Vấn đề quy hoạch trở nên nóng bỏng tại diễn đàn Quốc hội khi các đại biểu đề cập tình trạng thiếu điện trầm trọng, “bội thực” thép và xi măng và các dự án “treo” hàng chục năm. Các trận lũ kinh hoàng vừa diễn ra tại miền Trung gây hậu quả nghiêm trọng cũng có nguyên nhân quan trọng là công tác quy hoạch thiếu “tầm nhìn xa”. Bên cạnh đó dư âm của "phong trào" mía đường, cảng biển, khu công nghiệp, sân bay, sân gôn… tại các địa phương.
Quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều nước đã phải trả giá rất đắt cho việc quy hoạch rời rạc, chắp vá, thiếu liên kết, kém bền vững, không hiệu quả, gây lãng phí về cơ hội, tài nguyên, đất đai, vốn đầu tư và nguồn nhân lực.
nước ta, trong những năm gần đây, công tác quy hoạch cũng đã được chú trọng, các cơ quan làm quy hoạch, viện nghiên cứu quy hoạch có bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, do quy hoạch của chúng ta thiếu tính dự báo dài hạn nên đã thường xuyên điều chỉnh, đến mức khó có thể gọi là đó là quy hoạch. Chỉ trong vòng 12 năm Bộ Xây dựng đã phải trình Thủ tướng Chính phủ nhiều lần điều chỉnh quy hoạch ngành xi măng. Thế nhưng, với 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất thiết kế khoảng 65 triệu tấn/năm thì năm 2010 này, cung xi măng đã vượt cầu khoảng 3 triệu tấn và năm 2011 là 7 triệu tấn. Ngành thép cũng đang bị bội thực do các địa phương “xé rào quy hoạch”. Trong 65 dự án sản xuất thép có tới 32 dự án được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư song chưa được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng hoặc ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương. Đến nay tổng công suất thép cả nước đã lên tới hơn 20 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 11,5 triệu tấn. Trong khi ngành điện đang phải đau đầu vì nhu cầu tiêu dùng điện quá cao, trong đó có lượng điện khá lớn phải chuyển sang phục vụ ngành thép và xi măng. Mặt khác quy hoạch ngành điện cũng đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ do thiếu than. Có một nghịch lý là chúng ta xuất khẩu than nhưng lại phải nhập khẩu điện do đốt than mà có. Dự báo năm nay sẽ xuất khẩu 18 triệu tấn than, nhưng chỉ vài năm nữa thôi, mỗi năm dự kiến chúng ta sẽ phải nhập khẩu đến gần chục triệu tấn than…
Tại các phiên thảo luận về kinh tế-xã hội của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Trước hết là phải chấn chỉnh ngay những dự án sai quy hoạch, ngoài quy hoạch và lách quy hoạch.
Đã đến lúc phải thành lập một cơ quan của Nhà nước chuyên làm công tác quy hoạch. Cơ quan này cần có đủ quyền hạn và đủ năng lực để xây dựng quy hoạch chung của quốc gia, thẩm định được quy hoạch của từng ngành, từng địa phương trong cả nước. Để bảo đảm hành lang pháp lý cho cơ quan nói trên hoạt động hiệu quả, cần phải xây dựng một luật về quy hoạch, trong đó có những chế tài cụ thể về việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, xử lý những sai phạm khi làm trái quy hoạch.
Trước mắt, để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, Chính phủ cần ban hành ngay quy trình quy hoạch, trong đó có những quy định cụ thể về công tác điều tra khảo sát; xây dựng đội ngũ làm công tác quy hoạch và đội ngũ làm công tác thẩm định, phản biện khách quan, công tâm, không bị chi phối bởi nhóm lợi ích hoặc lợi ích trước mắt của ngành, của địa phương mình. Điều quan trọng là phải công khai minh bạch các quy hoạch để nhân dân và các tổ chức theo dõi, giám sát.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực chuẩn bị cho chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020 và kế hoạch phát triển đến năm 2015. Để thực hiện chiến lược và kế hoạch này, công tác quy hoạch cần đi trước một bước. Trước hết là phải quy hoạch ngay đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch./.
(Theo: Đỗ Phú Thọ/QĐND)