Thứ Bảy, 21/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 14/2/2013 16:17'(GMT+7)

An toàn giao thông - Xuân cho mọi nhà

Chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên một tuyến đường ở Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên một tuyến đường ở Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong đầu Xuân mới Quý Tỵ này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã ký công điện chỉ đạo việc thực hiện bảo đảm an toàn giao thông những ngày nghỉ còn lại dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ và mùa lễ hội Xuân. Trước Tết, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đều chỉ đạo các đơn vị toàn quân quan tâm đặc biệt vấn đề an toàn giao thông trong quân đội những ngày nghỉ Tết.

Điều dễ nhận thấy là tai nạn giao thông cứ “đến Tết lại tăng”. Theo báo cáo của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các địa phương, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nên tai nạn giao thông có giảm so với Tết năm 2012. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp. Chỉ tính riêng 4 ngày cao điểm Tết, toàn quốc đã xảy ra 170 vụ tai nạn giao thông, làm chết 144 người, bị thương 147 người, đặc biệt ngày 12-2 (Mồng Ba Tết), cả nước đã xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông làm chết 53 người, bị thương 63 người. 

Nhiều người cho rằng, nếu không có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời, tai nạn giao thông còn có thể tăng cao khi người dân bắt đầu các hoạt động lễ hội, thăm viếng đền chùa, di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt hoạt động giao thông sẽ  tăng dần nhịp độ, cường độ vào cuối tuần này. Lúc đó học sinh, sinh viên, người lao động và cán bộ, chiến sĩ LLVT sẽ trở lại nhà trường, cơ quan, công sở và đơn vị sau kỳ nghỉ Tết dài.

Nguyên nhân để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao trong các dịp lễ, Tết thì có nhiều, trong đó có những vấn đề đã được cảnh báo và đề cập như phương tiện chuyên chở cũ nát, hạ tầng giao thông yếu kém; công tác quản lý giao thông của các ngành chức năng còn nhiều bất cập, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm và vào cuộc quyết liệt... Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới mất an toàn giao thông trong dịp lễ, Tết vẫn là ý thức chấp hành luật giao thông kém của người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông (uống rượu, bia, phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách...). 

Để giảm thiểu tai nạn giao thông trong dịp nghỉ Tết năm nay, trong điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông của chúng ta còn yếu kém, chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều bất cập thì vấn đề quyết định nhất là vẫn là ý thức chấp hành luật pháp và đạo đức của người điều khiển phương tiện giao thông, người kinh doanh giao thông vận tải và người tham gia giao thông. Cùng với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, kiểm tra thực hiện luật giao thông cũng rất cần thiết nêu cao văn hóa, đạo đức, kinh doanh của các chủ doanh nghiệp vận tải, không thể vì lợi ích của doanh nghiệp mà sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn, cũng như sử dụng lái xe chưa qua đào tạo. Đã đến lúc phải có chế tài xử nghiêm trách nhiệm liên đới của các cơ sở đào tạo lái xe khi lái xe gây tai nạn giao thông, những cơ quan đăng kiểm để sót lọt xe không bảo đảm kỹ thuật an toàn.

Với mỗi gia đình, ngày Xuân chỉ thực sự vui và có ý nghĩa khi tất cả các thành viên trong gia đình đều an toàn. Với các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, chỉ một người mất an toàn là có thể cả tập thể mất Tết. Bởi vậy, ngày Xuân, mỗi người hãy đặt chữ an toàn lên hàng đầu mà trước hết là an toàn giao thông./.

(Đỗ Phú Thọ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất