Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 14/5/2011 12:48'(GMT+7)

Yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn của cán bộ Nhà nước

 

1. Muốn phục vụ nhân dân - Cán bộ Nhà nước phải có đức

Đối với Hồ Chí Minh, điều mà Người quan tâm trước hết ở người cán bộ cách mạng là Tư cách người cách mệnh. Đây là đòi hỏi nghiêm khắc đối với người cán bộ, giúp người cán bộ có sức hấp dẫn, quy tụ, lôi cuốn được quần chúng, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng Việt Nam đã có người cầm lái, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc càng tận tâm hơn với việc bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, vì Người hiểu sâu sắc rằng họ “là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi”. Và không phụ lòng Người, lớp cán bộ cốt cán đầu tiên đã lăn lộn trong phong trào quần chúng, đã luôn đi tiên phong trong phong trào đấu tranh cách mạng và lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành chính quyền, góp phần làm nên thành công của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa thu năm 1945.

Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, Đảng Cộng sản từ hoạt động bí mật đã trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến vấn đề đạo đức của cán bộ đảng viên và công tác cán bộ của Đảng. Vốn là những người nắm các vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền của Đảng và Nhà nước, “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”[1], nên Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm việc rèn luyện người cán bộ có đức và có tài, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Theo Người, đạo đức cách mạng là điều kiện cần thiết mà người cán bộ Nhà nước phải thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện, vì “cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức, thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[2]. Chỉ có thấm nhuần những điều Hồ Chí Minh từng yêu cầu như vậy, người cán bộ mới có thể suốt đời phấn đấu hi sinh cho lý tưởng của Đảng, đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và trước hết.

Đặc biệt, vì Đảng không phải là một tổ chức “để làm quan phát tài”, nên cán bộ Nhà nước cũng không phải là những “ông quan cách mạng”, càng không thể là “phụ mẫu” của dân. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, làm cán bộ không phải để “đè đầu cưỡi cổ dân chúng như thời thực dân, phong kiến”, mà phải là những người “công bộc” của nhân dân, tận tụy, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đó là việc gì có lợi cho dân, dù rất nhỏ cũng gắng sức làm; việc gì có hại cho dân, dù hết sức nhỏ, cũng cố gắng tránh, và nhất là phải gắn bó máu thịt với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Luôn quan tâm, động viên và dìu dắt đội ngũ cán bộ, đảng viên, luôn yêu cầu họ phải là những người có đời tư trong sáng, là tấm gương trong cuộc sống, luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: chừng nào chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh thường mắc, như cậy quyền và cậy thế, kiêu ngạo và xa hoa, quan liêu và coi thường quần chúng, tự kiêu và không muốn học tập, không thực hiện tốt phê bình và tự phê bình, v.v.. vẫn còn hiện hữu trong mỗi con người, thì chừng đó cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ Nhà nước nói riêng sẽ không thể hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, không thể hoàn thành những trọng trách mà nhân dân tin tưởng giao phó.

Ngay từ những ngày đầu của nền dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục cho cán bộ, công chức ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, chống "nạn nhũng lạm". Theo lời Người, "những người trong các công sở đều có ít nhiều quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân"[3], vì vậy, phải thường xuyên cải cách, kiện toàn bộ máy nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, và Người đã rất nghiêm khắc yêu cầu cán bộ, công chức phải thực hiện thật tốt chữ “Liêm” để làm kiểu mẫu cho dân chúng, để luôn là những “công bộc” cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

2. Muốn phục vụ nhân dân - Cán bộ phải có năng lực lãnh đạo

Vì là người lãnh đạo, nên ngoài yêu cầu về phẩm chất đạo đức- nghĩa là thường xuyên phải trau dồi đạo đức cách mạng, người cán bộ Nhà nước còn phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh yêu cầu: để trở thành cán bộ, viên chức Nhà nước, mỗi người đều phải thi tuyển bắt buộc theo quy định của Sắc lệnh số 188 năm 1948 và số 76 năm 1950 (do Người ký và ban hành). Các môn thi vào biên chế Nhà nước bao gồm:

- Chính trị: Thi các môn đại cương về Hiến pháp và tổ chức chính quyền các nước; về địa vị của nước Việt Nam ở Đông Nam châu Á và thế giới.

- Pháp luật: Môn thi hiểu biết về chính thể cộng hòa dân chủ Việt Nam; về chế độ bầu cử; về tổ chức Nghị viện theo Hiến pháp năm 1946; về tổ chức hành pháp, tư pháp, kiểm soát ngân sách và chính sách thuế.

- Địa lý: Thi các môn địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế, xã hội của Việt Nam (địa thế núi sông, cao nguyên, bình nguyên, bờ biển, khí hậu, dân số, canh nông lâm sản,v.v..) và thi về địa lý các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản,....

- Lịch sử: Thi những kiến thức hiểu biết về triều đình nhà Nguyễn, về quá trình xâm lược của thực dân Pháp và sự thành lập của chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương; thi những hiểu biết về những phong trào xã hội, tư tưởng và học thuật ở Việt Nam đầu thế kỷ XX; về sự thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

- Ngoại ngữ: Dịch một bài tiếng Anh ở trình độ trung học chuyên ngành, dịch một bài tiếng Hoa ở trình độ trung học chuyên khoa và viết một bức thư bằng tiếng Pháp.

Và muốn “thi đỗ vào biên chế Nhà nước”, muốn có đủ năng lực lãnh đạo để tổ chức và quản lý, cán bộ Nhà nước sẽ phải được “tri thức hóa” bằng cách luôn luôn học tập để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Trong tất cả những nội dung cần phải “bồi dưỡng và bổ sung”, ngoài những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ nhất định, thì người cán bộ Nhà nước không thể không nâng cao lý luận, nâng cao khả năng tổng kết thực tiễn. Bên cạnh đó, cán bộ Nhà nước còn phải học kỹ thuật nghiệp vụ, “làm việc gì học việc đấy”, để khi được giao phụ trách ở lĩnh vực gì, phụ trách ở ngành nghề gì, cũng phải thành thạo công việc ở lĩnh vực đó.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù phải tập trung cho nhiệm vụ kháng chiến, nhưng thấu hiểu sâu sắc tầm quan trọng của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn chú trọng mở các trường đào tạo lý luận chính trị, trang bị lý luận cho cán bộ, đào tạo cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ chính trị, quân sự, cán bộ kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục…giúp những người cán bộ đảng viên vốn xuất thân từ công nhân và nông dân, chưa có, hoặc ít có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, trình độ còn hạn chế “vừa làm, vừa học”, để làm giàu vốn tri thức của mình thông qua quá trình trau dồi kiến thức, tích luỹ kinh nghiệm, đạt tới tiêu chí “vừa hồng, vừa chuyên”. Riêng với người cán bộ Nhà nước, theo Người, học lý luận và học trong sách vở thì chưa đủ, họ phải học kinh nghiệm của nhân dân, phải học những bài học kinh nghiệm của Đảng được tổng kết qua mỗi kỳ Đại hội, để vừa học vừa hành, đem lý luận áp dụng vào thực tiễn, để bổ sung những kết luận mới được rút ra từ thực tiễn sinh động của cách mạng.

3. Kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ Nhà nước "phục vụ nhân dân"


 Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, đặc biệt là cán bộ Nhà nước “phục vụ nhân dân” đã trở thành tài sản tư tưởng vô giá của Đảng và nhân dân ta. Vận dụng và kế thừa di sản tư tưởng của Người về cán bộ nói chung và cán bộ Nhà nước nói riêng, trong thời kỳ mới đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng ta bên cạnh việc khẳng định những tiêu chuẩn về cán bộ của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, đã từng bước bổ sung những tiêu chí mới nhằm đáp ứng những đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới.  Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI  đã nêu rõ công tác cán bộ nói chung, cán bộ Nhà nước nói riêng phải được kế thừa và đổi mới, trên tinh thần: “Tập trung vào đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ…xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Trọng dụng người có đức, có tài. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được quy định, lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”[4].

Không chỉ nhấn mạnh tiêu chuẩn về đức và tài, về quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI còn chỉ rõ phải “có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín, vi phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước, kỷ luật của Đảng”[5]. Phải thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của quần chúng, một mặt nâng cao trình độ dân trí để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, mặt khác, thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân để giáo dục, đào tạo, rèn luyện, đánh giá, sàng lọc, tuyển chọn cán bộ, bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo Nhà nước.  Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó cũng chính là thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời là món quà quý giá mà giản dị để kính dâng lên Người trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 121 này./.

Thanh Mai



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.5, tr. 269

[2] Hồ Chí Minh,Toàn tập, sđd, t.5, tr.252-253

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t5, tr.104

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.58-59

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.59

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất