Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 3/8/2010 22:3'(GMT+7)

Muốn hội viên tin theo, nói phải đi đôi với làm

Khi triển khai thực hiện Cuộc vận động, chị Hà nghĩ phải lựa chọn làm những việc phù hợp với thực tế địa phương, đem lại lợi ích, có hiệu quả thiết thực thì chị em mới hưởng ứng, làm theo. Chị cho rằng, chỉ làm được như vậy mới tạo cơ sở để thực hiện tốt Cuộc vận động cũng như các công tác của hội.

Bố Hạ là xã miền núi, có 5 dân tộc anh em chung sống. Nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở xã thuộc diện nghèo. Do đó, việc đầu tiên chị cùng Ban chấp hành hội phụ nữ xã là vận động chị em trồng rau sạch. Bởi việc vận động chị em trồng rau sạch vừa phát huy được lợi thế của địa phương, vừa phù hợp với hoàn cảnh, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho từng gia đình cũng như cộng đồng. Hơn nữa, đó cũng là cách tiết kiệm hiệu quả nhất đối với chị em ở một vùng quê nghèo. Tiếp đó, chị thành lập “Tổ tiết kiệm”, ban đầu chỉ với 10 thành viên tham gia, nhưng do hiệu quả mang lại hết sức thiết thực, nên chỉ sau thời gian ngắn đã phát triển mạnh mẽ trong toàn xã.

Bên cạnh đó, hội phụ nữ xã còn tích cực tổ chức các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học để sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao kiến thức mọi mặt cho chị em. Trong mỗi kỳ sinh hoạt, các “Tổ tiết kiệm” đều lồng ghép với các nội dung công tác hội nên được hội viên tiếp nhận và thực hiện hiệu quả hơn. Chị em trong các tổ còn giúp đỡ nhau khi gia đình có công việc đột xuất như ốm đau, ma chay, tai nạn... bằng tiền, thóc hay ngày công lao động… Đến nay, toàn xã đã có 64 “Tổ tiết kiệm” với tổng số 1.103 thành viên và việc bỏ ống tiết kiệm đã trở thành nền nếp. Các tổ đã tiết kiệm được 418 triệu đồng, giúp 217 chị có vốn phát triển sản xuất. Phong trào trên đã góp phần giúp nhiều chị em thoát nghèo và giảm số hộ nghèo của xã từ 13,6% năm 2008 xuống còn gần 8% hiện nay; đồng thời, tạo cơ sở thu hút thêm hội viên, thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ công tác hội.

Chị Trần Thị Thực, ở thôn Sỏi, xã Bố Hạ, xúc động nói: "Nhờ sự giúp đỡ của hội phụ nữ mà gia đình tôi mới sớm thoát nghèo và được như hôm nay". Được hội phụ nữ xã giúp đỡ, cùng sự nỗ lực của bản thân, hiện gia đình chị Thực đã mua được máy cày, máy tuốt lúa để làm dịch vụ; trồng màu, chăn nuôi thêm gà, lợn, nên mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Gia đình chị Thực là một trong số những hộ phụ nữ trong xã đã thoát nghèo nhờ hội phụ nữ đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng và hỗ trợ vốn vay để sản xuất từ phong trào "Trồng rau sạch, bỏ ống tiết kiệm".

Tâm sự với chúng tôi, chị Trần Thị Hà nói: “Mình là cán bộ phải thường xuyên sâu sát cơ sở xem chị em cần gì để giúp họ và gương mẫu làm trước. Muốn chị em tin theo, trước hết mình nói phải đi đôi với làm. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thực sự đã làm thay đổi nhận thức của chị em ở địa phương. Số tiền tiết kiệm giúp chị em nghèo tuy còn nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn. Vì, khi mới vận động thực hành tiết kiệm, nhiều chị nói đã nghèo thì lấy gì mà tiết kiệm. Nhưng nay, các chị lại cho rằng càng nghèo càng cần tiết kiệm mới khá lên được. Từ đó, chị em càng gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, thực hiện tốt hơn công tác của hội. Thời gian tới, hội phụ nữ xã tiếp tục duy trì phong trào "Trồng rau sạch, bỏ ống tiết kiệm" và thực hiện tốt các nội dung khác của Cuộc vận động; đồng thời đổi mới hoạt động để nâng cao hiểu biết mọi mặt cho chị em, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em ở địa phương”./.

(Theo: Như Kính/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất