Thực tiễn lịch sử phong trào cộng sản trên thế giới cho thấy: Một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng là việc chính đảng cầm quyền có tôn trọng, quan tâm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân hay không. Nhận thức và thấm nhuần sâu sắc điều này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam suốt 80 năm qua, Đảng ta luôn xác định: Quần chúng nhân dân là chủ nhân chân chính của lịch sử và là người làm nên lịch sử.
Vì vậy, thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, Đảng ta không ngừng chăm lo xây dựng, mở rộng, tăng cường và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Biểu hiện tập trung của cơ chế này chính là việc thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Nhờ việc thực hiện tốt quy chế này mà Đảng ta đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn và giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Kế thừa và phát triển thành quả lý luận sau 25 năm đổi mới, dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân bầu ra và các hình thức dân chủ trực tiếp. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”.
Cụ thể hóa định hướng trên, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Đảng ta xác định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Để góp phần hoàn thiện nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở, tôi đề nghị bổ sung quyền “giám sát” của nhân dân vào phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thành phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra”.
Tôi xin được nêu 6 nguyên nhân cho thấy sự cần thiết của việc bổ sung này.
Thứ nhất: Trong nhiều văn kiện, nghị quyết, Đảng ta đều nhấn mạnh vai trò giám sát của nhân dân đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đảng chỉ rõ: “Nhà nước có mối liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân (1). Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng (1-1994) khẳng định cụ thể hơn: “Nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân” (2). Văn kiện Đại hội IX của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Nâng cao việc giám sát của công dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước” (3). Đại hội X của Đảng đã bổ sung: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân” (4); và: “Hoàn thiện cơ chế dân chủ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và cơ quan công quyền” (5).
Không chỉ có vậy, trong những vấn đề cốt yếu nhất về Đảng và xây dựng Đảng, Điều lệ Đảng các khóa VIII, IX, X đều khẳng định nhất quán: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Thứ hai: Trong một số bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề cập đến tầm quan trọng của công tác giám sát nói chung, hoạt động giám sát của nhân dân nói riêng. Người nói: “Kiểm soát (*) khéo bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết”. Bên cạnh việc phát huy vai trò đôn đốc, kiểm soát của các tổ chức đảng, Bác lưu ý các cấp lãnh đạo và đảng viên phải khơi dậy, khai thác sức mạnh của quần chúng trong việc giám sát. Người cho rằng: “Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra”, đồng thời muốn giám sát có hiệu quả thì phải: “Làm từ dưới lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sai lầm đó”. Theo Bác, việc động viên, khuyến khích nhân dân tham gia kiểm soát, đôn đốc, giám sát mọi công việc của Đảng là thiết thực góp phần nâng cao dân trí, “mở rộng dân quyền”, qua đó thường xuyên củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Thứ ba: Trong Nghị định 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ về “Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã”, chương V có tiêu đề: “Những việc nhân dân giám sát, kiểm tra”. Chương này quy định 11 việc mà nhân dân được quyền giám sát, kiểm tra (Điều 12) và 5 phương thức thực hiện những việc nhân dân giám sát, kiểm tra (Điều 13). Như vậy, quyền giám sát đã gắn liền với quyền kiểm tra của nhân dân được khẳng định dứt khoát và thể hiện rất chi tiết, rõ ràng ở Nghị định quan trọng này của Chính phủ.
Thứ tư: Như dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 đã nêu: “Không tổ chức hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường” và: “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nhấn mạnh: “Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”; và: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”.
Để thực hiện tốt chủ trương này, cùng với việc tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, nhất thiết phải coi trọng, đề cao vai trò giám sát của các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân ở xã, phường, thị trấn và các đơn vị cơ sở. Tăng cường và trao quyền giám sát cho nhân dân là trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng cơ sở chính trị vững mạnh, qua đó góp phần xây dựng tổ chức đảng, bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động vì dân và mang lại lợi ích tối đa cho nhân dân.
Thứ năm: Xét về lô-gích của vấn đề, phải đảm bảo 5 yếu tố “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra” thì nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở mới hoàn thiện. Người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra là rất cần thiết, song chưa toàn diện, mà người dân còn phải được giám sát. Có quyền giám sát, thì quyền kiểm tra mới có giá trị và vai trò làm chủ của người dân mới được tôn trọng và phát huy trong thực tế. Cũng có thể nói rằng, quyền giám sát chính là “nhịp cầu gắn kết” giữa quyền được biết, được bàn, được làm và quyền được kiểm tra. Nếu thiếu nó, giá trị dân chủ chưa tổng thể và vị trí là chủ và làm chủ của người dân không được thực hiện đến nơi đến chốn.
Thứ sáu: Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tình hình tham nhũng, lãng phí và một bộ phận cán bộ, công chức sống xa dân, quan liêu, cửa quyền… vẫn là một trong những vấn đề xã hội nhức nhối và gây bức xúc trong dư luận. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này là nhiều nơi chưa coi trọng vai trò giám sát của nhân dân. Do vậy, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia giám sát hoạt động của bộ máy đảng, chính quyền và giám sát cán bộ, công chức là một trong những biện pháp ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có hiệu quả. Vì kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, người dân càng giám sát chặt chẽ bao nhiêu, nguy cơ sai phạm của bộ máy công quyền và đội ngũ cán bộ, công chức càng bị hạn chế, đẩy lùi bấy nhiêu.
Coi trọng và phát huy vai trò giám sát của nhân dân càng trở nên cấp thiết vì trong xã hội hiện đại và tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tinh thần dân chủ được coi trọng, đề cao nên người dân càng phải được tạo điều kiện tham gia quản lý xã hội, giám sát mọi mặt hoạt động của bộ máy công quyền. Đó là đòi hỏi tất yếu để xây dựng Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là “công bộc, đầy tớ” trung thành, tận tụy của nhân dân.
Mặt khác, ngành Kiểm tra của Đảng và Thanh tra của Chính phủ chỉ thực sự mạnh mẽ khi biết khơi dậy và phát huy vai trò, sức mạnh giám sát của các tầng lớp nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi. Không phải ngẫu nhiên mà trong Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhiệm kỳ 2006-2010 tổ chức cuối tháng 9-2010, khi đề cập đến 5 nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh: Đi đôi với việc mở rộng thực hiện nhiệm vụ giám sát trong Đảng, cần hết sức chú trọng phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và đảng viên có hiệu quả.
Như vậy, từ quan điểm, chủ trương của Đảng đến thực tiễn cuộc sống đều khẳng định: Giám sát là một trong những quyền cơ bản của công dân dưới chế độ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Tất nhiên, muốn hoạt động giám sát của nhân dân có hiệu quả thiết thực, cần phải đề ra cơ chế, quy định giám sát rõ ràng, cụ thể để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, phạm vi, nội dung giám sát của mình.
Coi trọng, thực hiện quyền giám sát của nhân dân không những góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, mà còn tạo động lực giúp dân vươn lên và thể hiện vai trò làm chủ của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hải
____________________________________
Chú thích:
- Những từ in đậm là do người viết nhấn mạnh.
(1), (2), (3): Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, trang 328, 433, 848.
(4), (5): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 128,129.
(*): Bác Hồ dùng từ “kiểm soát” ở đây cũng mang hàm ý như từ “giám sát”
(Nguồn: Cổng TTĐTCP)