Quảng Bình, nhưng nhiều nữ ca sĩ tham gia chương trình này mặc trang phục thiếu vải đến mức không thể thiếu hơn được nữa mà báo chí đưa hình ảnh nhiều nhất là Minh Hằng, Thủy Tiên, Hoàng Thùy Linh…
Không thể trông chờ sự tự giác
Các vụ vi phạm ngày càng nhiều, mức độ ngày càng quá đà, lộ liễu, nhưng cơ quan quản lý chỉ can thiệp khi có sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Tuy nhiên, sự can thiệp của cơ quan thẩm quyền cũng chậm và mức phạt không đáng kể, khiến công chúng hoài nghi cho rằng: phạt cho có và phạt để xoa dịu dư luận chứ không mang tính chất răn đe. Điểm lại một số vụ việc, để thấy mức phạt không thấm vào đâu so với quy mô chương trình và tính chất vi phạm: vụ người mẫu Bebe Phạm và Hà Anh “lộ hàng” trong chương trình Diamond Night bị phạt tổng cộng 11 triệu đồng, trong đó có 3,5 triệu đồng phạt người mẫu mặc trang phục phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục; 7,5 triệu đồng phạt tự ý thay đổi nội dung chương trình sau phúc khảo. Chương trình “Đêm mỹ nhân” phạt 3,5 triệu đồng vì vi phạm nội dung cấp phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Các quyết định xử phạt chỉ dành cho đơn vị tổ chức, còn cá nhân nghệ sĩ bị dư luận lên án, được bỏ qua với lý lẽ “sự cố ngoài ý muốn” (với Bebe Phạm, Hà Anh) hoặc “không kịp lập biên bản vi phạm quả tang” (với Minh Hằng)?
Phó Cục trưởng, Cục Nghệ thuật biểu diễn Phạm Đình Thắng cho biết, các quy định quản lý biểu diễn nghệ thuật đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ. Tuy nhiên hiện nay, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm có nhiều mức khác nhau, có mức chưa được hợp lý. Cục sẽ kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Hiện cục đang tham mưu Bộ VH-TT-DL xây dựng Nghị định quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có quy định rất cụ thể về trách nhiệm của đơn vị tổ chức, của người biểu diễn và của chủ địa điểm tổ chức. Dự thảo nghị định lần này chỉ điều chỉnh về hành vi, nội dung, không điều chỉnh về mức phạt. Quy định mức phạt sẽ được điều chỉnh trong nghị định khác. Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM: “Tiền phạt và phạt nhanh hay chậm không là vấn đề. Quan trọng là chế tài kèm theo. Sau khi phạt tiền, tiến hành tạm ngưng cấp phép biểu diễn trong vòng 3 - 6 tháng, thậm chí Sở VH-TT-DL có thể đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư tước giấy phép kinh doanh của đơn vị tổ chức mới có thể răn đe, hạn chế vi phạm”.
Trước thực tế không ít nghệ sĩ trẻ hiện nay có xu hướng thẩm mỹ lệch lạc, cách sống phóng túng không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống Việt Nam đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận giới trẻ. Thế giới không thiếu trường hợp nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, bị dư luận lên án, bị tẩy chay và phải chính thức đăng đàn xin lỗi công chúng. Trong khi ở nước ta, nghệ sĩ dù bị công chúng, dư luận chỉ trích mạnh mẽ, vẫn “nhơn nhơn” với lý lẽ “Tôi thấy sexy đâu có gì xấu”! Đã đến lúc không thể trông chờ vào sự tự giác của một số nghệ sĩ chỉ muốn nổi tiếng, gây ấn tượng bằng mọi giá và bất chấp dư luận mà phải dùng đến các biện pháp chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
SGGP