Thứ Sáu, 20/9/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Tư, 30/9/2009 23:6'(GMT+7)

Bác đến sau, Bác chờ...

Bác Hồ đi bỏ phiếu bầu cử (Ảnh minh họa).

Bác Hồ đi bỏ phiếu bầu cử (Ảnh minh họa).

Chuyện kể:

Ngày 27 tháng 4 năm 1969, buổi sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã... Người bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, đơn vị 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội, đặt tại Nhà thuyền Hồ Tây.

Khi Bác Hồ đến, trong Nhà thuyền đã có nhiều cử tri đang bỏ phiếu. Tổ bầu cử thấy Bác đến, ra hiệu đề nghị đồng bào tạm dừng, tạo “điều kiện” để Bác vào bỏ phiếu trước. Biết ý, Bác nói :

- Ai đến trước, viết trước, Bác đến sau, Bác chờ…

Và Bác chờ cho đến hàng mình, lượt mình mới nhận phiếu và vào buồng viết phiếu…

(Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 10, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh biên soạn, Nxb CTQG, 1996, tr.334).

Lời bàn:

Chỉ là một câu chuyện nhỏ, câu chuyện bình thường trong cuộc sống thường ngày của Bác diễn ra cách đây đã hơn 40 năm nhưng ẩn chứa bên trong đó bài học lớn mà tất cả chúng ta đều phải suy ngẫm học tập, làm theo trong cuộc sống ngày nay.

Bài học đầu tiên từ câu chuyện trên chính là sự bình đẳng, dân chủ - một trong những tư tưởng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời thực hiện triệt để, đi đôi với hành động, bất kể dù là việc to hay việc nhỏ. Cũng cần phải khẳng định, hành động của Tổ bầu cử khi tạo "điều kiện" để Bác bỏ phiếu trước là hết sức bình thường, không có gì sai đối với một nguyên thủ quốc gia, nhưng với Bác Hồ, điều đó thật không phải. Bởi, với Bác sự bình đẳng luôn được đặt lên trên hết, đặc biệt đây lại là trong cuộc bỏ phiếu bầu cử càng cần phải bình đẳng ngay từ người bỏ phiếu.

Cũng từ câu chuyện nhỏ này, mỗi chúng ta đều có thể suy ngẫm về mình, về nhiều điều đang diễn ra trong cuộc sống với những bon chen cao thấp, trước sau... mà làm méo mó đi nhân phẩm, đạo đức cách mạng và hơn nữa là ảnh hưởng xấu đến nền tảng văn hóa truyền thống dân tộc.

Một anh cán bộ bằng nhiều thủ đoạn để cố leo lên vị trí cao hơn; Một người tham gia giao thông cố phóng nhanh, lượn lách để mong sao hơn người cùng tham gia giao thông dù chỉ một nửa bánh xe trước vạch sơn đèn đỏ; Một người chủ doanh nghiệp dù biết là phi lý, biết là sai luật nhưng vẫn chấp nhận đóng các khoản phí "bôi trơn", để được đi tắt, được giải quyết sớm... Tất cả các hành vi đó đều phạm luật, đi ngược lại với quy luật phát triển và cạnh tranh thiếu lành mạnh đang lên án và cần dẹp bỏ. Dân ta có câu: "Nhanh một phút, chậm một đời". Khó có thể đảm bảo rằng, người cán bộ, người tham gia giao thông, người chủ doanh nghiệp trên sẽ đứng đầu, về trước an toàn trong khi những hành vi đó đều phạm luật. Điều đó đồng nghĩa với việc rủi ro luôn kề cận và rất có thể không chỉ chậm mà còn mất luôn cả cuộc đời, cả sự nghiệp, trở thành gánh nặng cho xã hôi...

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ôn lại những mẩu chuyện về Bác, ngẫm cho cuộc sống hôm nay ta vẫn thấy còn nguyên giá trị.

Tiền Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất