(TCTG) - Ông thường nói với các con và buôn làng: Học tập tấm gương Bác chính là bản thân mỗi người phải tự cố gắng rèn luyện đạo đức, lối sống, đoàn kết, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, biết nâng niu, quý trọng dù chỉ là vật nhỏ nhất, một giọt mồ hôi thì mới có ý thức tiết kiệm, từ đó mới mong thoát được cái nghèo…
Sinh năm 1933, từ một anh du kích giữ làng, năm 1954 Ma Vin rời buôn làng Ma Lép, nay là buôn Thống Nhất, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) lên đường vào quân ngũ thuộc đơn vị Pháo binh, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 120 đóng tại quê Bác, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Hai năm sau, Tiểu đoàn của anh vinh dự được đón Bác về thăm. Lần đầu tiên gặp Bác Hồ, Ma Vin khắc sâu trong tâm trí hình bóng, phong cách giản dị của Người trong bộ quần áo Ka ki và đôi dép cao su cũ sờn, với lời dặn dò ân cần của Bác trong một buổi nói chuyện với bộ đội người đồng bào dân tộc thiểu số: “Các chú cố gắng học tập, chiến đấu cho tốt, để mai này không ai khác, chính các chú là những người tiên phong về xây dựng quê hương mình”.
Năm 1962, Ma Vin được điều vào tỉnh đội Đắc Lắc tham gia chiến đấu chống mỹ, rồi chống Phun rô ở vùng giáp ranh giữa Đăk Lăk và Phú Yên. Phát huy truyền thống cách mạng của một gia đình có 4 người thân là liệt sỹ, nung nấu ý chí căm thù, lòng yêu nước quên thân và lời dạy Bác Hồ, ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi trận đánh Ma Vin đều anh dũng đi đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người đồng đội cũ, đồng thời cũng là chỉ huy của anh, ông Ma Cao, nay là già làng buôn Thống Nhất, xã Suối Trai nói về chiến tích của Ma Vin trong một trận đánh ác liệt ở Tây Nguyên: “Hồi đó thằng Ma Vin nó gan dạ lắm, một mình băng lên vượt qua làn đạn của quân thù, xông tới hạ ngay mục tiêu từ loạt đạn đầu tiên để quân ta tiến lên chiếm lĩnh trận địa”.
Hoà bình lập lại, năm 1980 người con anh dũng một thời của buôn làng Ê Đê rời quân ngũ về buôn làng xây dựng quê hương theo lời căn dặn năm xưa của Bác Hồ. Ma Vin kể lại: “Thời bấy giờ bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao còn rất nghèo và lạc hậu, trình độ dân trí thấp, nạn mê tín dị đoan, tục lệ ma chay khá phổ biến. Với cương vị cấp uỷ chi bộ, tôi tổ chức họp dân tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn bà con cách làm ăn đã học được ở nhiều địa phương nơi đóng quân, như cách làm lúa cho năng xuất cao, chăn nuôi bò đàn, không nghe theo lời kẻ xấu kích động, bài trừ nạn mê tín dị đoan và nói để bà con hiểu, tin tin tưởng tuyệt đối chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng vào dân tộc thiểu số”.
Với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ngay từ buổi đầu tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng Ma Vin cùng gia đình, dòng họ không ngại khó, ngại khổ bắt tay vào khai hoang trồng được 10 ha lúa rẫy, gây dựng thả nuôi hơn 100 con bò và khuyến khích, động viên con cháu cố gắng học lấy cái chữ để mai này thoát cái nghèo. Nhờ vậy mà 6 người con của ông hiện nay đều có gia đình và có cuộc sống ổn định, trong đó có 3 người làm việc trong các cơ quan nhà nước. Từ tấm gương lao động sản xuất của gia đình Ma Vin, phong trào hăng hái tham gia lao động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi của bà con nổi lên trông thấy. Từ một xã nghèo nhất nhì của huyện, nay hầu hết bà con đều có cuộc sống ổn định. Nhà xây mái ngói chiếm tỉ lệ hơn 80%, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn và xe hon đa, nhiều hộ còn mua cả máy cày, xe ô tô phục vụ cày cấy và vận chuyển hàng nông sản. Phấn khởi hơn hết là từ khi có công trình thuỷ điện Sông Ba Hạ, bà con được đền bù đất sản xuất và di dời đến nơi ở mới khang trang hơn, với đầy đủ các công trình điện, trường tầng, trạm y tế, đường ô tô vào tận từng ngõ ngách, thôn buôn.
Trước sự đổi thay của buôn làng, tuổi đã cao Ma Vin luôn hồi tưởng về một thời chiến tranh ác liệt, mà mảnh đất quê hương ông ngập chìm trong lửa đạn quân thù, bao trùm trong màn đêm của cảnh nghèo đói. Kỷ niệm lớn nhất đối với ông, ngoài lời căn dặn của Bác Hồ còn có một đôi dép cao su được cấp phát cho bộ đội từ thập niên 1960 mà ông xem như là một kỷ vật cùng đồng hành trong suốt cuộc hành trình băng rừng, xẻ núi làm cách mạng cho đến tận hôm nay. Mỗi lần nhìn đôi dép cao su đã bị mòn lĩn quai, đế theo thời gian, Ma Vin lại nhớ như in vóc dáng dản dị mà rất đỗi đời thường và lời dặn dò của Bác năm xưa, ông lại nói các con và buôn làng: “Học tập tấm gương Bác chính là bản thân mỗi người phải tự cố gắng rèn luyện đạo đức, lối sống, đoàn kết, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, biết nâng niu, quý trọng dù chỉ là vật nhỏ nhất, một giọt mồ hôi thì mới có ý thức tiết kiệm, từ đó mới mong thoát được cái nghèo, cùng chung lưng, đấu cật góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”./.
PHƯƠNG NAM, Báo Phú Yên