Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 20/7/2010 23:10'(GMT+7)

Hũ gạo của lính

Chắt chiu từng hạt gạo để dành tặng bà con

Chắt chiu từng hạt gạo để dành tặng bà con

Chúng tôi đến Đồn biên phòng 613 (thuộc xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) - phụ trách 2 xã vùng biên Thuận, Tân Long và đoạn biên giới 14 km trên sông Sê Pôn - cũng vừa lúc các chiến sĩ chuẩn bị cho bữa cơm trưa đạm bạc. Ba, bốn chiến sĩ lúi cúi sau bếp, chỗ gạo quốc phòng được đổ quá nửa nồi to... Binh nhì Nguyễn Thành Công không quên vốc mấy nắm gạo cho vào hũ gạo tiết kiệm. Động tác này với các chiến sĩ dường như đã trở nên quen thuộc, bởi “có bữa cơm nào, cũng dành lại cho đồng bào một ít”...

Phong trào hũ gạo tiết kiệm được Đồn biên phòng 613 thực hiện từ năm 2009 đến tận bây giờ. Hơn 30 cán bộ, chiến sĩ nơi đây cứ mỗi tuần tự trích ra 2 lạng gạo trong khẩu phần ăn của mình để sung vào “công quỹ”. Chỉ chừng non tháng là đầy hũ, các “anh nuôi” phụ trách bếp núc lại phải đổ gạo ra bao riêng để cất chờ đến dịp phân phát cho bà con. Đại úy Nguyễn Công Trình, Đồn phó quân sự Đồn 613, hồ hởi cho hay: “Người lính biên phòng chúng tôi dù ở đâu cũng phải gần dân. Tiết kiệm thêm chút gạo để lo cho đồng bào Vân Kiều nơi đâu cũng là việc nên làm...”.

Một phần vì đặc thù công việc nên các cán bộ của Đồn 613 thường đi đến nhiều bản làng xa, cùng ăn cùng ở với bà con, biết được cái đói cái no của bà con và hỗ trợ kịp thời. Trong những chuyến đi như thế, những bao gạo nghĩa tình được vác trên lưng của người lính qua bao nhiêu đồi cao, suối sâu để đến được với dân bản. “Nhiều khi đưa gạo về cho dân thì anh em lại cùng ăn với bà con số gạo đó luôn. Thân thiết, gần gũi lắm!”, đại úy Trình nói thêm.

Tổng kết năm 2009, toàn đồn đã góp được hơn 5 tạ gạo và 3 triệu đồng để dành tặng cho bà con. Điều đáng hoan nghênh là trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không chỉ ở Đồn 613 mới có hũ gạo, hòm quỹ tiết kiệm mà hầu như đồn nào cũng có. Cảm nhận được điều ấy, mẹ Hồ Thị Núp (60 tuổi, ở bản 7, xã Thuận) xúc động giãi bày: “Có bộ đội, cả bản này không ai sợ đói. Mọi người được “no cái bụng” và “ưng cái bụng” của bộ đội lắm...”./.

(Theo: TN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất