Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 20/9/2011 20:58'(GMT+7)

Cải tạo cầu Long Biên: Ý tưởng có trở thành hiện thực?

Cầu Long Biên.

Cầu Long Biên.

Gần 5000 tỷ đồng để cải tạo cầu Long Biên

Gần 5000 tỷ đồng để cải tạo cầu Long Biên là ý tưởng do kiến trúc sư Nguyễn Nga – Việt kiều Pháp và là người đã hai lần tổ chức Festicval cầu Long Biên khởi xướng. Đây là một ý tưởng táo bạo và nếu trở thành hiện thực thì trong tương lai cây cầu này sẽ trở thành một trong những dự án góp phần cải tạo “bộ mặt” đô thị Hà Nội.

Hội thảo trùng tu, tôn tạo cầu Long Biên, tổ chức sáng 20-9, tại Hà Nội

Dự án bảo tồn, tôn tạo, phát triển cầu Long Biên gồm nhiều hạng mục phụ trợ như: Xây dựng công viên ở khu vực bãi giữa sông hồng; Bảo tàng trên cầu Long Biên; Vườn treo và phố nghệ thuật trên đường Phùng Hưng, Xây dựng bảo tàng cổ vật ở bốt Hàng Đậu; Xây dựng một cây cầu có kiến trúc tương tự cầu Long Biên ở gần khu vực này để làm đường giao thông…

Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội cho rằng: “Chúng ta cần nhìn cầu Long Biên ngày nay từ lăng kính của trách nhiệm, sức sống và óc sáng tạo. Dự án này sẽ tạo ra sự gắn bó, tương tác giữa di tích với người Hà Nội, người Việt Nam với bạn bè thế giới. Hãy biến cầu Long Biên trở thành một trong những thương hiệu đặc thù và sống động của Hà Nội và Việt Nam”.

Theo nhà báo người Pháp Daniel Roussel – người đã từng sống và làm việc ở Hà Nội trong những năm của thập niên 80 khẳng định: “Cần phải gấp rút tìm ra đáp án rõ ràng, dứt khoát trong việc trùng tu, tôn tạo cầu Long Biên. Tôi nghĩ rằng, không làm một tuyến đường sắt hay đường bộ trên cầu nữa bởi có rất nhiều giải pháp khả thi khác để cải thiện giao thông Hà Nội mà không cần phải qua cầu Long Biên. Đây là cây cầu thuộc di sản văn hóa lịch sử quốc gia. Vì vậy, nên trưng cầu ý dân đối với những dự án cụ thể liên quan tới tương lai cây cầu. Phải biến cây cầu thành một địa điểm du lịch không thể bỏ qua đối với du khách khi tới thăm Hà Nội như cách mà các quốc gia trên thế giới đã làm với các công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô và các thành phố lớn. Cầu Long Biên trong lớp xiêm y mới sẽ là viên kim cương tuyệt đẹp nằm trong một chiếu hộp diệu kỳ là Thủ đô Hà Nội”.

GS.TS, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính

“Hãy coi cầu Long Biên là một công trình kiến trúc, kỹ thuật có giá trị cần được bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị với tư cách là một thành phần cấu thành di sản đô thị của Thủ đô. Không nên đặt vấn đề công nhận công trình này là di tích theo Luật di sản văn hóa bởi nếu “bị coi” là di tích sẽ rất khó tìm ra phương cách ứng xử. Cầu Long Biên sau khi được trùng tu và triển khai các hoạt động văn hóa, du lịch có thể trở thành viên nam châm thu hút khách du lịch, góp phần giải quyết sự nghèo nàn về thực đơn văn hóa, du lịch, đang là điểm yếu của Thủ đô Hà Nội”, GS.TS kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.

Nói về giá trị mang tính lịch sử của cầu Long Biên, Giáo sư Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho biết: “Cầu Long Biên là một chứng nhân lịch sử, một chứng tích của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của nhân dân Việt Nam. Cây cầu không chỉ mang ý nghĩa giao thông thuần túy mà còn mang ý nghĩa chính trị đặc biệt bởi đây là điểm hội tụ của các nghĩa sĩ Cần vương ngay từ ngày cây cầu này được khánh thành cách đây 109 năm”.

Ý tưởng và hiện thực có xa nhau?

Nhìn tổng thể thì dự án trùng tu, tôn tạo cầu Long Biên rất hiện thực và lãng mạn bởi vừa mang tính lịch sử mà rất đậm chất văn hóa Thăng Long nhưng e rằng, dự án tầm vĩ mô lớn lao như vậy thì trong tương lai 10 năm nữa liệu có trở thành hiện thực như bà Nguyễn Nga khẳng định tại cuộc Hội thảo trùng tu, tôn tạo cầu Long Biên, tổ chức sáng 20-9, tại Hà Nội ?

GS. Hoàng Chương

Nhiều ý kiến của các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử và những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đô thị rất đồng tình với tâm nguyện của kiều bào Nguyễn Nga với tấm lòng hướng về Hà Nội nhưng cũng lo ngại bởi dự án lớn như vậy chắc khó hoàn thiện trong khoảng thời gian không dài.

PGS.TS Vũ Thị Vinh – Phó Tổng thư ký hiệp hội các đô thị Việt Nam chia sẻ: “Khi bàn về ý tưởng và tính khả thi của dự án, cũng có người cho rằng dự án này khó thành hiện thực vì nó quá táo bạo và tốn kém, đòi hỏi phải có nhiều dự án thành phần với các lĩnh vực khác nhau cùng triển khai. Vì vậy, đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn và nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách của Nhà nước thì khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu dự án trên được phê duyệt và có sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thì cầu Long Biên sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn khách du lịch và là một địa danh lịch sử quý giá cho muôn đời sau”.

Ý tưởng của kiến trúc sư Nguyễn Nga – người luôn gắn bó cuộc đời mình với cây cầu Long Biên rất đáng hoan nghênh nhưng để biến thành hiện thực phải có sự đầu tư của nhiều ban, ngành trong và ngoài nước./.

(Theo: Khánh Huyền/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất