Học tập Bác Hồ tấm lòng yêu thương nhân dân, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 267 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển, đảo xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), mà còn tích cực tham gia cùng địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hình ảnh người thầy giáo quân hàm xanh trở nên thân thương trong ánh mắt trẻ thơ và người dân xứ đảo...
Cù Lao Chàm - xã đảo Tân Hiệp (thành phố Hội An, Quảng Nam) là đảo du lịch, là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhưng người dân chủ yếu sinh sống bằng ngư nghiệp, thu nhập bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,23%. Mùa biển động đảo bị cô lập hoàn toàn, có khi cả tháng trời tàu từ đất liền mới ra tiếp tế được. Đã vậy, thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, phương tiện ngư cụ đánh bắt thủy sản thiếu đồng bộ… đã ảnh hưởng nhiều tới tốc độ phát triển mọi mặt của địa phương. Về giáo dục, việc dạy học cho người nghèo và các cháu học sinh hết sức khó khăn.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác biên phòng chính là dân yên thì biên phòng vững, biên phòng muốn vững phải yên dân. Vì thế, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 267 thường xuyên sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, hành trình đem cái chữ đến với người nghèo của những thầy giáo quân hàm xanh cũng lắm gian nan. Những năm trước đây học viên thuộc nhiều đối tượng: Thợ phụ hồ, đục đá, đi biển, bán hàng rong... ở rải rác trên đảo, đa số lớn tuổi, có vợ có chồng... nên việc tuyên truyền, vận động, tổ chức lớp học và truyền thụ kiến thức hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, họ luôn mặc cảm, tự ti mỗi khi đến lớp. Nắm bắt được tâm lý ấy, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 267 đã tổ chức lớp học ngay tại hội trường của các khu dân cư hoặc tại nhà dân.
Trung tá, Chính trị viên Nguyễn Bội Dinh cho biết: “Sau 5 năm kiên trì vận động, giúp đỡ bà con tới lớp, đơn vị đã xóa mù chữ cho hơn 200 đối tượng. Đến nay 100% người dân trên đảo hoàn thành chương trình phổ cập bậc tiểu học”.
Để có được kết quả như vậy, các anh đã phải kiên trì vận động bà con theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”. Học viên thường xuyên bươn chải với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” khiến việc học tập của họ luôn bị gián đoạn. Những lần như vậy, Bộ đội Biên phòng tới từng nhà động viên bà con đến lớp. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học nửa chừng, các anh chủ động tìm hiểu, nắm tình hình, báo cáo đơn vị hỗ trợ gạo, muối và quần áo, chăn màn. Vào thời điểm mưa gió, các anh còn phải gồng mình giúp dân chống bão. Lắm hôm nhà học viên có công chuyện, Đồn biên phòng 267 lại cử lực lượng xuống giúp việc gia đình để họ yên tâm đi học... Cảm động trước những việc làm cao đẹp ấy, nhiều học viên đã cố gắng tới lớp. Hiện nay, đa số học viên đều đọc thông, viết thạo và làm được những phép tính đơn giản.
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, những năm qua đơn vị không chỉ dạy chữ cho người nghèo, mà còn mở các lớp học hè cho các cháu học sinh bậc tiểu học. Hiện có 43 cháu theo lớp học hè 2010. Việc tổ chức cho con em ngư dân trên đảo tham gia học hè không hề đơn giản. Với đặc thù là xã đảo, vào dịp hè phần lớn các thầy cô giáo về đất liền cùng gia đình. Học sinh ở lại đảo không có sân chơi, chủ yếu lêu lổng. Một số em theo bố mẹ lang thang bán hàng rong tối ngày. Do đó, khi đơn vị đặt vấn đề cho các em học thêm thì bà con lấy lý do “các cháu còn phải lo phụ giúp bố mẹ làm ăn”.
Học tập tính kiên trì và tấm lòng yêu thương nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 267 lại đến từng nhà thuyết phục các bậc phụ huynh cho con em tới lớp. Trường hợp gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đơn vị tổ chức tặng quà, hoặc cử lực lượng tới giúp đỡ giải quyết việc nhà. Những gia đình neo người thì cán bộ, chiến sĩ luân phiên đưa đón các cháu tới lớp. Cùng với đó, đơn vị chi gần 5 triệu đồng mua sách vở, đồ dùng giảng dạy...
Về thăm lớp học, chúng tôi thấy tình thầy trò chan chứa. Những ánh mắt trong veo, ngộ nghĩnh, những tiếng cười, tiếng nói trẻ thơ ríu rít bên thầy giáo quân hàm xanh... Cháu Nguyễn Huy Toàn, học sinh lớp 4 (thôn Bãi Hương) hồn nhiên nói: “Các thầy giáo biên phòng trông vậy mà hiền khô à! Đến đây chúng cháu không chỉ được học chữ, mà còn được các thầy dạy múa hát tập thể, tham gia các trò chơi dân gian... Vui ơi là vui!”.
Không chỉ dạy chữ cho người nghèo và trẻ em, Đồn biên phòng 267 còn chi hơn 200 triệu đồng, huy động 2.400 ngày công cùng với địa phương xây dựng 7 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; chi gần 20 triệu đồng tặng 100 suất quà cho hộ nghèo và gia đình chính sách...
Chiều muộn, khung cảnh đảo nhỏ Cù Lao Chàm bình yên đến vậy. Lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng là tiếng trẻ nhỏ ê a đánh vần. Người thầy giáo mang quân hàm xanh vẫn miệt mài “gieo chữ”, thắp sáng ước mơ xanh trên những lớp học ven chân sóng.../.
(Theo: Phan Tiến Dũng/QĐND)