Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 21/5/2010 21:20'(GMT+7)

Một số kinh nghiệm triển khai thực hiện Cuộc vận động ở Đồng Nai

Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động Đồng Nai trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động. Ảnh Đức Anh

Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động Đồng Nai trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động. Ảnh Đức Anh

Báo cáo với Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vân động vừa qua, Ủy viên thường vụ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Đồng Nai Huỳnh Văn Tới cho biết: kết quả sau hơn ba năm thực hiện Cuộc vận động ở tỉnh đã thực sự tạo sự lan tỏa và có hiệu quả rất thiết thực. Có thể nhận thấy rõ điều đó qua sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân, trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, có sức lan tỏa sâu rộng và từng bước phát huy tác dụng tích cực đối với toàn xã hội. Đáng phấn khởi là ngày càng có nhiều tấm gương làm theo đạo đức Bác Hồ.

Tại các địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh nổi lên nhiều cách làm thiết thực, như: tại các trường học trên địa bàn tỉnh, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, thường xuyên tổ chức kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tại một số chi, đảng bộ thực hiện mô hình xây dựng tủ sách Bác Hồ; một số chi, đảng bộ thực hiện mô hình “Mỗi tháng làm theo một đức tính của Bác Hồ”; tổ chức tọa đàm, trao đổi về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, trao đổi về các tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về Bác; viết “Nhật ký làm theo lời Bác”, “Nhật ký mỗi ngày làm một việc tốt cho dân”; “Tiết kiệm nghĩa tình 2.000đ” …

Trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tốt, những tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo. Nổi bật như: gương học sinh vượt khó, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; gương thầy cô giáo tâm huyết với nghề, sáng tạo, hiệu quả trong giảng dạy, yêu thương học sinh; gương chiến sĩ công an liêm khiết, tận tụy với công việc; gương thầy thuốc thể hiện cao y đức và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; gương phụ nữ chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm lo đời sống cho phụ nữ nghèo; gương nông dân sản xuất giỏi, làm tốt công tác nhân đạo, từ thiện; gương các chức sắc tôn giáo thực hiện tốt đời, đẹp đạo, chăm lo người nghèo; gương cán bộ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên gương mẫu trong học tập, công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao... Cùng với những điển hình cá nhân, đã có những tập thể tiêu biểu trong thực hiện làm theo, tích cực phát động thi đua thực hành tiết kiệm, tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho dân; nâng cao hiệu suất công việc chuyên môn, có nhiều cố gắng, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh việc “làm theo” trong thực hiện nhiệm vụ, trong cuộc sống đời thường cũng đã xuất hiện một số mô hình làm theo rất có ý nghĩa hướng vào nội dung “chung tay vì người nghèo”, “ gắn mỗi tổ chức với một địa chỉ nhân đạo” với sự tham gia của hầu hết các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, khu, ấp, các chi hội đoàn thể, của đông đảo các tầng lớp nhân dân với nhiều cách làm thiết thực đầy lòng nhân ái, nghĩa tình, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã góp phần quan trọng tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả làm theo của các đơn vị, địa phương ngày càng cụ thể hơn: Trách nhiệm giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, các nhu cầu bức xúc của quần chúng nhân dân được tăng cường; sửa đổi lối làm việc, giảm thủ tục hành chính, thái độ giao tiếp với dân ngày càng tốt hơn, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức có chuyển biến, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến rõ rệt.

Ba năm qua, trong số hàng ngàn gương cá nhân và tập thể điển hình tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ cấp huyện, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã xem xét và quyết định biểu dương, khen thưởng 61 gương điển hình tập thể và 121 cá nhân tiêu biểu. Đó là những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội, luôn thể hiện tinh thần trung thực, có trách nhiệm với công việc được giao, có thái độ tận tụy với công việc, với nhân dân, những gương người tốt việc tốt trong cuộc sống đời thường.

Tuy nhiên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Đồng Nai Huỳnh Văn Tới cũng trăn trở, cho rằng kết quả “làm theo” cũng chưa thật đồng đều. Việc biểu dương, nhân rộng điển hình “làm theo” ở một số cơ sở còn hạn chế. Một số đơn vị còn lúng túng trong việc sáng tạo mô hình "làm theo", gặp khó khăn trong việc xây dựng tiêu chí xét biểu dương điển hình. Kết quả thực hiện việc đưa nội dung kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện quy chuẩn đạo đức của đơn vị và bản đăng ký rèn luyện cá nhân vào nội dung sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng tuy có tiến bộ song vẫn chưa trở thành nề nếp trong nhiều chi bộ, chất lượng đánh giá còn hạn chế. Việc lấy ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc nơi cư trú cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Không ít nơi còn e dè trong tự phê bình và phê bình. Ở một số đơn vị, việc tổ chức thực hiện theo tấm gương đạo đức Bác Hồ còn nặng tính hình thức, chưa chú trọng đến nội dung và phương thức “làm theo” một cách sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. Đáng chú ý là gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cán bộ đảng viên có chức vụ còn ít, chưa được xây dựng mô hình để nhân rộng, gây lan tỏa.

Qua ba năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, để triển khai thực hiện Cuộc vận động phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo; phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vai trò tham mưu của Ban Tuyên giáo các cấp; hoạt động của ban chỉ đạo và từng thành viên phải được duy trì thường xuyên, có nề nếp với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động, bám sát các yêu cầu cơ bản do cơ quan cấp trên đề ra.

Thứ hai, sự thông suốt về nhận thức tư tưởng và sự tự giác, gương mẫu của các cấp ủy đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt, của cán bộ, đảng viên là yếu tố có tính quyết định duy trì và phát triển phong trào “làm theo”, cũng như bảo đảm sự thành công của Cuộc vận động. Vai trò gương mẫu, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trong việc tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng để cán bộ, đảng viên quần chúng noi theo. Phải thường xuyên phát huy và nâng cao vai trò giám sát của mặt trận và các đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện Cuộc vận động. Kết hợp chặt chẽ việc học tập và làm theo, giữa tổ chức nghiên cứu, quán triệt với hướng dẫn tuyên truyền, động viên, tạo điều kiện để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực, tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Thứ ba, sự gắn kết chặt chẽ thực hiện Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Gắn việc tiến hành Cuộc vận động với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các mặt công tác của cơ quan, đơn vị, làm cho Cuộc vận động trở thành bộ phận hữu cơ của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, xây dựng địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Cần đặt trọng tâm vào khâu “làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo nên một phong trào rèn luyện thường xuyên, rộng khắp, với những việc làm thiết thực.

Thứ tư, kịp thời phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Phải kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến có thành tích tiêu biểu, nổi bật trong học tập và noi theo tấm gương của Bác để nhân rộng, tạo ra động lực thi đua lẫn nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội. Phối hợp có hiệu quả với cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình các cấp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, với nhiều hình thức truyền tải về các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng và ban chỉ đạo các cấp; đưa nội dung nhận xét, đáng giá việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, giải quyết kịp thời những kiến nghị đề xuất, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Cuộc vận động. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động, nhằm nắm bắt và phản ánh kịp thời những vướng mắc về tư tưởng tại đơn vị, địa phương mình. Thực tiễn cho thấy, nơi nào kết quả thực hiện Cuộc vận động kém hiểu quả đếu có nguyên nhân từ công tác kiểm tra chưa thường xuyên, nề nếp, chậm phát hiện khắc phục những yếu kém, tồn tại./.

Đức Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất