Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 27/10/2022 6:59'(GMT+7)

Xây dựng mô hình tuyên giáo cấp xã ở Đắk Lắk

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng và cả nước. Tỉnh hiện có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (13 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã); gồm 2.481 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó có 602 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dân số toàn tỉnh gần 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có khoảng 604 nghìn hộ DTTS (Êđê, M’nông, Gia-rai...), chiếm gần 36% dân số toàn tỉnh, phân bố rải rác trên 184 xã, phường, thị trấnTừ xa xưa, Đắk Lắk đã là địa bàn sinh tụ của nhiều tộc người khác nhau, mỗi tộc người lại bao gồm nhiều nhóm địa phương. Tỉnh Đắk Lắk cũng là nơi đến của nhiều đồng bào DTTS ở các tỉnh khác di cư tới và các nhóm tộc người đều có những sắc thái văn hóa riêng tạo nên một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, đóng góp một mảng “màu” đặc sắc trong toàn bộ đời sống văn hóa Tây Nguyên. Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ của công tác tuyên giáo và xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở là yêu cầu cấp thiết để giữ vững trận địa công tác tư tưởng của Đảng ở cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở từng buôn, làng vùng đồng bào DTTS.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng to lớn của đội ngũ cán bộ tuyên giáo đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên giáo trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; những năm qua, cấp ủy đảng các cấp đã chú trọng, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp xã ngày càng tăng về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Trong đó, về trình độ chuyên môn: thạc sỹ chiếm 0,84%; đại học chiếm 84,07%; cao đẳng chiếm 1,68%; trung cấp chiếm 6,08%; tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 7,34%. Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp, cử nhân chiếm 3,98%; trung cấp chiếm 65,83%; sơ cấp chiếm 4,82%. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp xã cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, được đào tạo bài bản, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực công tác; có đủ năng lực, trình độ, có tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu, triển khai và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đa số cán bộ có khả năng nói và viết, có kinh nghiệm trong công tác Đảng, công tác vận động quần chúng, có lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp cơ sở trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn có một số mặt hạn chế nhất định. Do thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ nên xu hướng hình thành cán bộ tuyên giáo ở cơ sở thường là “tự nhiên, tự phát”, theo yêu cầu cần bố trí cán bộ và thực hiện nhiệm vụ trước mắt, ít chú ý đến việc tạo nguồn để đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng lâu dài. Khả năng vận dụng ngôn ngữ đồng bào dân tộc (chủ yếu là Ê đê, M’nông) trong công tác tuyên truyền còn hạn chế. Số lượng cán bộ tuyên giáo là người DTTS rất ít, cả tỉnh Đắk Lắk chỉ có 35/477 cán bộ tuyên giáo cấp xã là người DTTS, chiếm tỷ lệ 7,34%. Nhiều cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cơ sở chủ yếu trưởng thành từ thực tiễn…

Từ thực tế trên cho thấy, muốn nâng cao chất lượng cán bộ tuyên giáo cấp cơ sở trong vùng đồng bào DTTS, ngoài việc chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, bồi dưỡng tiếng đồng bào dân tộc để thuận lợi trong quá trình tuyên truyền, cần phải chú trọng, gắn liền việc kiện toàn tổ chức bộ máy ban tuyên giáo với việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Ban Tuyên giáo và cán bộ tuyên giáo cấp cơ sở. Mọi hoạt động quản lý Nhà nước có đạt được hiệu quả hay không đều tùy thuộc vào cán bộ. Thực tế cho thấy, cán bộ tuyên giáo cấp cơ sở là người chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc tham mưu cấp ủy tổ chức mọi hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng ở cơ sở; là người trực tiếp giải quyết mọi tình huống phát sinh ở cơ sở. Do đó, cán bộ tuyên giáo cấp cơ sở có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các tình huống, những vấn đề đặt ra tại cơ sở. Đồng thời, họ cũng chính là người phát hiện ra những vấn đề bất cập trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cơ sở. Mặt khác, hơn ai hết, cán bộ tuyên giáo là người am hiểu đặc điểm tình hình địa phương, thấu hiểu cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân có mối liên hệ mật thiết, thường xuyên với quần chúng nhân dân và đều trưởng thành, gắn bó với thực tiễn sản xuất và đời sống của nhân dân ở địa phương.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 3/15 địa phương đã thành lập đồng bộ Ban Tuyên giáo cấp xã, gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và huyện Lắk, chiếm tỷ lệ 20%. Còn lại 12/15 địa phương không thành lập đồng bộ Ban Tuyên giáo cấp xã nhưng căn cứ vào điều kiện thực tế mà bố trí tổ chức bộ máy phù hợp.

Về đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở, toàn tỉnh có 9/184 đơn vị cấp xã có cán bộ không chuyên trách là Trưởng Ban Tuyên giáo cấp xã (chiếm 4,89%); có 75/184 đơn vị cấp xã có cán bộ kiêm nhiệm là Trưởng Ban Tuyên giáo cấp xã (chiếm 40,76%) và có 100/184 đơn vị cấp xã có cán bộ tuyên giáo bán chuyên trách (chiếm 54,35%).

Như vậy, có thể thấy bộ máy tuyên giáo cơ sở nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay mặc dù đã thành lập nhưng chưa có sự thống nhất, đồng bộ, mỗi địa phương một quy định khác nhau do đó phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai nhiệm vụ tuyên giáo ở cơ sở. Mặt khác, Ban Tuyên giáo và khối dân vận ở cấp xã đang có sự chồng chéo; chức năng, nhiệm vụ bản đều tham mưu, tổ chức công tác tư tưởng, chính trị trong hệ thống chính trị sở; công tác tuyên giáo công tác khối dân vận đều do thường trực đảng ủy cấp xã đảm nhiệm. Trong khi đó, công tác dân vận rất quan trọng trong vùng đồng bào DTTS, đây được coi là một kênh rất quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS.

Từ thực tế trên cho thấy, thiết nghĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nơi có đông đồng bào DTTS nên thành lập mô hình Ban Tuyên vận cấp xã (thực hiện công tác tuyên giáo và dân vận) sẽ rất phù hợp với đặc điểm, điều kiện, thực tiễn và đặc thù của tỉnh Đắk Lắk. Bởi thực hiện mô hình Ban Tuyên vận cấp xã vừa phát huy được vai trò hạt nhân chính trị và sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác tuyên giáo, dân vận, vừa đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ cấp xã trong giai đoạn hiện nay, nhất là theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ về việc “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố” và Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, ngày 20/12/2021 của HĐND tỉnh Đắk Lắk về Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách, mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, buôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và mức hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư trên địa bàn tỉnh” (theo đó bố trí 1 người hoạt động không chuyên trách là cán bộ phụ trách công tác Tuyên giáo - Dân vận ở cấp xã). Hơn nữa, vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của ngành tuyên giáo và ngành dân vận có sự giao thoa nhất định, nhất là cả hai đều hướng tới mục tiêu tạo sự đồng thuận trong nhận thức hành động.

Có thể nói, ngành tuyên giáo và dân vận có nhiều nhiệm vụ tương đồng nên việc sắp xếp mô hình tổ chức các đơn vị thực hiện công tác tư tưởng, tuyên giáo và dân vận của Ðảng cần quan tâm. Khi triển khai thực hiện tốt mô hình tuyên vận cấp xã sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở, nhất là trong vùng đồng bào DTTS; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong vùng đồng bào DTTS tại tỉnh Đắk Lắk.

ThS.Trịnh Dũng

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất