Khi Bác hỏi: “Lãnh đạo ở tỉnh, chú thấy khó khăn nhất là gì?”. Tôi trả lời: “Khó khăn nhất là rất thiếu cán bộ chỉ huy”. Bác hỏi ngay: “Ở tỉnh chú, có bao nhiêu cán bộ tiểu đội đã qua hai năm làm công tác tốt mà chưa được đề bạt làm cán bộ trung đội?”. Tôi không trả lời được. Bác bảo: “Chú về coi lại, nếu chú không chỉ đạo đề bạt, thì báo cho Bác để Bác đề bạt”. Rồi Bác nói: “Nếu lãnh đạo, chỉ huy ở trên mà hiểu được tình hình chiến sĩ, cán bộ dưới rồi biết chọn người tốt từ bên dưới đề bạt lên cấp trên thì cán bộ không bao giờ thiếu”.
Năm 1952, tôi được Bộ Chính trị triệu tập ra dự lớp chỉnh huấn ở Việt Bắc. Hai giờ chiều ngày 24-7-1952, tôi được gặp Bác. Đó là một buổi gặp Bác mà tôi không bao giờ quên.
Vào làm việc, tôi báo với Bác là có chuẩn bị một bản báo cáo, xin được đọc cho Bác nghe, nhưng Bác bảo là Bác chỉ muốn hỏi một số việc thôi. Rồi Bác hỏi, hỏi câu nào tôi trả lời câu đó. Bác hỏi nhiều về đời sống của nhân dân, của chiến sĩ và hỏi rất cụ thể đến bữa ăn, đến áo mặc lúc trời rét, thuốc men lúc đau ốm, việc học hành của các cháu, hỏi đến trường hợp anh em chiến đấu bị chết bị thương đã được chăm lo như thế nào?
Khi nghe tôi báo cáo tình hình đời sống của đồng bào Công giáo nơi nhà thờ bị địch biến thành đồn bót, Bác nói: “Địch biến nhà thờ thành đồn bót, lấy giáo dân làm bia đỡ đạn lại gây chia rẽ lương giáo, đó là âm mưu rất thâm độc. Phải tuyên truyền giải thích cho bà con cả giáo và lương hiểu để tăng cường đoàn kết”.
Khi tôi báo cáo cho Bác biết là Tỉnh ủy đã hướng dẫn cho nông dân bàn để chia ruộng đất công được công bằng hợp lý, bà con rất phấn khởi, tôi thấy nét mặt Bác vui hẳn lên. Bác nói: “Tỉnh Quảng Trị là nơi có rất nhiều ruộng đất công. Hướng dẫn cho nông dân bàn bạc để việc phân chia được công bằng hợp lý, không làm thay là rất tốt, chú về báo lại là Bác có lời khen”. Bác lại hỏi: “Chú là Bí thư Tỉnh ủy từ lúc nào, đã có mấy lần chú xuống trực tiếp làm việc với chi bộ xã, kiểm tra công việc ở xã?”. Bác hỏi gì tôi cũng trả lời được cả. Chỉ duy nhất có một câu hỏi mà tôi không trả lời được.
Khi Bác hỏi: “Lãnh đạo ở tỉnh, chú thấy khó khăn nhất là gì?”. Tôi trả lời: “Khó khăn nhất là rất thiếu cán bộ chỉ huy”. Bác hỏi ngay: “Ở tỉnh chú, có bao nhiêu cán bộ tiểu đội đã qua hai năm làm công tác tốt mà chưa được đề bạt làm cán bộ trung đội?”. Tôi không trả lời được. Bác bảo: “Chú về coi lại, nếu chú không chỉ đạo đề bạt, thì báo cho Bác để Bác đề bạt”. Rồi Bác nói: “Nếu lãnh đạo, chỉ huy ở trên mà hiểu được tình hình chiến sĩ, cán bộ dưới rồi biết chọn người tốt từ bên dưới đề bạt lên cấp trên thì cán bộ không bao giờ thiếu”.
Đến đây thì đồng chí giúp việc cho Bác đến báo với Bác là có các đồng chí Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi và Nông Quốc Chấn đến. Bác bảo mời vào. Tôi chuẩn bị ra về nhưng Bác bảo ở lại để nghe. Đồng chí Lưu Hữu Phước báo với Bác là mới sáng tác được bài Lãnh tụ ca, xin được hát để Bác nghe và cho ý kiến. “Chú hát đi!”, Bác bảo. Đồng chí Lưu Hữu Phước đằng hắng rồi lên giọng hát, Bác chăm chú nghe.
Nghe xong Bác cười rồi hỏi: “Trong bài hát của chú có câu “Hồ Chí Minh xuất hiện trong ánh sao”, vậy Hồ Chí Minh nào đã xuất hiện trong ánh sao? Nếu từ trên trời rơi xuống thì chết thôi, có làm việc gì được? Phải là xuất hiện từ nhân dân mà ra, mới đúng”. Đồng chí Lưu Hữu Phước nói lại: “Thưa Bác, Hồ Chí Minh xuất hiện trong ánh sao là xuất hiện cùng với lá cờ đỏ sao vàng ạ!”. Nhìn anh Phước, Bác cười: “Đó là nói đùa cho vui thôi, chứ Bác cũng hiểu được ý chú”.
Bác nhìn vào chúng tôi hỏi: “Các chú có nghe người nào ca ngợi Bác, cho rằng Bác là vị cha già dân tộc không?” Bác chỉ vào tôi. Tôi trả lời: “Cháu có nghe và chính cháu cũng có nói như thế, với lòng kính trọng Bác”. Bác nghiêm nét mặt: “Nghĩ như vậy, nói như vậy về Bác là rất sai, hóa ra Bác là con người rất hỗn, làm cha cả dân tộc! Khi nói về Bác, phải nói Bác là con em của nhân dân”. Rồi Bác hỏi: “Các chú thấy nói như vậy có đúng không?”. Cả bốn anh em chúng tôi đều trả lời: “Đúng ạ!”.
Tiếp theo, đồng chí Nông Quốc Chấn lại báo thêm với Bác: “Nhiều gia đình vùng đồng bào dân tộc, thấy họ treo hình Bác để thờ”. Bác hỏi: “Theo chú, làm như vậy có nên không?”. Đồng chí Nông Quốc Chấn thưa: “Cháu nghĩ rằng, đồng bào thờ như vậy cũng là tỏ lòng quý trọng tôn kính Bác”.
Suy nghĩ một lát, Bác nói: “Nơi nào bà con đã treo ảnh Bác để thờ, đã thành tín ngưỡng như vậy thì đừng bảo gỡ ra. Nhưng không nên tuyên truyền khuyến khích. Chỉ nên nói với bà con, khi nghe Bác nói điều gì, suy nghĩ thấy đúng thì làm theo, như vậy Bác sẽ rất vui”. Bác chỉ vào đồng chí Nông Quốc Chấn hỏi: “Bác nói vậy có đúng không?”. Đồng chí Nông Quốc Chấn: “Bác dặn vậy là rất đúng”. Bác hỏi lại: “Chú cho là đúng thì hãy nhắc lại cho Bác nghe”. Đồng chí Nông Quốc Chấn nói: “Bác dặn, nơi nào bà con đã treo ảnh Bác để thờ thì đừng bảo gỡ ra, nhưng không nên tuyên truyền khuyến khích. Chỉ nên nói với bà con, khi nghe Bác nói điều gì, thì làm theo. Như vậy Bác sẽ rất vui”.
Bác hỏi ba chúng tôi: “Có đúng là Bác dặn như vậy không?”. Anh Thi, anh Phước và tôi đều trả lời là anh Chấn đã nhớ rất giỏi, thuật lại rất đúng. Bác nói ngay: “Có mấy chữ Bác dặn, rất quan trọng nhưng các chú đều đã quên. Bác dặn, khi nghe Bác nói điều gì, suy nghĩ kỹ thấy đúng thì làm theo. Bác đâu có dặn cứ nghe Bác nói là làm theo!”.
Đến đây, đồng chí giúp việc cho Bác đến đề nghị Bác nghỉ. Chúng tôi chào Bác, ra về.
Buổi gặp Bác chỉ diễn ra non một buổi chiều và cách đây đã khá lâu nhưng nay xin kể lại để chúng ta cùng suy nghĩ./.
Trần Trọng Tân