Thứ Ba, 15/10/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Bảy, 27/6/2020 9:0'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Chú trọng công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc" của hội viên phụ nữ thôn Tam Phú, xã Vân Trục (Lập Thạch). Ảnh Kim Ly

Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc" của hội viên phụ nữ thôn Tam Phú, xã Vân Trục (Lập Thạch). Ảnh Kim Ly

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC 

 Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Chỉ thị 49) trên địa bàn tỉnh, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Các cấp uỷ, chính quyền nhận thức rõ gia đình là tế bào, là nền tảng của sự phát triển xã hội; xác định rõ công tác gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển. Vì vậy, trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở địa phương đều có nội dung về công tác gia đình trong thời kỳ mới.

Công tác xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, ổn định trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội hiện đại. Mô hình gia đình “ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” đã và đang được các gia đình hướng tới nhiều hơn, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam ngày càng được phát huy mạnh mẽ, các tập tục lạc hậu từng bước được xoá bỏ. Việc tiếp thu những giá trị văn hoá mới vào đời sống gia đình, xã hội đã được người dân trong tỉnh chọn lọc ngày một tinh tế hơn, phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phù hợp với từng vùng, miền, địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

Hàng năm nhân kỷ niệm ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, từ tỉnh đến cơ sở đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa trong việc xây dựng và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam như: hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao gia đình, tổ chức biểu dương, gặp mặt gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc, nói chuyện chuyên đề về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”; hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước trong đó lồng ghép với công tác gia đình ở thôn, làng, khu dân cư…

Công tác phối hợp liên ngành luôn được quan tâm đẩy mạnh; Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực xây dựng gia đình thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể... tổ chức nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm, lớp tập huấn về công tác gia đình cho cán bộ các cấp hàng năm. Các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo”, xây nhà đại đoàn kết. Các phong trào: “Gia đình nông dân văn hoá”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội”…được phối hợp triển khai có hiệu quả. Các hoạt động trên đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, tạo nhiều chuyển biến, tiến bộ đối với công tác gia đình tại mỗi địa phương. Nhiều nội dung tuyên truyền, giáo dục và phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai có hiệu quả, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và xây dựng đời sống văn hoá phong phú, lành mạnh ở các địa phương, đơn vị.

 Hiện nay, 9/9 huyện, thành phố đều bố trí 1 cán bộ chuyên trách về công tác gia đình; 136/136 xã, phường, thị trấn bố trí công chức Văn hoá xã kiêm nhiệm công tác gia đình. 

Cấp huyện, thành phố tổ chức được 150 lớp tập huấn các kiến thức, kỹ năng cho cán bộ cấp xã, phường, thị  trấn, tổ trưởng các thôn, tổ dân phố. Bên cạnh mở các lớp tập huấn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ do Trung ương tổ chức hàng năm. Nội dung các lớp tập huấn tập trung quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; giới thiệu các văn bản pháp luật, các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao các kiến thức cơ bản về gia đình, về quản lý công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ các cấp.

 Mô hình Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập ở các thôn, tổ dân phố. Mỗi CLB gia đình có từ 25 đến 40 thành viên; Ban chủ nhiệm đồng thời là thành viên Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).

Hoạt động của mô hình CLB nhằm tuyên truyền nâng cao kiến thức về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, giáo dục ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; các kỹ năng, kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình; giới thiệu các văn bản pháp luật, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình.

Cùng với các Câu lạc bộ, nhóm PCBLGĐ hoạt động với 3 chức năng cơ bản là tư vấn, hoà giải và can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Mỗi nhóm gồm 5 thành viên chính: Công an viên, Trưởng thôn, Chi hội Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Hội Nông dân. 

Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 237 mô hình Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, 786 địa chỉ tin cậy và 229 đường dây nóng nhằm can thiệp, hỗ trợ nạn nhân khi bị BLGĐ.

Thông qua hoạt động thí điểm ở các mô hình củng cố xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các địa chỉ tin cậy, đường dây nóng ở cơ sở đã có tác dụng thiết thực, hiệu quả, giúp cho đông đảo người dân nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình trong thời kỳ mới. Đặc biệt là nắm rõ được vị trí, vai trò, kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, giữ vững ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh, củng cố và xây dựng mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được Tỉnh uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có sức lan toả sâu rộng được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao; tỷ lệ làng văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hàng năm trên địa bàn tỉnh đều đạt cao. Năm 2019, số hộ Gia đình văn hoá đạt 91%; số Làng văn hoá, Tổ dân phố văn hoá đạt 91,3%; số Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá đạt 85%. Các thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được tăng cường, nhất là hệ thống các nhà văn hóa (NVH) thôn và Trung tâm văn hoá xã. Đến nay, toàn tỉnh đạt 100% thôn, tổ dân phố có NVH; 136/136 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đa năng, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, làng văn hóa trọng điểm, NVH có quy mô lớn, kiến trúc hài hòa, nhiều công năng sử dụng, thu hút được sự tham gia, hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, kỷ niệm ngày truyền thống được nhân dân đồng tình thực hiện. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư ngày càng đi vào chiều sâu, nề nếp góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Theo kết quả điều tra thu thập dữ liệu, đến nay toàn tỉnh có 317.391 hộ gia đình. Về cấu trúc loại hình gia đình: Số hộ gia đình chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con là 65.683 hộ (20,7%); số hộ gia đình 1 thế hệ (vợ, chồng) là 39.801 hộ (12,5%); số hộ gia đình 2 thế hệ là 128.280 hộ (40,5%); số hộ gia đình 3 thế hệ trở lên là 75.292 hộ (23,7%); số hộ gia đình khác 8.380 hộ (2,6%). 

Việc phát triển kinh tế hộ gia đình luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế chính sách đầu tư, huy động sự đóng góp của Nhân dân nhằm đảm bảo an sinh xã hội, củng cố xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, giải pháp chủ yếu của tỉnh là không ngừng xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có sức cạnh tranh cao để phát triển các thành phần kinh tế, thu hút các nguồn lực bên trong và bên ngoài đầu tư cho phát triển. Nhờ có sự tác động thuận lợi từ sự phát triển chung của cả nền kinh tế, kinh tế hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh chóng, với nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phong phú, đa dạng, hoạt động ở tất cả các địa bàn dân cư và hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng các dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân, đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, tạo nguồn thu nhập tốt, qua đó góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhiều gia đình. 

Cùng với đó, tỉnh đã chú trọng dành các nguồn lực vật chất đầu tư cho công tác gia đình, nhất là đối với các gia đình đối tượng chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo; chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi, những khu vực khó khăn để không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của các gia đình ở những khu vực này. 

Các đề án, chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thường xuyên như: đã bố trí vốn đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phân bón, giống lúa tại 3 thôn đặc biệt khó khăn thực hiện chương trình 135; đôn đốc hoàn thành các dự án chương trình 134; triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và vay vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ thuộc đối tượng của Đề án chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2020; thực hiện mở 25 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021; xây dựng kế hoạch và thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…Hằng năm, tỉnh luôn quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách của tỉnh cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho mỗi huyện, thành phố từ 50 đến 70 triệu đồng/năm (tùy theo địa phương), mỗi xã, phường, thị trấn 10 triệu đồng/năm để thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỜI GIAN TỚI

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49 và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW, ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư Trung ương về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW; Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của sự nghiệp xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Chỉ thị.

Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác gia đình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về lĩnh vực gia đình, ban hành các văn bản phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương.

Ba là, coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa đúng thực chất; củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng xây dựng gia đình trong thời kỳ mới tại địa phương. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác gia đình.

Bốn là, tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mô hình các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng vào những địa phương có nguy cơ cao về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Đồng thời, bổ sung các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào Hương ước, Quy ước của thôn, tổ dân phố. 

Năm là, tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác xây dựng gia đình trong giai đoạn mới. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình; quan tâm hơn nữa đến các gia đình chính sách, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Sáu là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động công tác gia đình ở cơ sở, nhất là các vùng núi khó khăn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” từ tỉnh đến cơ sở. 

Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, Thông báo Kết luận số 26-TB/TW và Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với các tổ chức Đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác gia đình, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân. Chú trọng hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, coi việc thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành./.

Trần Minh Nguyệt
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất