Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 27/7/2018 10:25'(GMT+7)

"Vững âu vàng" từ cương thổ

Khối chiến sĩ Phòng không-Không quân tại lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. (Ảnh: chinhphu.vn)

Khối chiến sĩ Phòng không-Không quân tại lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. (Ảnh: chinhphu.vn)

Theo các tài liệu còn lưu giữ, vào khoảng thế kỷ thứ 10 (từ sau chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938), Nhà nước phong kiến Việt Nam đã bắt đầu quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ.

Từ đó, công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ ngày càng được các triều đại Nhà nước phong kiến Việt Nam quan tâm. Nhà Lý đã có hai cuộc đàm phán về biên giới vào năm 1078 và năm 1084 với nhà Tống. Qua đấu tranh kiên trì, bền bỉ, ta đã đòi lại đất đai, đưa giang sơn thu về một mối. Thời nhà Trần đã bố trí trọng thần phụ trách các hướng biên giới. Đến triều đại nhà Lê, từ năm 1483, việc bảo vệ đất đai ở biên giới đã được đưa vào Bộ luật Hồng Đức, xử tội chém những kẻ bán ruộng đất ở biên cương cho người nước ngoài hoặc tru di nếu để mất đất biên cương trong phạm vi được cai quản; những quan lại biết mà không phát giác cũng bị trị tội...

Như vậy, từ hàng nghìn năm, để đất nước ''vững âu vàng'', ông cha ta đã quan tâm hoạch định, bảo vệ cương thổ và phát triển giao thương với nước ngoài ở khu vực biên giới, hải đảo. Ngày nay, việc bảo vệ và phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng và an ninh (QPAN) biên giới quốc gia cả trên bộ và trên biển càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đảng, Nhà nước ta xác định rõ việc bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo trong các nghị quyết, đề ra chính sách, pháp luật để thực hiện. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và QPAN tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX và khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và vùng biển, đảo Tổ quốc...

Biên giới quốc gia cả trên bộ và trên biển có vị trí chiến lược về chính trị, KT-XH, QPAN và đối ngoại, nên bảo vệ biên giới quốc gia là một bộ phận trọng yếu, không thể tách rời của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển KT-XH gắn với tăng cường QPAN ở khu vực biên giới và các vùng biển của đất nước, mà cụ thể là việc thành lập và phát triển các đoàn kinh tế-quốc phòng. Tuy nhiên, sự phát triển về mọi mặt ở các vùng biên giới còn nhiều hạn chế. Tình hình trên các tuyến biên giới, hải đảo vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, đe dọa gây mất ổn định về an ninh chính trị, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới chưa đầy đủ, đồng bộ; sự kết hợp giữa phát triển KT-XH với củng cố QPAN còn tồn tại một số mặt hạn chế, đã và đang tác động, đặt ra những khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia…

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cùng với xây dựng các chiến lược QPAN, đối ngoại… cần phải sớm xây dựng Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Chiến lược này sẽ góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về mọi mặt ở khu vực biên giới, để có thể bảo đảm huy động và phát huy sức mạnh tại chỗ, tạo ra tiềm lực kinh tế-QPAN và tiềm lực xã hội-QPAN đáp ứng trực tiếp nhu cầu xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo. Việc xây dựng Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là cấp thiết và phù hợp với tình hình hiện nay, nhằm pháp luật hóa và xây dựng chiến lược ở mọi lĩnh vực; sớm tạo ra những chương trình có tính dài hạn và hành lang pháp lý để Nhà nước hoạch định, quản lý, điều hành, phối hợp, gắn kết các lĩnh vực hoạt động cơ bản của đời sống xã hội; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng, mở rộng hợp tác quốc tế về biên giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống... Việc xây dựng Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là nhu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.

Xuân Giang (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất