(TG)-Công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo ở Vĩnh Phúc được chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm.
Năm 2018, nhiều hoạt động đẩy mạnh giải quyết việc làm được các cấp, các ngành ở Vĩnh Phúc tập trung triển khai như: vận hành tốt sàn giao dịch việc làm; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh trong việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm…, do đó kết quả giải quyết việc làm năm 2018 vượt mục tiêu đề ra, ước cả năm 2018 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 24.885 lao động (mục tiêu giải quyết việc làm cho 22.000 – 23.000 lao động), trong đó lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng đạt 12.120 người, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4.015 người và lao động trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại đạt 6.750 người. Bên cạnh đó, công tác đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm, trong năm toàn tỉnh đã có 2 nghìn lao động được xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan đạt kế hoạch đề ra.
Chính sách giảm nghèo của tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện. Các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Quỹ vì người nghèo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” được tổ chức thường xuyên và thu hút sự hưởng ứng của xã hội. Các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong năm, tỉnh đã trao hơn 2,2 nghìn xuất quà cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018; duyệt danh sách cho 345 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở đăng ký vay vốn; hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chỉ đạo rà soát các hộ sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thiếu nước sinh hoạt...
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện qua đó đã huy động được cả cộng đồng tham gia, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công.
Các chế độ chính sách đối với người có công, thân nhân người có công được thực hiện tốt, trong năm tỉnh đã cấp lại cấp thẻ bảo hiểm y tế đối tượng chính sách là 85 nghìn người; quyết định hưởng trợ cấp cho 155 trường hợp hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; quyết định cho 1 thân nhân lão thành cách mạng hưởng trợ cấp 1; thực hiện chính sách ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với 10 người; đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 574 liệt sỹ; hỗ trợ 19,16 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 716 nhà cho các đối tượng...
Đề án Cổng Thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ được đã và đang triển khai hiệu quả. Công tác thăm hỏi và tặng quà đối tượng chính sách được thực hiện thường xuyên.
Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đạt nhiều kết quả quan trọng, 100% trẻ em dưới 6 tuổi của tỉnh được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; hơn 6 nghìn trẻ em được truyền thông kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích; gần 300 trẻ em được dạy bơi miễn phí; chương trình tiêm chủng mở rộng và chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được chỉ đạo tổ chức tốt.
Các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, phẫu thuật, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, khám sàng lọc, đánh giá lại tình hình suy dinh dưỡng trẻ em cho 2 nghìn trẻ em được triển khai đồng bộ; cấp 2 nghìn suất thuốc miễn phí cho trẻ em dưới 5 tuổi; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp lễ, tết.
Tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”; tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đặc biệt là phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em trên báo Vĩnh Phúc với nhiều nội dung trọng tâm, ngắn gọn, đảm bảo cả về chất lượng và số lượng.
Rà soát các nhà văn hóa thôn, xã đủ điều kiện lắp đặt thiết bị vui chơi giải trí trẻ em; tiếp tục xây dựng mô hình “Xã, phường phù hợp với trẻ em” và tổ chức diễn đàn Trẻ em cấp tỉnh chủ đề “Vì cuộc sống an toàn lành mạnh cho trẻ em” với sự tham gia của hơn 300 trẻ em đại diện cho trên 300 nghìn trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc…
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần chuyển đổi nhận thức và hành vi ở các cấp, các ngành, các đơn vị và trong nhân dân về bình đẳng giới. Quan tâm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; triển khai tốt các hoạt động Tháng hành động vì Người cao tuổi năm 2018, với chủ đề “Xã hội chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”; tổ chức thực hiện chu đáo, thiết thực, ý nghĩa công tác chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi.
Các đề án, chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thường xuyên như: chương trình 134, 135, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ cho trên 4,87 nghìn lượt người dân thuộc hộ nghèo ở các xã vùng khó khăn của tỉnh theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai xây dựng Đề án chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2018-2020 theo quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ;…
Kịp thời nắm bắt tình hình sinh hoạt, hoạt động tôn giáo ở các cơ sở tôn giáo; giải quyết hiệu quả các vướng mắc trong sinh hoạt tôn giáo; chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến tôn giáo cho các đối tượng do đó tình hình các tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định, chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh gắn bó đồng hành cùng sự phát triển của địa phương.
Nguyễn Thúy