Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 23/7/2010 15:35'(GMT+7)

Nữ Cựu chiến binh tỷ phú đồi rừng

ảnh Minh Họa

ảnh Minh Họa

Thật bất ngờ và khó có thể hình dung được, người con gái dân tộc Mường đã ở tuổi ngoài 50 nhưng vóc dáng vẫn mảnh mai, nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát và có tiếng cười trong trẻo. Gặp chúng tôi, gợi chuyện xưa; chị như gặp lại đồng đội cũ, luôn miệng "Thủ trưởng ạ", "Các anh ơi". Nhắc chuyện làm ăn, giọng chị trầm xuống, nhìn làn da sám nắng, biết gian khó chất chồng, nhưng ánh mắt của chị vẫn đầy ắp hạnh phúc. Chị tâm sự:

"Năm 1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 671, thuộc Cục Xăng dầu, Tổng cục hậu cần, hoạt động tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào anh em. Năm 1983, tôi được chuyển ngành về Hạt giao thông huyện nhà. Sau 4 năm, vì hoàn cảnh gia đình, tôi xin thôi việc trở về địa phương, lao động sản xuất, chăm lo công việc gia đình nội ngoại. Chồng tôi cũng là hội viên CCB, năm 1983 xuất ngũ, hay lam hay làm, thương vợ thương con, nhưng chỉ được ít năm sức khoẻ giảm sút, chạy chữa nhiều nơi không được, hai năm lại đây được Nhà nước cho hưởng trợ cấp người tàn tật. Trong túng quẫn, nghèo khó, cũng như nhiều bà con dân tộc Mường ở Ngọc Lặc, gia đình tôi khởi nghiệp, đi lên từ kinh tế đồi, rừng.

Buổi đầu gian nan lắm, nhận hơn 8 ha rừng, được Công ty Cao su - Cà phê Thanh Hóa hỗ trợ vốn cho 4 ha, còn phải đi vay mượn để đầu tư cho hơn 4 ha còn lại. Nhiều bữa hết gạo, phải nợ chỗ này một ít, nợ chỗ kia một ít để có cơm cho cả nhà và hàng chục công nhân trồng cây cao su trên đồi. Cây cao su phải sau 5 đến 7 năm mới cho thu hoạch, mà cái khó thì cứ lóa lên từng ngày. Khó khăn chồng chất, có những khi tưởng phải buông xuôi, bỏ cuộc, bán hết đất đai, trang trại... Nhưng rồi "trong cái khó, ló cái khôn", gia đình dành ra 2 ha vườn để trồng mía, trồng sắn, thả gà, nuôi ong lấy mật... dần dần thu nhập từ cây, con ngắn ngày đủ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học và trả bớt nợ cho anh em, họ hàng...

Đến nay, hơn 8 ha cao su đã cho thu hoạch năm thứ tư, trung bình mỗi tháng thu được 3 tấn mủ tươi, tương đương với 30 triệu đồng; trừ các khoản chi phí và lương công nhân, mỗi năm thu về khoảng 250 triệu đồng; thường xuyên giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động tại chỗ, với mức thu nhập bình quân gần 1 triệu đồng/người/ tháng.

Học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi khác, gia đình đang tập trung đầu tư phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Khu chuồng trại, đã có 15 con bò lai sinh sản, hàng trăm con gà, hàng chục đõ ong mật, có ao thả cá trê lai..., nguồn thức ăn cho chăn nuôi khá dồi dào, chi phí không đáng kể, đủ để trang trải đời sống, sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình và của hai chục công nhân. Gia đình cũng đã làm hầm biôga để tận dụng chất thải chăn nuôi, lấy khí đốt và giữ gìn vệ sinh môi trường, ước tính tổng giá trị tài sản hiện có của gia đình khoảng hơn 2 tỷ đồng.

Khi được hỏi tại sao chị tại nhận làm Chi hội trưởng CCB, trong khi phải điều hành công việc trang trại, gánh vác việc gia đình, và Chi hội còn có nhiều đồng chí là sĩ quan quân đội nghỉ hưu, có uy tín, có điều kiện hơn, chị cho biết: Năm 2004, Chi hội CCB thôn 10 bầu tôi làm Chi hội trưởng, lúc đó Chi hội có 13 hội viên, anh em đều là những. người tốt, nhiệt tình, gương mẫu, được xóm bàng nể trọng. Song nhiều bác tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, kinh tế gia đình rất khó khăn.

Những buổi sinh hoạt đầu tiên, Chi hội giành nhiều thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh và điều kiện kinh tế hiện tại của mỗi gia đình. Từ thực tế của địa phương, cùng bàn bạc, vận động anh em khai hoang, phục hóa; trao đổi, hỗ trợ cho nhau cây, con giống, kinh nghiệm nuôi, trồng, chăm bón; tiếp cận các nguồn vốn vay; thông tin các chế độ, chính sách Nhà nước có nên quan và tìm đầu ra cho các sản phẩm, thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài".

Đến nay, Chi hội CCB thôn 10, xã Ngọc Liên có 22 hội viên, trong đó, có 17 gia đình làm giàu nhờ kinh tế tràn trại; mỗi nhà có từ 2 đến 9 ha, nuôi từ 3 đến 5 con bò, có nhà nuôi 15 con, chưa kể lợn, gà, ngan, vịt, ong mật, cá trê lai... trừ chi phí mỗi hộ thu lời mỗi năm từ 30 đến 250 triệu đồng, như gia đình CCB Phạm Văn Học, Bùi Văn Quảng, Phạm Hữu Tình, Quách Văn Lý và nhiều đồng chí khác.

Công việc làm ăn dần ổn định, đời sống của hội viên được nâng cao, Chi hội bàn tiếp việc xây dựng quỹ. Bằng nguồn đóng .góp tự nguyện, đến nay Quỹ Chi hội đã có 8 triệu đồng, đạt mức bình quân 350.000 đồng/hội viên. Quỹ của Hội dùng cho hội viên vay để sản xuất, với mức bãi thấp hơn Ngân hàng; chi dùng cho hội họp và tham gia các hoạt động "Nghĩa tình đồng đội".

Từ chỗ chỉ lo làm ăn, ngại sinh hoạt, mấy năm nay cứ đến ngày mùng 6 hàng tháng, anh chị em hội viên lại có mặt đông đủ để nghe đọc báo Hội, nghe "Thông tin CCB"; bàn việc làm ăn của mỗi gia đình, ai quá khó thì chung tay giúp đỡ; rồi cùng nhau bàn việc của thôn, bàn việc của Chi hội. Những việc hội viên làm tốt, con cháu ngoan, học giỏi đều được biểu dương, khen ngợi; những dấu hiệu không tích cực hoặc khác thường trong thôn cũng được cảnh báo, nhắc nhở. Vì vậy 5 năm qua, trật tự, trị an trong thôn được giữ vững; không có hội viên vi phạm chính sách sinh đẻ; không có hội viên dây dưa công nợ và luôn hoàn thành sớm, vượt mức các khoản đóng góp, tỉnh hộ do Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phát động.

Vừa nói chuyện, thỉnh thoảng chị lại dục chúng tôi ăn bưởi, ăn ổi vừa hái ở ngoài vườn. Phía trước nhà, hàng chục bọng ong mật nép mình dưới những gốc cây ăn quả xanh mát, xa xa rưng cao su ngút ngàn trùng điệp. Khi chia tay chị Phạm Thị Hạnh, chúng tôi nhớ mãi lời tâm sự khiêm nhường, mộc mạc: Lâu lâu các "Thủ trưởng" lại về thăm CCB thôn 10 Ngọc Liên với. Thành tích còn ít lắm. Nếu có khen là phải khen sự mẫu mực, tận tụy của các bác CCB cao tuổi; khen ý chí không cam chịu đói nghèo, không tự ty, thoái trí của anh chị em hội viên; khen công sức của cả tập thể. Em nghĩ mãi rồi, chỉ có sự gắn bó "Lúc thường cũng như lúc chiến đấu” của "Bộ đội Cụ Hồ", thì cái đói, cái nghèo cũng phải chịu mình. Các bác ở xã, Chi bộ Đảng, ban cán sự thôn và Hội cấp trên luôn quan tâm, động viên, thăm hỏi, anh chị em phấn khởi lắm. Rồi chị hẹn "Lần sau các "Thủ trưởng" về thì thôn 10, Ngọc Liên sẽ khác nhiều đấy”.

Đúng như lời giới thiệu của Hội CCB huyện Ngọc Lặc và lời ngợi khen của Đảng ủy, Chính quyền và bà con nhân dân xã Ngọc Liên, chị Phạm Thị Hạnh vinh dự là đại biểu đi dự Đại hội Thi đua CCB gương mẫu lần thứ IV của Hội CCB Tỉnh và dự Đại hội Thi đua Yêu nước lần thứ IV của TW Hội CCB Việt Nam, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam (06//2//989 - 06//2/2009).

Thu Hằng TTBD chính trị Thanh Hóa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất