Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 18/6/2012 10:48'(GMT+7)

Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đối với tương lai thế hệ trẻ

Một "kiểu" đi xin việc làm ở phương Tây.

Một "kiểu" đi xin việc làm ở phương Tây.

Vương quốc Anh: Các nhà xã hội học Anh đã cảnh báo về nguy cơ mất đi cả một thế hệ, giới trẻ mất niềm tin vào tương lai. Chưa bao giờ lại có quá nhiều thanh niên ở nước này không có việc làm như hiện nay. Số liệu công bố giữa tháng 3-2012 cho biết, thanh niên thất nghiệp trong quý 4-2011 đã tăng đột biến lên mức kỷ lục 1,042 triệu người, nghĩa là 22,5% người Anh từ 16 đến 24 tuổi đang bị thất nghiệp. Ông Ga-vin Ke-ly, Giám đốc tổ chức Lobbyorganisation Resolution Foundation cho đây là "con số rất đáng lo ngại" và họ có lý do để thu nhập cao. Trong khi, Chính phủ chưa nhận rõ vấn đề này. Phó Thủ tướng Ních Cléc nói, thanh niên thất nghiệp không phải là phát minh của Chính phủ và phần lớn do hậu quả của Chính phủ Công đảng tiền nhiệm để lại.

Ðức: Thị trường lao động đối với thanh niên sáng sủa hơn nhờ chính sách đào tạo nghề kép. Theo số liệu của EU, ở châu Âu cứ năm thanh niên thì một người không có việc làm, trong khi đó ở Ðức cứ 12 người dưới 25 tuổi thì một người thất nghiệp. Ðó là tỷ lệ rất thấp trong số 27 nước EU. Cục Lao động liên bang đưa ra con số những người trẻ tuổi thất nghiệp trong tháng 3-2012 là 283.788 người. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp là 6,1%, thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp chung là 7,2%. Hệ thống đào tạo nghề kép trong nhà máy và trường dạy nghề được gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Sự chuyển tiếp từ trường học sang làm nghề ở giới trẻ Ðức vì vậy dễ dàng hơn so với giới trẻ ở các nước khác khi bắt tay vào nghề. Liên kết đào tạo giữa các Hiệp hội kinh tế và Chính phủ liên bang là một đặc trưng thực tế giúp bảo đảm cho mọi thanh niên có cơ hội được đào tạo nghề. Trong thực tế, bất kỳ thanh niên nào cũng được quan tâm và nếu không có chỗ học nghề, thì sẽ có biện pháp chuẩn bị nghề, nghĩa là có một năm được học nghề cơ bản ở trường phổ thông hoặc một năm làm quen nghề nghiệp trong các nhà máy. Tuy nhiên, theo Liên hiệp công đoàn Ðức, thanh niên phải "chạy quanh" cho đến khi họ nhận được một suất học nghề. 

Pháp: Tỷ lệ thanh niên không có việc làm cao là một vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua của nước Pháp. Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm bi đát thêm tình trạng này, vì các doanh nghiệp muốn sa thải những nhân viên là thanh niên vì các lao động này mang lại ít lợi nhuận cho các ông chủ. Kết quả là, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong tháng 1-2012 lên 23,3%. Tại các vùng ngoại ô con số này là 40%. Pi-e Ca-húc, Giáo sư kinh tế Trường đại học Bách khoa Pa-ri cho rằng, lý do chính khiến thanh niên Pháp thất nghiệp cao là bởi thiếu hệ thống giáo dục và đào tạo. Nếu có một cuộc cải cách thì cũng phải mất 10 năm mới có thể cải thiện trong ngành giáo dục.

I-ta-li-a: Giới trẻ nước này chán chường, không thể có kế hoạch cho cuộc sống riêng. Việc làm bấp bênh và nguy cơ rơi vào tình cảnh thất nghiệp bất kỳ lúc nào là tình trạng chung của một nửa thanh niên ở I-ta-li-a. Hiện một phần tư số thanh niên trong lứa tuổi dưới 30 không có việc làm, cũng không được đào tạo nghề hoặc học đại học. Theo Hiệp hội công nghiệp (Confindustria) của I-ta-li-a, từ năm 2008, nước này đã mất đi gần nửa triệu việc làm khiến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng 10% lên mức kỷ lục 31,1% hiện nay. Hai phần ba số thanh niên từ 18 đến 34 tuổi vẫn phải sống nhờ bố mẹ. Tại các nước phát triển, thanh niên muốn tự lập, nhưng nay không thể thực hiện được "quyền tự do" này. Những ai  phụ thuộc vào hợp đồng làm việc tạm thời và phải chờ gia hạn tiếp thì không chỉ nghèo, mà còn không thể lập kế hoạch cho cuộc sống riêng của mình. Do vậy, không có gì lạ khi giới trẻ ở I-ta-li-a kết hôn rất muộn và sinh ít con. Tình trạng này gây ra hệ quả lớn đối với xã hội.

Tây Ban Nha: Khủng hoảng kinh tế - tài chính trầm trọng gây ra những hệ lụy đối với xã hội Tây Ban Nha. Số người thất nghiệp mỗi tháng lại tăng lên và đang ở  mức cao nhất trong EU, nhất là trong giới trẻ, 49,9% số thanh niên từ 18 đến 24 tuổi không có việc làm. Tuy nhiên, ngay cả những người có một chỗ làm cũng không có triển vọng sáng sủa. Hầu hết thu nhập trung bình là dưới 1.000 ơ-rô/ tháng. Với mức lương như vậy thì rất ít thanh niên Tây Ban Nha có thể chuyển ra ở riêng, mà phải sống cùng bố mẹ có khi tới hơn 30 tuổi. Ngoài ra, hầu hết các hợp đồng lao động là tạm thời ngắn hạn. Nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học phải tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài. Theo ước tính, trong những năm gần đây có tới 300 nghìn thanh niên Tây Ban Nha đã "chào tạm biệt" nước mình ra nước ngoài làm việc. Bộ trưởng Lao động Pha-ti-ma Ba-nhết than phiền: "Chưa bao giờ Tây Ban Nha xảy ra tình trạng chảy máu chất xám đáng sợ như vậy". Trước năm 2013, không ai hy vọng có thể cải thiện tình hình thị trường lao động. Qua đó, nảy sinh một vấn đề nghiêm trọng về nhân khẩu học, kinh tế và xã hội đối với một nước mà cách đây ít năm đã có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khối EU.

Mỹ: Thanh niên Mỹ nhận thấy, triển vọng tương lai của họ ngày tồi tệ đi. Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ trong ít năm gần đây tăng đáng kể lên 16,5%. Tại một số bang như Ca-li-pho-ni-a, một phần ba số thanh niên từ 16 đến 19 tuổi không có việc làm. Nhiều người trẻ phải chuyển về ở chung với bố mẹ để khỏi phải mất một khoản tiền thuê nhà. Cái cơ hội một thời mà một người rửa bát đĩa thuê có thể trở thành triệu phú đã qua rồi. Theo Viện nghiên cứu Brúc-kinh, gia đình nào sống trong túng thiếu thì có tới 70% con cái họ cũng sống trong nghèo khó hoặc chỉ đủ sống. Rất nhiều trẻ em trong số đó không tốt nghiệp phổ thông hoặc phải học ở những trường công tồi tệ, vì những trường tư chất lượng cao thì mỗi học sinh phải trả 35 nghìn USD/năm. Nhất là người da mầu và người Mỹ la-tinh thường ít được học hành cao. Ngày nay, số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ có chiều hướng giảm so mức phát triển của quốc tế.

Hai Xuân- Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất