Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, mặc dù biết rằng sẽ rất khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy. Lúc đó có người khuyên anh không nên đi và hỏi nếu đi ra nước ngoài thì sống thế nào? Nguyễn Tất Thành đã xòe hai bàn tay ra và nói: Đây, sẽ sống bằng chính cái này! Điều đó đã cho thấy nghị lực và ý chí quyết tâm của Người ngay từ buổi đầu của hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân.
Rời bến Nhà Rồng, Người xuống làm phụ bếp trên con tàu của Pháp với một tên mới là Ba. Hàng ngày, anh Ba phải làm việc từ 4 giờ sáng, công việc vất vả suốt cả ngày, đến 9 giờ tối mới xong. Sau khi làm xong mọi việc, anh tranh thủ học tập, đọc hoặc viết đến 11, 12 giờ đêm mới nghỉ, để 4 giờ sáng hôm sau lại bắt tay vào những công việc của một ngày mới. Sau một tháng lênh đênh trên biển, ngày 6/7/1911, tàu cập cảng Mác-xây, một thành phố lớn của nước Pháp. Anh ngạc nhiên thấy ở Pháp cũng có những người nghèo khổ như ở nước mình.
Đầu năm 1912, Nguyễn Tất Thành từ Pháp qua châu Phi sau đó sang Mỹ, tại đây anh có dịp hiểu rõ được cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng. Giữa năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ để sang Anh, mới đầu anh xin làm chân quét tuyết cho một trường học, sau đó làm đốt lò ở trung tâm sưởi ấm của thành phố Luân Đôn. Đây là một công việc rất nặng nhọc, trong hầm hết sức nóng, ngoài trời vô cùng lạnh nhưng anh không có đủ quần áo ấm để mặc. Với số tiền ít ỏi dành dụm được, không đủ trang trải cho cuộc sống nên anh phải đến làm thuê cho một khách sạn, với những công việc như rửa nồi, chảo, bát đĩa và phụ bếp. Anh vừa lao động vừa học tập và tham gia Hội những người lao động hải ngoại ở Luân Đôn.
Những năm tháng làm việc vô cùng vất vả ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích luỹ thêm được những hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư bản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa; đồng thời tự trang bị cho mình một trình độ kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh - một công cụ giao tiếp rất quan trọng trong sinh hoạt và đấu tranh chính trị.
Giữa năm 1916, Nguyễn Tất Thành quay trở lại nước Pháp và hoà mình với quần chúng lao động nghèo giữa thành phố Pa-ri tráng lệ, sau đó gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Ở Pa-ri, Nguyễn Ái Quốc sống chủ yếu bằng nghề in phóng ảnh, do việc làm không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn nên phải nhận thêm việc vẽ quạt, lọ hoa và chao đèn. Từ khi gửi "Bản yêu sách tám điểm" tới Hội nghị Véc-xây thì sự tìm kiếm việc làm của anh càng khó khăn, nên khi có bất cứ việc gì kiếm được tiền anh đều phải tranh thủ làm và hết sức tiết kiệm chi tiêu để đề phòng những lúc thất nghiệp hay ốm đau. Anh ăn uống rất tằn tiện; về mùa đông giá lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, anh để viên gạch vào cạnh lò bếp, chiều về lấy ra bọc vào trong những tờ báo cũ để xuống giường nằm cho đỡ rét.
Tháng 7/1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô. Sau đó, Người sang Quảng Châu bắt liên lạc với nhóm trung kiên để xây dựng các tổ chức cách mạng. Hoạt động ở Trung Quốc được gần ba năm, Nguyễn Ái Quốc quay trở lại Mát-xcơ-va, sau đó bí mật trở lại Pháp và một số nước khác.
Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm đến Hương Cảng để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cảnh sát Anh, Pháp ráo riết truy tìm Nguyễn Ái Quốc. Ngày 6/6, cảnh sát Anh bắt được Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông và đưa về giam giữ tại nhà tù Vích-to-ri-a. Bị kẻ thù giam cầm hơn một năm, trong điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn nên sức khoẻ của Nguyễn Ái Quốc ngày càng suy giảm, bệnh tình tái phát. Song, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Luật sư Lô-dơ-bai, kẻ địch buộc phải trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc.
Từ Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc trở lại Mát-xcơ-va để tham gia các hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1938, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục bí mật trở lại Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức đảng ở hải ngoại và tìm đường về nước để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 28/1/1941, khi sương mù còn phủ dày đặc trên các đỉnh núi, Nguyễn Ái Quốc đã rời Nậm Quang - Trung Quốc lên đường về nước. Giây phút đầu tiên đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc, xiết bao cảm động với người con đã bao năm xa nước. Phút giây đó, sau này Người kể lại: "Xa Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao thời gian và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động" (1).
Trở về Tổ quốc sau hơn 30 năm xa cách, Bác lại cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng tiếp tục vượt qua những khó khăn thử thách mới để chèo lái con thuyền cách mạng tiến lên. Tuy nhiên, tình hình cách mạng lúc này có những bước phát triển mới đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế để chống đế quốc. Vì vậy, ngày 13/8/1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên mới là Hồ Chí Minh lại lên đường đi Trung Quốc. Sau 15 ngày đi bộ trên đất Quảng Tây, ngày 27/8/1942, Người bị nhà đương cục Tĩnh Tây bắt giam, kẻ địch đã đối xử hết sức tàn bạo với Người, có những lúc cái chết cận kề nhưng Người vẫn bình tĩnh tự tin vào lý tưởng và con đường cứu dân, cứu nước mà mình đã chọn. Một lần nữa sức mạnh của nghị lực, ý chí quyết tâm đã giúp Người đạp bằng mọi hiểm nguy, mưu trí đấu tranh thoát khỏi được nanh vuốt của kẻ thù để trở về với đồng chí, đồng bào, lãnh đạo cách mạng tiến lên giành thắng lợi.
Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đã để lại cho chúng ta, nhất là thanh niên Việt Nam những bài học quý giá về nghị lực và ý chí quyết tâm trong hành trình tìm đường cứu nước.
Bằng chính sự trải nghiệm của mình, Người hiểu rất rõ vai trò và sức mạnh của thanh niên. Người chỉ rõ: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình" (2).
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo giáo dục, đào tạo các thế hệ thanh niên Việt Nam ngày càng phát triển trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Hiện nay trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đại đa số thanh niên nước nhà đã và đang nắm bắt được thời cơ vận hội, chủ động vượt qua mọi khó khăn thử thách, ra sức học tập, rèn luyện phấn đấu vươn lên, cống hiến cho đất nước. Song, cũng còn một bộ phận không nhỏ thanh niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, ngại khó khăn gian khổ, thiếu nghị lực và ý chí phấn đấu vươn lên, bị tiêm nhiễm bởi văn hoá độc hại của phương Tây, chạy theo vật chất tầm thường, sống ích kỷ hẹp hòi, chỉ đòi hỏi được hưởng thụ mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, với non sông đất nước. Để khắc phục tình trạng đó và phát huy ngày càng tốt hơn vai trò xung kích của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp cần tiếp tục quan tâm chăm lo giáo dục, nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên, trong đó cần tập trung làm tốt một số nội dung, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, các cấp cần tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác thanh niên cũng như giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Bởi, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc, là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, đề cao vai trò của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc.
Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, còn biểu hiện xem nhẹ công tác thanh niên, nhất là ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị kinh tế tư nhân. Để khắc phục tình trạng đó và từng bước "hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh CHN, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN" (3), các cấp cần phải "đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống…" (4) cho thanh niên. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội, mà trước hết là của cấp uỷ đảng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu rèn luyện của chính mỗi đoàn viên, thanh niên.
Hai là, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên thông qua các phong trào hoạt động, gắn với đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là đòi hỏi khách quan, là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, thanh niên Việt Nam đã phát huy tốt vai trò xung kích. Từ những Thanh niên cứu quốc, đến phong trào thanh niên Ba sẵn sàng, Năm xung phong; Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác; Thanh niên quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh bộ đội Cụ Hồ... Đó chính là những môi trường tốt để tập hợp, động viên, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến các phong trào hoạt động của thanh niên, chưa tạo môi trường thuận lợi cho tuổi trẻ vui chơi giải trí, để thông qua đó định hướng tư tưởng và hành động cho thanh niên.
Khẳng định vai trò của môi trường vui chơi giải trí lành mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Trong vui chơi cũng có giáo dục, cần có những thú vui chơi văn hoá, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng" (5). Vì vậy, các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt các phong trào và hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh của thanh niên, nhất là khi điều kiện đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao. Đồng thời, trong tình hình hiện nay, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên phải gắn với đẩy mạnh triển khai thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Bởi, lý tưởng cách mạng là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Kết quả thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chính là thước đo sự giác ngộ lý tưởng cách mạng của thanh niên, đồng thời trách nhiệm của thanh niên là phải xung kích đi đầu trong triển khai thực hiện, qua đó rèn luyện có được nghị lực, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đảng và Nhà nước ta đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ, song cũng đòi hỏi "Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn gian khổ để tiến mãi không ngừng" (6). Tương lai của đất nước, của dân tộc đang nằm trong tay thế hệ trẻ. Chúng ta có thể vượt ra khỏi đói nghèo để trở thành quốc gia giàu có, phát triển về mọi mặt được hay không? Tất cả đang trông chờ vào ý chí, nghị lực, bản lĩnh, hành động và việc làm của tuổi trẻ; phụ thuộc vào sự quan tâm giáo dục, đào tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để họ có thể hiểu rõ hơn ai hết: "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào" (7).
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bảo đảm tính toàn diện, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn. Trong những năm qua, Đảng, nhà nước và các tổ chức đoàn đã từng bước cụ thể hoá nội dung giáo dục phù hợp với sự vận động phát triển của nhiệm vụ cách mạng, với từng lĩnh vực, đối tượng cụ thể, vì thế chất lượng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, trước sự phát triển mau lẹ của tình hình thế giới, khu vực, trong nước; sự phát triển của khoa học - công nghệ; đặc biệt, trước những âm mưu thủ đoạn thâm độc trong chiến lược "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, thì việc tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên đang đặt ra cấp thiết. Để làm sao cho tuổi trẻ dễ tiếp thu, không cảm thấy máy móc, trừu tượng hoặc “công thức” hoá, gắn được lý luận với thực tiễn và định hướng hành động cho tuổi trẻ, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc tính Đảng.
Nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng không chỉ là xây dựng cho thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; phát huy tinh thần yêu nước và chế độ, mà còn có phẩm chất đạo đức lối sống trong sạch lành mạnh; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tức là phải trên cơ sở giáo dục toàn diện, khẳng định điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Trong giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất" (8).
Phải gắn đổi mới nội dung với đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục để đạt hiệu quả cao nhất. Phải đa dạng hoá hơn nữa hình thức, phương pháp giáo dục thông qua các hoạt động xã hội, hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh của thanh niên. Cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động và có các cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm động viên thanh niên học tập phấn đấu vươn lên. Phải phát huy tốt vai trò trách nhiệm và sự nêu gương của các thế hệ đi trước để thông qua đó giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Thế hệ đi trước phải vững tin ở tuổi trẻ, thế hệ trẻ phải luôn biết ơn và khiêm tốn học tập các thế hệ đi trước, để tất cả "Những người cộng sản chúng ta không được một phút nào quên được lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho CNXH hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới" (9).
Phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp thực sự trong sạch vững mạnh về mọi mặt, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào hoạt động của tuổi trẻ. Đồng thời phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn các cấp đối với công tác thanh niên. Khẳng định điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Trung ương Đoàn cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên" (10).Như vậy chắc chắn các thế hệ thanh niên nước ta sẽ vững bước tiến lên, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của cha anh trong thời kỳ mới.
Chúng ta vô cùng tự hào về Người. "Chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta", để chúng ta có được như ngày hôm nay. Trong bối cảnh của thời đại hội nhập và phát triển, thanh niên nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới để phát triển phấn đấu vươn lên, đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài học về nghị lực và ý chí quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước vẫn còn nguyên giá trị đối với tuổi trẻ Việt Nam hôm nay. Bài học ấy nhắc nhở tuổi trẻ rằng, để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, còn phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đòi hỏi thanh niên phải phát huy tốt vai trò xung kích, ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; có được nghị lực và ý chí quyết tâm, không ngừng nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, để "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên"; hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của tuổi trẻ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Phạm Thắng
_______________________
(1) Tiểu sử Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 270.
(2), (7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 4, tr.185, 65.
(3), (4) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI - Báo Nhân dân, ngày 19/3/2011.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 3, tr. 75.
(6), (10) Sđd, tập 5, tr. 112, 114.
(8) Sđd, tập 10, tr. 306.
(9) Sđd, tập 7, tr. 445.