Trái với sự suy giảm của nhiều ngành kinh tế, viễn thông di động vẫn có bước tăng trưởng phi mã, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ viễn thông thế giới.
Tăng trưởng ngoạn mục
Tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2007, năm 2008 vừa qua, các doanh nghiệp viễn thông di động tăng trưởng một cách toàn diện cả về số lượng thuê bao, chất lượng dịch vụ lẫn doanh thu và lợi nhuận.
Số lượng thuê bao di động trên cả nước vào cuối năm 2008 tăng gấp 2 lần so với thời điểm 1 năm trước đó. Viettel vẫn là mạng đứng đầu với gần 30 triệu thuê bao chiếm hơn 40% thị phần.
Đi kèm với đó là doanh thu và lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp viễn thông di động đều tăng. Doanh thu của Viettel trong năm 2008 đạt khoảng 2 tỷ USD, đây là năm thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này có doanh thu cao gấp đôi năm trước – một kết quả khiến nhiều công ty phải mơ ước trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Đáng kể nhất là những thay đổi tích cực do các doanh nghiệp viễn thông di động mang đến cho xã hội. Mục đích “phổ cập hóa dịch vụ di động” do Viettel khởi xướng và tiên phong đã được nhiều nhà mạng hưởng ứng. Bảy doanh nghiệp khai thác dịch vụ này ở Việt Nam đều phải tham gia vào cuộc cạnh tranh lành mạnh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.
Đi ngược lại cơn bão giá của hầu hết các mặt hàng thiết yếu, năm 2008, giá cước viễn thông liên tục giảm và gần tiệm cận giá sàn, người có thu nhập trung bình và thấp đều có cơ hội sử dụng phương tiện liên lạc rất hữu ích này.
Phát huy những ưu điểm của gói cước Tomato mà Viettel cung cấp ra thị trường vào quý I năm 2007, các mạng di động đều hướng đến phân khúc thị trường tiềm năng là tầng lớp bình dân ở thành thị và nông thôn.
Khẳng định trên thị trường quốc tế
Sự kiện Viettel chính thức đầu tư sang thị trường Campuchia có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp này mà còn trong lịch sử ngành viễn thông Việt Nam. Lần đầu tiên, một doanh nghiệp viễn thông di động “thuần Việt” xây dựng cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
Với kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được ở trong nước, Viettel mạnh dạn “tấn công” vào một thị trường mới mẻ nhưng đầy tiềm năng – các nước đang phát triển ở trong khu vực. Vẫn kiên trì theo chiến lược kinh doanh “mạng lưới đi trước kinh doanh theo sau”, Viettel cho đầu tư mạng lưới rộng khắp, có chất lượng tốt để tạo được lợi thế cạnh tranh.
Chỉ sau chưa đầy hai năm, Viettel đã tạo dựng được vị thế của mình trên một thị trường mới với hơn 1000 trạm BTS được xây dựng (chiếm 40% tống số trạm hiện có của 9 nhà mạng tại Campuchia). Với những thành tựu đã đạt được, Viettel tin tưởng vào mục tiêu là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ hai tại Campuchia trong năm 2009 này.
Hướng phát triển mới của doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam còn khẳng định: người Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường quốc tế không chỉ bằng những sản phẩm “thuần nông” mà bằng những sản phẩm công nghệ cao.
Bước đệm vững chắc cho kỷ nguyên 3G
Trong khi chờ Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép triển khai dịch vụ băng thông rộng không dây thế hệ thứ 3 (3G), các doanh nghiệp viễn thông di động, đặc biệt là ba mạng GSM đã có những bước chuẩn bị vững chắc để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên công nghệ mới.
Hàng loạt dịch vụ GTGT được tung ra thị trường với nội dung phong phú và có chất lượng cao được coi là một bước thử nghiệm quan trọng trước khi nền tảng công nghệ 3G chính thức được khai thác.
Năm 2009 được đánh giá là năm bản lề cho các doanh nghiệp viễn thông di động bước vào cuộc cạnh tranh mới, cạnh tranh về dịch vụ nội dung.
Những thành tựu mà ngành thông tin di động đạt được đã đưa Việt Nam trở thành “miền đất hứa” trên bản đồ viễn thông thế giới. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2009, ngành thông tin di động ở nước ta vẫn hứa hẹn sự phát triển khả quan ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế chung sẽ còn khó khăn hơn nữa.
(Theo TienPhongOnline)