Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 2/9/2009 8:33'(GMT+7)

Dân làng Trường Yên làm theo lời Bác

Ngày 17-8-1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN Hoà Bình. Trong buổi nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học sinh của trường và nhiều cán bộ ở các địa phương đang về học tập ở tỉnh, Bác khuyên mọi người: Bây giờ chúng mình xây dựng XHCN, XHCN là làm cho đời sống nhân dân ngày càng sung sướng, ăn no, mặc ấm, được học hành, ốm đau có thuốc. Bác còn căn dặn nhiều vấn đề như: “Phải đoàn kết”, “Phải tôn trọng kỷ luật”, “Vấn đề dân chủ”, “Về nghề phụ”. Học tập NQTW 5 (về nông nghiệp), NQTW 7 (về công nghiệp), và còn nhiều vấn đề khác mà bản lược ghi lời huấn thị của Hồ Chủ tịch tại trường đã biên tập thành 10 vấn đề. Đó là một tài sản vô giá với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình. Các vấn đề đó đã được các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh của trường ra sức thực hiện và khắc cốt, ghi xương suốt đời.

Năm 1991, Trường Thanh niên lao động XHCN chuyển thành Trường dân tộc nội trú của tỉnh và chuyển lên thị xã Hoà Bình. Những cán bộ, giáo viên, công nhân và học sinh đã ra trường còn lại ở khu hiệu bộ của trường, nơi có di tích Bác Hồ về thăm trường và nhân dân các dân tộc tinh Hoà Bình đã được hình thành một làng lấy tên là làng Trường Yên (Trường là chữ đầu của trường cũ và Yên là lấy tên đầu của chữ Yên Mông, một xã mà dân làng Trường Yên mãi mãi gắn bó).

Hiện nay, tại đây có 71 hộ với 250 nhân khẩu gồm ba dân tộc Mường, Kinh, Thái cùng đoàn kết, gắn bó và chung sống. Đã 47 năm ngày Bác Hồ về thăm nơi đây và gần 18 năm trường cũ chuyển đi, nhưng bà con còn trụ lại làng Trường Yên này, nhất là cán bộ, công nhân, giáo viên và học sinh của trường thì vẫn khắc cốt, ghi tâm lời dạy của Bác và họ đã từng bước thực hiện lời dạy của Bác để tu thân, tề gia và xây dựng làng Trường Yên ngày càng giầu đẹp, có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Vốn là cán bộ, giáo viên của trường, hôm nay tôi về đây lòng bồi hồi, xúc động, nhớ lại biết bao kỷ niệm của đồng đội xây nên một nhà trường Anh hùng và rất đỗi vui mừng trước sự thay đổi to lớn của bà con làng Trường Yên. Lâu ngày gặp anh em bạn bè cũ, ngồi nhâm nhi ly trà nóng, có lúc vui, có lúc ngậm ngùi kể cho nhau nghe về nhiều câu chuyện trong 18 năm qua ở làng Trường Yên. Anh Nguyễn Chiến Mạnh là học sinh của trường, đi bộ đội là sĩ quan binh chủng xe tăng, rồi xin về trường tham gia đội máy cày, máy ủi của trường. Tháng 7-1993 anh nghỉ việc theo Thông tư 176. Vợ anh cũng là công nhân xưởng chế biến đường, rượu, được hưởng trợ cấp một lần. Trong khó khăn, lời Bác dạy như: “Cần, kiệm, liêm chính…”, “Khó khăn nào cũng vượt qua…”, “Lấy sức ta mà giải phóng cho ta…” cứ văng vẳng trong tâm trí anh. Với điều kiện tự nhiên cho phép và khả năng lao động của hai vợ chồng và hai người con trai, anh chị đã xin đất trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi đàn bò và chị chạy chợ bán hàng tạp hoá, tạp phẩm… nuôi hai con học đại học, xây được nhà, mua xe máy, có phương tiện nghe nhìn... mức thu nhập của gia đình anh đã đạt 10 triệu đồng/người/năm là mức thu nhập của tốp có thu nhập cao nhất của làng Trường Yên. Gia đình anh đã được công nhận gia đình văn hoá liên tục từ năm 1996 đến nay. Anh còn tham gia công tác Đảng, năm 1995 làm Phó bí thư chi bộ và từ năm 1997 đến nay làm Bí thư chi bộ làng Trường Yên. Những đồng chí có hoàn cảnh như anh đã học tập anh vươn lên trong làm ăn ngày càng khá giả như các anh: Bùi Văn Ạy - công nhân lái máy MTZ 150; Bùi Văn Tiến - công nhân lái máy cày; Triệu Văn Sơn - thợ sửa chữa xe máy… đều là những hộ khá giả, con cái trưởng thành và đạt danh hiệu gia đình văn hoá.

Về khu rừng nhãn, nơi Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ của tỉnh, giáo viên, học sinh của trường năm xưa, gặp ông Nguyễn Hữu Nhân, nguyên học sinh khóa I của trường, nguyên Đại biểu quốc hội khoá IV, nguyên Bí thư đảng uỷ, giám đốc của trường, vì sức yếu đã nghỉ hưu nay ở lại đây để được gần đồng đội và mái trường xưa mà ông đã cả đời gắn bó, xây dựng. Ở độ tuổi thất thập ông vẫn nhớ như in lời Bác viết trong quyển sổ vàng của nhà trường, hiện còn lưu trữ trong bảo tàng của trường dân tộc nội trú của tỉnh hiện nay:

“Phải: Học tập tốt, lao động tốt

Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”

Làm theo lời Bác, ông rèn luyện sức khoẻ, hàng ngày lao động nhẹ và mỗi khi gặp ai là người cùng trường cũ với nhau ông thường nhắc nhở: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Ngày 15-10-2003, kỷ niệm ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành giáo dục, ông đã cùng đồng đội trồng cây đa nhớ ơn Bác ngay tại khu vực Bác đứng nói chuyện năm xưa.

Với đặc điểm là làng, nhưng không có đất đai để canh tác, nên bà con làng Trường Yên phải mở mang dịch vụ, phát triển nghề thủ công, trồng rừng, chăn nuôi và chạy chợ… Hiện nay đã có hai cơ sở sản xuất tiểu thủ công có kết quả bước đầu, một cơ sở sản xuất chổi chít gồm 30 lao động của địa phương, mỗi người có thu nhập từ 1 - 1,2 triệu một tháng và cơ sở sản xuất đã xuất đi một vạn chiếc chổi sang Malaixia mỗi tháng. Một cơ sở sản xuất hương, có 6 máy với 6 lao động, mỗi tháng xuất sang Ấn Độ 2 tấn hương.

Ông Nguyễn Đức Chính - nguyên là công nhân của trường, nay đã có 13 năm làm trưởng thôn Trường Yên cho tôi biết: khi làng Trường Yên mới được thành lập, ở đây có 4 nhà xây, còn đều là nhà ở tạm, 70% hộ nghèo, 95% hộ không có phương tiện nghe nhìn, chưa có điện, đường đi lối lại là những đường mòn. Hôm nay làng Trường Yên không còn hộ nghèo, 100% số hộ có nhà xây, 30% số hộ có nhà kiên cố, thu nhập bình quân đều đạt 9 triệu đồng một năm. Tất cả các gia đình đều có xe máy, trong làng có 4 ô tô (2 xe vận tải, 2 xe chở khách), mọi nhà đều được dùng điện và có phương tiện nghe nhìn. Cùng với xây dựng đời sống kinh tế, dân làng Trường Yên chú trọng xây dựng đời sống văn hoá, cho con em học hành đến nơi đến chốn. Từ năm 2001, làng Trường Yên đã hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và liên tục nhiều năm đạt danh hiệu làng văn hoá tiêu biểu, xuất sắc. Năm 2005 làng Trường Yên xây dựng mới nhà văn hoá, có diện tích sử dụng 120m2 để sinh hoạt, hội họp và còn là phòng truyền thống lưu giữ các bác ảnh, hiện vật kỷ niệm về Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã về thăm trường.

Làng Trường Yên đã được UBND thành phố Hoà Bình tặng giấy khen và công nhận danh hiệu làng văn hoá, ngành giao thông-vận tải tặng giấy khen về thành tích đi đầu xây dựng đường giao thông nông thôn và năm 2005 được Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen về thành tích thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Bà con làng Trường Yên rất đỗi vui mừng được biết tỉnh đã có văn bản công nhận khu di tích Bác Hồ về thăm trường năm xưa và từng bước đầu tư xây dựng khu di tích để giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đồng chí Bí thư chi bộ và ông trưởng thôn thay mặt bà còn làng Trường Yên đều bày tỏ niềm vui, lòng quyết tâm xây dựng làng Trường Yên ngày càng giàu đẹp và tham gia xây dựng bảo vệ và giữ gìn khu di tích lịch sử để xứng đáng với sự chăm sóc và lời dạy của Bác Hồ kính yêu./.

Lưu Huy Chiêm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất