Thứ Năm, 28/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 11/11/2010 8:8'(GMT+7)

Bài học cho những kẻ ngông cuồng và ảo tưởng

Cù Huy Hà Vũ bị bắt vì hành vi chống phá Nhà nước.

Cù Huy Hà Vũ bị bắt vì hành vi chống phá Nhà nước.

Liên tục phát ngôn và hành động ngang ngược, ngông cuồng, chiều 5-11, Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt về hành vi vi phạm pháp luật “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ luật Hình sự”.

Theo cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, Cù Huy Hà Vũ đã làm ra nhiều tài liệu chống phá Nhà nước, phỉ báng chính quyền, tuyên truyền kích động nhân dân, công khai đòi lật đổ chế độ, đòi đa nguyên đa đảng, kêu gọi nước ngoài can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Những luận điệu ấy thể hiện qua tài liệu: “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30-4 dưới mắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”, đề ngày 1-5-2010; tài liệu: “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa” đề ngày 30-8-2010; tài liệu: “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ- đa đảng hay là chết”, đề ngày 11-9-2010; tài liệu “Cáo trạng xác nhận chế độ đa đảng”, đề ngày 17-1-2010.

Không chỉ vậy, Cù Huy Hà Vũ còn công khai móc nối quan hệ với những đối tượng có tư tưởng chống đối Nhà nước và các thế lực thù địch chống Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện hơn 20 cuộc trả lời phỏng vấn đài, báo có tư tưởng phản động chống Việt Nam. Vũ còn là cầu nối chuyển tải tài liệu và tư tưởng chống đối về Việt Nam, cần mẫn “cõng rắn cắn gà nhà”.

Trong nước, trước những khó khăn về tình hình kinh tế-xã hội, thiên tai hoành hành… Vũ thường lợi dụng vào đó để bịa đặt, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước, kích động và vận động nhân dân chống đối chính quyền, xúc phạm danh dự cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Những hành vi đó thể hiện qua tài liệu: “Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Dự án tham nhũng”; “Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ về hành vi ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và pháp luật”; “Đơn khiếu kiện Thủ tướng do đã ban hành trái pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg phê duyệt phân vùng khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007- 2015”… và hàng loạt đơn kiện khác. Cù Huy Hà Vũ không ngần ngại kiện bất kỳ ai, có những đơn kiện của Vũ hình như không phải để thắng kiện, mà để nổi danh, để khác người, làm nhiều người rơi nước mắt xót thương cho tình người, xót thương cho đạo lý, khi người cả gan đứng tên kiện là một tiến sĩ!

Cùng với hay kiện, Vũ còn hay thể hiện “cơ bắp” với người khác. Năm 1986, Vũ đã bị Công an Ba Đình (Hà Nội) khởi tố về hành vi đánh người gây thương tích. Và ngay hôm 5-11-2010, khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ, ông tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cũng bất hợp tác, muốn giải quyết gọn bằng sức mạnh cơ bắp!...

Cù Huy Hà Vũ có một hệ thống bằng cấp ít người có được và một lý lịch gia đình, quê hương thật đáng trân trọng và tự hào. Vũ sinh năm 1957, trong một gia đình danh giá, đó là điều kiện tốt để Vũ được học nhiều, trở thành tiến sĩ luật học, thạc sĩ văn chương, họa sĩ. Vũ là con trai nhà thơ Huy Cận và là con nuôi nhà thơ Xuân Diệu. Mẹ Vũ là Ngô Thị Xuân Như, thuộc dòng họ Ngô Đức Kế (Can Lộc, Hà Tĩnh). Thật đau xót, Vũ đã quyết liệt đi ngược lại với truyền thống quê hương và gia đình cách mạng ấy.

Điều nhiều người quan tâm là vì sao một con người có nhân thân tốt như thế lại ra nông nỗi vậy? Theo dõi các hành động của Vũ, xem các bài báo Vũ viết trên các trang điện tử thì thấy rõ Vũ là người ngông cuồng, nghĩ rằng mình đứng trên mọi người, đứng trên pháp luật, Vũ cho rằng xã hội u mê cả, mình Vũ tỉnh. Vũ cho rằng với những tấm bằng cấp ấy, với những bài trả lời phỏng vấn nóng bỏng sự phỉ báng và chì chiết chính quyền ấy, Vũ đã là một thiên tài, Vũ phải làm chức này chức nọ mới xứng. Vì vậy, năm 2006, Vũ nộp đơn ứng cử Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin. Ngày ấy, đại diện Quốc hội và Bộ Tư pháp khẳng định việc tự ứng cử vào cơ quan hành pháp không có trong luật; Chỉ có Thủ tướng mới có quyền chỉ định các thành viên Chính phủ để Quốc hội thông qua. Vũ trở nên nổi tiếng. Vũ lại ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng lại bất thành, vì ngay ở tổ dân phố nơi Vũ sống, không ai đồng ý. Quẫn bách, Vũ cuồng say chống phá Đảng và Nhà nước ta. Vũ yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thiết nghĩ, từng ấy dòng lý lịch cũng đủ vẽ nên chân dung một con người: Có học, say mê quyền lực, nhưng không tìm một con đường đi đến quyền lực bằng sự dấn thân cống hiến ích nước lợi dân, mà là… đòi. Đòi không được thì khùng và kiện, và quay lưng với đất nước.

Vũ là người học nhiều, nhưng lạ thay, các luận điểm về chính trị của anh ta rất nông nổi, cảm tính. Một luận điểm được các thế lực thù địch với Đảng Cộng sản Việt Nam tung hô, hả hê, cho Vũ lên bậc thiên tài là: “Ngày xưa các cụ nhà ta suốt mấy nghìn năm lịch sử có đảng đâu, sao vẫn giữ được nước?” Nghe luận điểm này, những người chưa bao giờ nghiên cứu chính trị sẽ tâm đắc, cho đó là phát minh của Vũ. Nói thế, Vũ cố tình lờ đi, hay thực sự không thấy thế giới ngày nay không nền chính trị nào không có đảng chính trị làm ngọn cờ tiên phong, nếu không là đảng này, ắt là đảng khác dẫn dắt dân tộc. Chỉ khác nhau là, đảng tiến bộ và cách mạng lãnh đạo thì xã hội ổn định, đất nước phát triển, trong khó khăn vẫn tìm được lối thoát cho cả dân tộc; ngược lại, nếu đảng hỏng, đảng sai lầm thì đất nước lầm than, tao loạn. Người thông minh như Vũ chắc không khó hiểu vì sao đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam biết bao anh hùng hào kiệt xuất lộ cứu đời, cứu nước mà thất bại như Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học…? Lịch sử đã trả lời minh bạch, vì họ có thừa lòng yêu nước và có thừa dũng khí nhưng thiếu một chủ nghĩa, thiếu một con đường đúng đắn để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đảng Cộng sản Việt Nam chính là những người yêu nước Việt Nam tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lê-nin, đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong bối cảnh hiện nay chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam chân chính mới đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Vậy nhưng Vũ cố tình phớt lờ sự thật, căm giận Đảng, căm giận chính quyền, tấn công vào danh dự và niềm tự hào của cha ông mình.

Động cơ nào vậy? Cù Huy Hà Vũ đã thể hiện rõ một động cơ cá nhân tham vọng quyền lực. Vũ hy vọng những việc làm của Vũ sẽ đạt mục đích lật đổ chế độ này, và sau đó Vũ nhảy lên ngôi cao?! Đó là một ảo tưởng đáng thương hại cho Vũ. Người xưa đã tổng kết con đường của các bậc anh hùng trong thiên hạ là: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Với Vũ, “tu thân” được một phần là học hành, nhưng trong một con người luôn cần có tài và đức. Cái đức của Vũ còn thiếu nhiều, khi anh ta đánh đập, kiện tụng những người trong gia đình, sống buông thả. Đó cũng là cái gốc để Vũ không thể “tề gia” theo đúng nghĩa một người chồng, một chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Đối với xã hội, ngay một tổ dân phố nơi Vũ sống cũng không thể biểu quyết để Vũ đại diện cho quyền lợi của họ, thì Vũ có thể làm được gì trên chính trường đây? Mất gốc rồi, tổ dân phố cũng không chấp nhận thì làm sao Vũ cứ đòi làm to được?! Nhân dân tinh lắm. Những người như Vũ càng phỉ báng Đảng và Nhà nước thì như một phản xạ tự nhiên, nhân dân càng thấy trách nhiệm phải bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước của mình.

Vậy là sau một thời gian dài chống phá Đảng và Nhà nước bằng những chiêu bài thô thiển núp trong cái áo choàng sang trọng “Tiến sĩ luật”, Cù Huy Hà Vũ ngông cuồng đã sa vòng pháp luật. Đây là một bài học làm người với Vũ và với cả những ai còn ảo tưởng về Vũ./.

(Theo: Xuân Bằng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất