Hơn 21 năm làm thuyết minh ở Khu di tích Kim Liên, với chị Trần Thị Thao- người con gái gốc làng Sen là những kỷ niệm không thể quên về nghề, về những người con từ khắp miền Tổ quốc mỗi lần đặt chân lên quê hương Bác.
Ước mơ giản dị
Cái nắng gay gắt của miền Trung dường như dịu đi phần nào khi chúng tôi được nghe giọng thuyết minh nhẹ nhàng, thanh thoát của chị. Bằng chất giọng xứ Nghệ, chị đưa chúng tôi về với quá khứ của mảnh đất Kim Liên Anh hùng, nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu…
Chị Thao đã có hơn 21 năm làm công việc thuyết minh viên ở Khu di tích làng Sen. Mỗi ngày, chị kể hàng chục lần những câu chuyện về Bác cho du khách. Nhưng với chị, những câu chuyện ấy không bao giờ cũ và luôn khiến chị xúc động.
“Lúc còn nhỏ, sau những giờ học, mỗi lần đi chăn trâu cắt cỏ, ngang qua vườn Bác, mình đều nán lại để được nghe các thuyết minh viên kể chuyện về Người”, chị Thao tâm sự. Những câu chuyện ấy cứ thấm dần trong ký ức tuổi thơ và hình ảnh những cô thuyết minh viên trong tà áo dài thướt tha nói say sưa về Bác đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với chị.
“Nhiều khi dắt trâu ra đồng ăn cỏ, nhìn thấy khóm lúa vàng trên đồng, tôi cứ tưởng tượng mỗi khóm lúa là một người và cứ thế thuyết minh cho “họ” về những điều mình nghe được”, chị Thao nhớ lại. Và ý nghĩ trở thành một thuyết minh viên làm việc trong Khu di tích làng Sen theo đuổi trong chị từ đó.
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp lớp 12, bỏ qua công việc tốt ở thành phố, chị thi và trúng tuyển vào làm việc ở Khu di tích Bác Hồ. Vậy là, ước mơ bao của chị đã thành hiện thực.
Công việc của người thuyết minh viên ở Khu di tích không đơn giản như chị từng nghĩ. Ngoài phải có sức khỏe để chịu đựng được nắng mưa, người thuyết minh viên cần phải có kiến thức cũng như chất giọng dễ nghe, dễ hiểu để có thể truyền đạt câu chuyện đến mọi người. “Khi đó mình phải thả tâm hồn vào từng lời nói, từng dòng tâm sự mới có thể truyền đạt được những cảm xúc thật sự đến người nghe”, chị Thao bật mí.
Một kỷ niệm mà chị chẳng bao giờ quên khi lần đầu tiên dẫn đoàn giới thiệu từng kỷ vật, kể cho khách tham quan nghe từng câu chuyện về Người. Khách tham quan đã khóc khi được nghe chị kể về Bác. “Lúc ấy tôi cũng đã bật khóc. Khóc vì xúc động và khóc vì niềm sung sướng mình đã thành công trong nghề”.
Rơi nước mắt là biết sửa mình
Mới đó mà đã hơn 21 năm rồi. Từ một cô bé chăn trâu luôn ước mơ được làm việc thuyết minh viên trong Khu di tích, giờ chị đã là một người có nghề trong nhóm những thuyết minh viên ở đây.
21 năm qua, chị tiếp bao nhiêu đoàn khách, kể bao nhiêu câu chuyện về Người, chị không nhớ nổi. Nhưng có một vị khách, với những lời nhắn nhủ ân cần của ông đã giúp chị phấn đấu hơn trong công việc của mình.
Ông khách ấy, chị gặp cách đây 16 năm. Khi đó chị được giao nhiệm vụ làm thuyết minh viên cho một đoàn cán bộ ở thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên về thăm quê Bác. Qua từng câu chuyện, chị đưa đoàn khách 12 người về với những quá khứ cơ cực của Người. Khi đoàn khách rời bước, đã có một người dừng lại - một người đàn ông chừng 60 tuổi dáng người cao to và mái tóc bạc phơ. Ông cất tiếng:
- Cháu ơi…! Cho chú nán lại ít phút.
Ông đứng một mình, nhìn khắp cả gian nhà quê ngoại (Hoàng Trù) của Bác. Rồi ánh mắt ông dừng lại bên chiếc võng tre. Người đàn ông tiến lại gần rồi ôm chiếc võng. Sau khoảnh khắc trầm tư, ông nói với chị: “Cháu làm công việc này rất khó, làm cho người đời rơi nước mắt, rơi nước mắt là phần nào biết sửa mình đấy cháu ạ”.
Thời gian trôi đi, câu chuyện người đàn ông ôm chiếc võng tưởng chừng đã là quá khứ. Nhưng đến năm 2006 (tức là 12 năm sau), khi tiếp một đoàn khách thành phố Hồ Chí Minh, chị Thao đã nhận ra trong 40 người của đoàn khách, có mặt người đàn ông năm ấy.
12 năm là quảng thời gian khiến người con người già đi nhiều, nhưng cảm xúc khi về quê Bác của ông vẫn không thay đổi. Ông vẫn nghẹn ngào mỗi khi được nghe chị kể những câu chuyện về Bác. Nghe hết câu chuyện ông lại đi thăm từng kỷ vật đến quan sát mảnh vườn thật kỹ khu vườn quê Bác.
Vài ngày sau, chị nhận được bức thư của người đàn ông nọ. “Giờ tôi vẫn còn thuộc từng chi tiết trong bức thư ấy”, chị cho biết. Nội dung bức thư có đoạn: “Ngày 2/4/2006, đi trong đoàn cán bộ thành phố là lần thứ 2 chú về thăm quê Bác. Lần thứ nhất cách đây đã 12 năm rồi. Nhận ra cháu nhưng vẫn lo không biết có đúng hay không. Nhưng đến khi nghe cháu nói thì chú biết không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là cháu rồi…
… Cháu ơi, cháu đã làm việc này là công việc của cuộc đời, là mãi mãi để truyền sức mạnh cho những ai đến mảnh đất thiêng này. Sức mạnh ấy rất cần để Đảng, Nhà nước ta trong sạch vững mạnh…”
Lời động viên, khuyến khích của ông đối với công việc của những người thuyết minh viên, chị luôn nhớ và khắc ghi và phấn đấu làm tốt hơn công việc của mình.
Khi câu chuyện của chúng tôi đang dang dở thì lại thêm một đoàn khách nữa tiến vào căn nhà lá nhỏ. Chị được phân công hướng dẫn đoàn khách tham quan những kỷ vật của Người.
Trong gian nhà tranh lại vang lên giọng nói người phụ nữ miền quê xứ Nghệ: “… Chính ở nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung, mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lớn lên trong điệu ru à ơi của mẹ, trong những câu dân ca phường vải trữ tình cùng sự vất vả lam lũ của người dân làng Sen, làng Hoàng Trù: Con ơi mẹ dặn câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch, rách thơm/Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”./.
(Theo: Ngọc Thành-Việt Đức/VOV)