Thứ Tư, 23/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 19/2/2015 22:11'(GMT+7)

Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện nay

                                                            

Văn hóa là phạm trù thuộc về con người, của con người, loài người, do con người sáng tạo ra, vì cuộc sống và sự phát triển, hoàn thiện của chính mình, làm cho con người trở thành Người, làm cho con người trở nên Người hơn, là tính người, chất người. Mục tiêu và nội dung cốt lõi quan trọng nhất trong xây dựng văn hóa là xây dựng con người - nhân cách. Văn hóa và con người là hai mặt của cùng một vấn đề. Mục tiêu quan trọng nhất của văn hóa là con người. Mục tiêu quan trọng nhất của vấn đề con người là văn hóa.

Khi ta nói đến nền văn hóa là nói về cái to lớn, vĩ mô, nhưng vẫn còn trừu tượng. Trong cái vĩ mô ấy, nhất thiết phải có, phải xuyên suốt, đầu tiên và cuối cùng, phần cốt lõi quan trọng nhất của văn hóa, là con người, từng con người, từng cuộc đời, những con người, với nhân cách của họ. Cộng nhiều người lại, với quan hệ xã hội của họ với nhau, thành một dân tộc, một xã hội. Để đánh giá văn hóa thế nào thì quan trọng nhất là xem thử con người với nhân cách, đạo đức xã hội ra sao.

Từ khi nước ta tiến hành đổi mới đến nay, về văn hóa và con người, Việt Nam đã có nhiều mặt tiến bộ đáng kể. Đời sống vật chất và tinh thần có nhiều mặt khá hơn trước; giáo dục phát triển mạnh về quy mô, số lượng, mạng lưới, trình độ học vấn của nhân dân cao hơn, đã phổ cập trung học cơ sở và xóa mù chữ trên toàn quốc; con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các nguồn thông tin đa dạng và nhiều chiều, từ đó mà kiến thức và nhận thức nhiều mặt đã nâng lên. Vấn đề con người và quyền con người được quan tâm hơn, thể hiện cả trong Cương lĩnh, trong Hiến pháp và luật pháp. Dân chủ có những mặt tiến bộ đáng kể do nhận thức của các cấp và trình độ dân trí được nâng lên, chịu sự tác động của thông tin. Tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc cơ bản được giữ vững; các phong trào xóa đói giảm nghèo, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... đạt những kết quả đáng ghi nhận; các ấn phẩm văn học, nghệ thuật có phát triển về số lượng, quy mô phát hành, phong phú về đề tài và phương thức thể hiện...

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là đạo đức xã hội có nhiều mặt xuống cấp, trong đó, có mặt nghiêm trọng đáng báo động. Tiêu cực và tội phạm gia tăng. Nạn cướp của, giết người, hãm hiếp và buôn bán phụ nữ, trẻ em; sự giả dối, lừa gạt, hàng giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm độc hại; buôn bán ma túy, phá rừng, đổ chất độc hại ra môi trường, tội phạm là phụ nữ và trẻ em tăng lên. Nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi mà có mặt còn phức tạp và nghiêm trọng hơn, gây nhức nhối, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và mấy năm gần đây quyết liệt hơn trong chỉ đạo cụ thể. Việc chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy dự án còn diễn ra phức tạp. “Văn hóa phong bì” còn khá phổ biến. Kinh tế thị trường còn nhiều hoang dã, chụp giật. Các biểu hiện lợi ích nhóm, lũng đoạn kinh tế rất đáng lo ngại, về mặt nào đó có hiện tượng giống như tình hình ở nhiều nước trong thời kỳ tích lũy tư bản, điều này nếu không kịp thời ngăn chặn một cách hiệu quả để phát triển thì sẽ dẫn đến chệch hướng khỏi mục tiêu XHCN và làm cho đất nước lún sâu trong bẫy thu nhập trung bình, mà rồi sẽ mất nhiều chục năm để vùng vẫy thoát ra. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, trong đó có cả cán bộ trung, cao cấp như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra. Các tệ nạn tiêu cực xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả ở những nơi đáng ra phải luôn trang nghiêm, trong sạch (như nơi nắm cán cân công lý, bảo vệ pháp luật, nơi dạy người, nơi cứu người, nơi truyền bá các giá trị nhân văn, nơi tham mưu cấp chiến lược, nơi thiêng liêng về tâm linh, tín ngưỡng, thờ tự).

Tình trạng đạo đức xã hội sa sút có nhiều nguyên nhân. Rất đáng lưu ý là hệ giá trị bị đảo lộn về vị trí, thang bậc. Nhân cách đáng ra phải luôn ở vị trí hàng đầu, trung tâm thì trong nhiều trường hợp đã xuống hàng thứ yếu, sang bên cạnh, trong khi đồng tiền lại lên ngôi, chi phối nhiều mặt, nhiều việc. Vì tiền, con người ta đã vi phạm đạo đức, kể cả làm việc ác. Nhưng vì sao mà hệ giá trị lại bị đảo lộn? Đương nhiên có lý do từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng không thể đổ lỗi cho cơ chế ấy, bởi vì nó là vậy, có nhiều mặt tích cực, tạo động lực phát triển, sự lựa chọn cơ chế thị trường là đúng, và có một số mặt tiêu cực cần phải phòng tránh. Khuyết điểm đáng lưu ý là khi bước vào kinh tế thị trường, chúng ta chưa lường hết sự phức tạp, tác hại và nhất là chưa có giải pháp hữu hiệu chủ động phòng tránh để hạn chế tác hại bởi mặt trái của cơ chế ấy. Nói cách khác, chưa tạo ra được những cơ chế quản lý hữu hiệu để hạn chế tác hại bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Mặt khác, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường lại trong điều kiện Đảng ta cầm quyền, cán bộ, đảng viên nhiều người có quyền lực, được giao quản lý tài nguyên, tài sản, tài chính, dự án và các mặt quan trọng của đời sống xã hội, mà bản thân quyền lực thì mặt trái của nó là làm thoái hóa con người khi sử dụng nó nếu như không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực, để lựa chọn cán bộ có “đức trọng” mới giao “quyền cao”, để giám sát nhân cách những người có chức, có quyền, dù lớn, dù nhỏ. Khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường cộng hưởng với mặt trái của cơ chế quyền lực như hai con ngựa bất kham. Trong khi cơ chế quản lý, giám sát, kiểm soát kể cả đối với kinh tế và đối với quyền lực còn nhiều sơ hở, khiếm khuyết. Việc tự rèn luyện nhân cách của từng người không thường xuyên liên tục, không gương mẫu, tức là chưa đủ độ chín về văn hóa; và kể cả khuyết điểm trong giáo dục đạo đức, liêm sỉ, trong lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ.

Để khắc phục tình hình nói trên, tới đây, việc trước tiên là tiếp tục nhận thức sâu hơn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, đạo đức trong đời sống xã hội, trong xây dựng hệ thống chính trị. Đại văn hào Macxim Gorky đã có lần nói, đối với ông, khi nghe nói văn hóa lâm nguy còn đáng sợ hơn là Tổ quốc lâm nguy. Về tầm sâu xa, ông nói đúng. Nếu Tổ quốc lâm nguy mà văn hóa còn bền vững thì người ta sẽ giữ được Tổ quốc, lấy lại được Tổ quốc khi đã mất; còn nếu văn hóa lâm nguy thì chẳng những mất Tổ quốc mà còn mất cả dân tộc.

Nhìn lại các triều đại phong kiến Việt Nam thấy rằng, phần lớn các triều đại khi mới lên được nhân dân ủng hộ, lập được nhiều công tích lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng sau đó không lâu thì suy thoái về văn hóa, đạo đức trong đội ngũ quan chức và trong triều đình, dẫn đến sụp đổ. Tiếp theo, triều đại khác lên thay rồi cũng lặp lại như vậy. Mỗi khi thoái hóa đạo đức trong đội ngũ quan lại thì dẫn đến đạo đức xã hội suy đồi, trật tự xã hội rối ren. Một nửa số triều đại phong kiến chỉ tồn tại trên dưới vài chục năm, rồi sụp đổ ngay trong đời vua thứ nhất, thứ nhì. Nhà Lý và nhà Trần trị vì dài nhất, mỗi triều đại trên dưới 200 năm, là nhờ biết chăm lo xây dựng văn hóa trong chính trị “dân là gốc”; mặc dù vậy, cuối cùng cũng do thoái hóa mà suy sụp. Liên Xô, thời kỳ đầu, xây dựng chính quyền của dân, được nhân dân ủng hộ, đã làm nên nhiều việc lớn lao như chiến thắng 14 nước đế quốc đến bao vây khi chính quyền Xô Viết còn non trẻ, chiến thắng chủ nghĩa phát xít cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt chủng, đưa một đất nước từ chủ yếu còn là nông nghiệp thành một nước công nghiệp hùng mạnh; từ một nước chủ yếu còn là thủ công thành một nước có công nghiệp vũ trụ hàng đầu thế giới... Vậy mà, giai đoạn sau, đã để thoái hóa, từ một nhà nước của dân thành nhà nước của các quan cai trị tham nhũng, dẫn đến đổ vỡ. Sự đổ ngã của Liên Xô chủ yếu là do “tự đổ” chứ không phải hoàn toàn do địch phá. Địch thì bao giờ mà chẳng phá, do nó phá nên mới gọi là địch. Nhưng địch phá sao bằng các thời kỳ trước đó? Phá là việc của địch, còn đổ là việc của ta. Mặt trái của cơ chế quyền lực luôn song hành, luôn bám theo trong mỗi bước đi từ lúc đã thành công. Khi chiến thắng đến đỉnh cao thì cũng là lúc bắt đầu thua. Khi đã có trong tay tất cả thì cũng là lúc bắt đầu mất dần. Bài học lịch sử là, các nhà nước của vua và tập đoàn phong kiến, nhà nước của các quan cai trị, nhà nước do các tập đoàn tài phiệt chi phối cuối cùng do thoái hóa bởi mặt trái của cơ chế quyền lực mà đổ ngã (tất nhiên còn có cả lý do từ quy luật phát triển). Chỉ có nhà nước của nhân dân, thật sự của nhân dân, mọi quyền lực đều của nhân dân, như tư tưởng Hồ Chí Minh, thì mới bền vững lâu dài, vì nhân dân là vạn đại, việc bảo vệ và phục vụ nhân dân thì lúc nào cũng cần thiết.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI về văn hóa đã nhấn mạnh vấn đề cốt lõi, trung tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, đạo đức tốt đẹp. Tinh thần ấy thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết, từ tên gọi đến mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp. Đây là điểm cần đặc biệt lưu ý để luôn bám chắc mục tiêu chủ yếu trong quá trình xây dựng văn hóa. Nền văn hóa là cái to lớn, nhưng cũng sẽ chưa có nghĩa gì nếu như trong đó vấn đề con người - nhân cách không được quan tâm đúng mức, để cho đạo đức suy đồi. Càng không thể hiểu sai rằng văn hóa là chuyện “cờ, đèn, kèn, trống”, “nhảy múa, hát hò”, là cái đi sau, cái đuôi của kinh tế, là chuyện mua vui.

Con người Việt Nam phải là những con người yêu nước. Trong xây dựng văn hóa cần quan tâm thường xuyên việc xây đắp lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Nhờ đặc điểm này của văn hóa Việt Nam mà chúng ta đã giữ được nước, lấy lại được nước sau bao nhiêu lần bị kẻ thù mạnh hơn ta rất nhiều đến xâm lược và đô hộ; nhờ đó mà chúng ta không bị đồng hóa qua một nghìn năm Bắc thuộc. Ngày nay cũng cần phải lấy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc làm bàn đạp và chỗ dựa để tiến lên, phát triển. Trong thế giới hội nhập, với cuộc tiếp biến văn hóa ở quy mô toàn cầu, chỉ có phát triển mới tồn tại chính mình - một dân tộc thực sự độc lập.

Con người Việt Nam phải có lòng nhân ái. Trong quá khứ, người Việt Nam đã biết yêu thương, đùm bọc nhau, nhất là mỗi khi có khó khăn, sóng gió, hoạn nạn. Trong tương lai, để có một xã hội thật sự tốt đẹp như mong muốn của Bác Hồ, của Đảng và nhân dân ta, lòng nhân ái cũng sẽ là nền tảng quan trọng nhất cho sự tốt đẹp ấy trong đời sống xã hội.

Con người Việt Nam phải là những con người sáng tạo. Xưa nay, ta thấy con người Việt Nam dễ thích nghi, có sáng kiến, nhưng bên cạnh đó lại có mặt bảo thủ, chưa đi đến cùng trong công cuộc sáng tạo để phát triển. Điểm mạnh nhất của văn hóa Việt Nam là văn hóa giữ nước. Điểm chưa mạnh (nếu không muốn nói là điểm yếu) là văn hóa phát triển. Thực tế đã kiểm nghiệm điều đó. Dân tộc ta trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn đã giữ nước rất kiên cường và thành công; mặt khác, lịch sử Việt Nam không chỉ có chiến tranh mà còn có nhiều thời kỳ xây dựng hòa bình, nhưng đến nay vẫn là nước chưa phát triển, rất vất vả trong quá trình phát triển. Từng con người Việt Nam phải phát triển, một dân tộc Việt Nam phải phát triển, đó là mục tiêu quan trọng nhất của xây dựng văn hóa. Muốn phát triển được thì phải đổi mới, phải sáng tạo, liên tục, không ngừng, nhất thiết phải như vậy, không có cách khác.

Văn hóa là những giá trị thật, trong cuộc sống thực. Bệnh hình thức, bệnh thành tích, sự giả dối không bao giờ tạo ra được các giá trị văn hóa, mà ngược lại nó làm hỏng văn hóa. Con người Việt Nam phải là những con người trung thực, có tự trọng, biết xấu hổ với cha ông, với đồng bào đồng chí và với chính mình. Con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, trung thực, sáng tạo... là các đặc tính rất quan trọng đã nêu trong Nghị quyết  Trung ương 9 khóa XI.

Môi trường văn hóa là nơi con người sống và chịu sự tác động của nó trong quá trình hình thành nhân cách. Gia đình, cộng đồng, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị có vai trò hết sức quan trọng đối với việc xây dựng nhân cách. Cần phải có những gia đình hiếu học và chiếc nôi nuôi dưỡng nhân cách. Cần phải có một nền kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, trong đó những người lao động được tôn trọng, không bị phân hóa giàu nghèo bất hợp lý, không bị lợi ích nhóm (theo nghĩa xấu) chi phối, có cơ chế quản lý tiên tiến, đủ sức hạn chế “yêu quái” từ mặt trái của cơ chế thị trường. Cần có một nền chính trị dân chủ thấm đẫm văn hóa “dân là gốc”, nói cách khác là một nền “dân trị”, trong đó dân thật sự là chủ, làm chủ, quyền lực là của nhân dân, cán bộ là những người hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, kính trọng và lễ phép với nhân dân; có cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh để hạn chế một cách hiệu quả mặt trái của con ngựa bất kham. Đó là điểm quan trọng nhất về xây dựng văn hóa chính trị. Không thực hiện thành công điều đó thì không thể có CNXH hiện thực được, dù chúng ta có viết, có hô khẩu hiệu nghìn lần. Trong nền chính trị ấy, và để xây dựng nền chính trị ấy, cần có Đảng là bộ tham mưu chiến lược, là “con nòi” của dân tộc, là một Đảng chân chính, trong sạch, “đạo đức và văn minh”, “trí tuệ, danh dự và lương tâm” như cách nói của Hồ Chí Minh và Lênin. Môi trường văn hóa tốt đẹp là một môi trường mà khi tiếp cận với nó, sống trong đó, con người ta sẽ tốt hơn lên, trưởng thành, hoàn thiện và hạnh phúc hơn. Một nền văn hóa tốt đẹp do con người tạo ra và đến lượt nó sẽ là một môi trường văn hóa khổng lồ tác động trở lại tạo ra những con người có nhân cách tốt đẹp. Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã có chủ trương xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Kế thừa và tiếp tục phát triển tinh thần ấy, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã lưu ý các đặc trưng của một nền văn hóa Việt Nam là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Dân tộc ta nhất quyết phải phát triển và phải là Việt Nam; với một nền văn hóa giàu tính nhân văn, để trong đó con người đẹp hơn và được hạnh phúc; với một chế độ dân chủ để ổn định bền vững và có sức mạnh tiến lên; với một nền khoa học phát triển để dân tộc có thể tiến cùng thời đại.

Hoạt động văn hóa là hoạt động của con người nhằm phát triển, sáng tạo, lưu giữ và truyền bá các giá trị nhân văn, “Chân - Thiện - Mỹ”. Nếu hoạt động kinh tế chủ yếu là nhằm tạo ra thu nhập thì hoạt động văn hóa chủ yếu là nhằm tạo ra giá trị nhân văn. Các hoạt động văn hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với việc xây dựng con người, hình thành nhân cách. Trung ương cũng đã có Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Theo đó, phải chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang xây dựng nhân cách, phát triển năng lực; phát triển một nền giáo dục mở, gắn với xã hội học tập. Đây là quan điểm đổi mới rất quan trọng, và đúng hướng, phù hợp với xu thế khách quan. Phần lớn nhân cách của con người được hình thành ở giai đoạn đầu đời, trong tuổi học sinh, sau này lớn lên sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nhưng về cơ bản đã có nền tảng trước đó. Vì vậy, việc xây dựng nhân cách quan trọng và hiệu quả nhất là ở lứa tuổi học trò, nên giáo dục là việc trọng yếu trong xây dựng văn hóa. Nhân cách phải là mục tiêu hàng đầu trong các chương trình giáo dục phổ thông, cần được thể hiện ở tất cả các môn học, nhất là khoa học xã hội.

Trong các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật là bộ phận tinh tế nhất, là con đường ngắn nhất để đến với trái tim; là con đường để có thể vào sâu và đánh thức những tâm hồn. Vào sâu và ở lại, biến thành của người đó, góp phần trực tiếp hoặc dọn “sân vườn” cho việc hình thành và phát triển nhân cách. Yêu cầu đối với các loại hình văn học, nghệ thuật là tạo ra và lan tỏa các giá trị nhân văn. Quyển sách, bài hát, bản nhạc, một chương trình sân khấu, một bức tranh, một lễ hội... là quan trọng, tuy nhiên, đó mới là sản phẩm “trung gian”, còn sản phẩm cuối cùng, mục đích cao nhất là nó tác động tích cực cho việc xây dựng nhân cách, thông qua nội dung và nghệ thuật là hai mặt của cùng một vấn đề, đều quan trọng như nhau, tạo ra trí tuệ, đạo đức, năng lực và làm phong phú tâm hồn.

Thông tin truyền thông cũng là một loại hoạt động văn hóa, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của con người vừa tham gia xây dựng nhân cách, thông qua việc phát hiện, tôn vinh, làm lan tỏa các giá trị nhân văn và lên án, cô lập, loại trừ cái xấu, cái ác.

Văn học, nghệ thuật và thông tin truyền thông đều phải có trách nhiệm chiến đấu để chống lại cái xấu, cái ác như Nguyễn Đình Chiểu đã viết: “Tải bao nhiêu đạo thuyền không khẳm; đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Trừ gian là để tải đạo, để tạo điều kiện cho cái tốt, cái đẹp, cái thiện đâm chồi phát triển, giống như diệt cỏ dại để lúa trĩu hạt cho đời, chứ không phải là sự đập phá gây đổ ngã. Nhà văn vừa là thư ký thời đại vừa là kỹ sư tâm hồn, phản ánh hiện thực với lòng nhân ái, là “thầy thuốc” chữa các chứng bệnh thoái hóa nhân cách cho cộng đồng, là người thắp lên ngọn đuốc để tham gia soi đường về với nhân văn. Nếu văn học, điện ảnh, sân khấu, thông tin truyền thông và dư luận xã hội không còn tính chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác thì cơ thể xã hội mất sức đề kháng - căn bệnh thế kỷ mà loài người đang phòng tránh và chạy chữa.

Đặc điểm của loại lao động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật mang đậm dấu ấn của cá nhân người nghệ sĩ và tính sáng tạo cao. Đối với khoa học tự nhiên, nếu một nhà bác học nào đó không phát minh ra công thức ấy thì sau đó, có thể rất lâu, có thể làm chậm rất nhiều đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại, nhưng chắc chắn rồi sẽ có một nhà bác học khác phát minh ra công thức ấy. Còn không có Nguyễn Du, không có Léptônxtôi, thì nhân loại mãi mãi không có “Truyện Kiều”, không có “Chiến tranh và hòa bình”. Vì vậy, tôn trọng sự tự do và tôn vinh sáng tạo của người nghệ sĩ chính là tạo điều kiện cho các kiệt tác ra đời./.

 

TS. VŨ NGỌC HOÀNG

Ủy viên Trung ương Đảng,

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất