(TCTG) - Mong muốn lớn nhất của Bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng cũng như đồng nghiệp, những người trực tiếp làm công tác trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, trong tương lai sẽ triển khai nhiều lĩnh vực chuyên sâu hơn nữa như: can thiệp mạch não, mạch thận, mạch chi, mạch các cơ quan khác… để nhân dân trong tỉnh có thể nhận được nhiều hơn nữa sự chăm sóc sức khỏe từ nền y tế tỉnh nhà.
Bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng sinh năm 1963, tại Tuy Phước, Bình Định. Từ những năm ngồi ghế nhà trường anh đã ước mơ làm nghề bác sĩ để đem kiến thức chữa bệnh nhân dân, nhất là những bệnh nhân nghèo ở quê hương. Ước mơ đã thành hiện thực; năm 1982 anh đậu Đại học Y Huế; Năm 1988 anh ra trường về công tác tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa; Năm 1994 anh thi đậu Bác sĩ Nội trú Pháp do Chính phủ Pháp tổ chức, nhờ vậy anh được du học tại Pháp từ năm 1994 đến 1995. Trong thời gian tu nghiệp, anh đã được tiếp thu những kiến thức tiên tiến của nước ngoài về hồi sức cấp cứu tim mạch và hô hấp, thường xuyên tiếp xúc với những máy móc hiện đại, tạo điều kiện nâng cao tay nghề của người bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Các giáo sư bác sĩ người Pháp tận tình chỉ bảo anh, người sinh viên Việt Nam đầy lòng nhiệt huyết, ham học hỏi, yêu nghề và có tấm lòng nhân hậu. Hết thời gian tu nghiệp, từ chối trước những lời đề nghị ở lại làm việc tại Pháp của các giáo sư, anh quyết tâm trở về quê hương, đem kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của mình đã học được để chăm sóc sức khỏe nhân dân, giành giật từng mạng sống của bệnh nhân với căn bệnh khó khăn, hiểm nghèo này.
Bác sĩ Thưởng cho biết, Khánh Hòa là một trong những tỉnh của khu vực Nam Trung bộ có đông dân số. Cùng với sự phát triển kinh tế, bệnh tim mạch cũng ngày càng nhiều hơn. Đây là xu hướng bệnh lý trên toàn cầu do áp lực của một cuộc sống ngày càng phát triển, áp lực công việc ngày càng nặng nề. Với số dân đông như vậy, hàng năm tỉnh Khánh Hòa có khá nhiều bệnh nhân bị bệnh lý tim mạch, trong đó bệnh lý mạch vành (hẹp lòng động mạch vành- động mạch cung cấp máu để nuôi cơ tim) cần can thiệp (chụp động mạch vành và can thiệp đặt stent (giá đỡ) để nong những nơi động mạch vành bị hẹp nặng >60%) và tỷ lệ tử vong do không được can thiệp là rất cao do bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Số bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên thì rất tốn kém và có thể để lại hậu quả bệnh lý nặng nề do đường quá xa, can thiệp muộn và nặng hơn nữa là tử vong.
Nhận thấy tầm quan trọng của sự phát triển tất yếu về lĩnh vực này đồng thời quyết tâm cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân bị bệnh tim mạch; năm 2005, được sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, Bác sĩ Thưởng và các đồng nghiệp được tổ chức thành Tổ can thiệp tim mạch (CTTM) và lên đường đi học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Bệnh viện Chợ Rẫy, đặc biệt là PGS-TS Võ Thành Nhân -Trưởng Khoa Tim Mạch Can Thiệp- Bác sĩ Thưởng và đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình trong học tập, không ngại ốm đau, thiếu thốn vật chất, không quản sớm khuya. Nhớ lại những năm thực hành gian khổ đó, Bác sĩ Thưởng vui vẻ kể: Để có thể chiếm được lòng tin của giáo sư hướng dẫn, đồng thời có thời gian thực tập một cách hiệu quả, anh và đồng nghiệp bỏ công tìm chỗ ở thật gần Bệnh viện Chợ Rẫy để sao cho cứ mỗi lần có ca bệnh cấp cứu, thì anh và đồng nghiệp có mặt một cách kịp thời để tham gia cùng các giáo sư phẫu thuật cứu sống bệnh nhân. Thời gian đầu Bác sĩ Thưởng còn phụ giúp giáo sư những ca mổ tim bình thường, sau này với tay nghề ngày càng thành thạo, cứu sống nhiều bệnh nhân, các giáo sư đã để Bác sĩ Thưởng và ê kíp của mình tự tiến hành ca mổ. Qua năm tháng miệt mài học hỏi, Bác sĩ Thưởng và các đồng nghiệp trong tổ đã trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, tay nghề nhất định; anh và đồng nghiệp được các giáo sư đánh giá rất cao và trở về trong sự mong đợi của nhân dân tỉnh nhà. Bác sĩ Thưởng cũng chân thành thổ lộ: “Một điều rất may mắn cho chúng tôi là được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ các cấp lãnh đạo trong toàn tỉnh. Chúng tôi đã được trang bị một phòng can thiệp tim mạch với một máy DSA (DSA là máy chụp mạch máu số hóa xóa nền, máy DSA giúp Bác sĩ có thể thấy được đường đi của các mạch máu từ đó có thể đưa các dụng cụ can thiệp qua mạch máu đến những nơi mình cần can thiệp) hiện đại rất đắt tiền hơn 22 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ, cứu chữa nhân dân”.
Là điển hình học tập và làm theo tấm gương của Bác của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng, hiện nay là Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bác sĩ Thưởng tâm sự: “Học và làm theo tấm gương của Bác chúng tôi luôn cống hiến hết mình cho khoa học, cho công tác khám và chữa bệnh. Mặc dù trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn về nhân lực cũng như vật chất nhưng chúng tôi vẫn luôn làm việc 24/24 giờ, bất kể ngày hay đêm, bất kể ngày thường hay ngày lễ, khi nào cần là chúng tôi có mặt ngay để cấp cứu bệnh nhân. Nhờ vậy, chúng tôi đã tạo được niềm tin yêu của nhân dân trong tỉnh nhà cũng như các tỉnh lân cận. Cụ thể, những năm trước đây khi chưa có đội ngũ y bác sĩ và máy móc phục vụ phẫu thuật tim tại tỉnh, nếu bệnh nhân phải đi thành phố Hồ Chí Minh điều trị bệnh tim trong trường hợp có Bảo hiểm y tế, một ca nhồi máu cơ tim được can thiệp (có nghĩa là được đặt ”stent”, là giá đỡ đặt vào bên trong mạch máu nuôi cơ tim để nong và làm rộng lòng mạch máu bị hẹp và tắc), bệnh nhân phải trả thêm khoảng 15 triệu đối với loại stent thường hoặc 35 triệu đối với loại stent tẩm thuốc chống tái hẹp; chi phí đi lại, chờ đợi, thăm nuôi khoảng 10-20 triệu; khả năng tử vong trên đường chuyển viện khá cao. Do thời gian chuyển viện khá dài nên mất ” thời gian vàng” (từ 6 đến 12 giờ) để cứu sống cơ tim nên nếu điều trị thành công cũng rất dễ bị suy tim sau này, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu bệnh nhân được can thiệp tại Bệnh viện Khánh Hòa, trường hợp có Bảo hiểm y tế, thì một ca nhồi máu cơ tim được can thiệp (đặt stent) bệnh nhân phải trả thêm khoảng 5 triệu đối với loại stent thường hoặc 25 triệu đối với loại stent tẩm thuốc chống tái hẹp; không có chi phí đi lại chờ đợi thăm nuôi. Xác xuất thành công rất cao 90-95%; không chuyển viện nên không mất ” thời gian vàng” để cứu sống cơ tim nên kết quả điều trị rất tốt không để lại di chứng, bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường sau điều trị. Như vậy một ca can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Khánh Hòa đã giúp đỡ bệnh nhân tim về mặt kinh tế có lợi từ 25 đến 35 triệu đồng, đồng thời về mặt điều trị đạt hiệu quả hơn rất nhiều. Anh cũng cho biết, với thiết bị hiện đại đã được hỗ trợ, những bệnh nhân nghèo ở Khánh Hòa như ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh, Ninh Hòa ... với kinh phí khoảng 5 triệu đồng có thể thực hiện được một ca mổ tim mà không phải bị chết vì không có tiền chữa chạy. Ngoài ra cũng có những trường hợp bệnh nhân từ các địa phương khác chuyển đến như Đà Nẳng, Bình Định, Phú Yên, Đắc Lắc, Lâm Đồng... để nhờ sự cộng tác điều trị của đội ngũ bác sĩ phẩu thuật tim của tỉnh Khánh Hòa. Trong hơn một năm qua, Bác sĩ Thưởng và các đồng nghiệp đã làm thủ thuật hơn 500 ca (500 bệnh nhân), trong đó can thiệp điều trị bệnh mạch vành hơn 300 ca, can thiệp cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp hơn 100 cas, can thiệp tim bẩm sinh hơn 10 ca, trong đó bệnh nhân ngoài tỉnh trên 10 ca.
Bác sĩ Thưởng chia sẻ về những bất cập trong thực hiện chính sách, chế độ cho y bác sĩ trong những trường hợp phẫu thuật nguy hiểm. Nhiều khó khăn mà các anh phải đối mặt, trong đó có vấn đề nhân lực. Ê kíp phẫu thuật gồm 8 người nhưng lại không có êkíp thứ 2 để thay thế những lúc cần được nghỉ ngơi. Vì vậy, có những lúc anh và đồng nghiệp đã phải đứng làm can thiệp cả ngày lẫn đêm. Tuy vậy, niềm vui lớn nhất của anh chính là can thiệp điều trị rất hiệu quả và đã cứu sống được nhiều bệnh nhân kịp thời. Bên cạnh đó, các anh được các Giáo sư, chuyên gia tim mạch hàng đầu trong nước và quốc tế từ các nước Nhật, Pháp, Đức, Mỹ ... giúp đỡ về mặt chuyên môn cũng như vật chất, trang bị các dụng cụ can thiệp tim mạch rất đắt tiền, góp phần điều trị thành công nhiều bệnh nhân nghèo nguy kịch.
Chia tay chúng tôi, Bác sĩ Thưởng trở về với công việc thầm lặng mà gian khổ của người bác sĩ phẫu thuật, nắm trong tay những vận mệnh sống của bệnh nhân. Mong muốn lớn nhất của Bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng cũng như đồng nghiệp, những người trực tiếp làm công tác trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, trong tương lai sẽ triển khai nhiều lĩnh vực chuyên sâu hơn nữa như: can thiệp mạch não, mạch thận, mạch chi, mạch các cơ quan khác… để nhân dân trong tỉnh có thể nhận được nhiều hơn nữa sự chăm sóc sức khỏe từ nền y tế tỉnh nhà.
Cùng tin tưởng rằng, bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng và đồng nghiệp sẽ vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt hơn những lời dạy của Bác, góp phần xây dựng ngành y tế tỉnh “hiện đại, hiệu quả, phát triển và công bằng”, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh mà Bác Hồ hằng mong đợi.
Xuân Phương