Tình người chiến sĩ biên phòng
Tỉnh Gia Lai có 90 km đường biên giới giáp với tỉnh bạn Cam-pu-chia, trải dài trên địa bàn bảy xã thuộc ba huyện Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai, với hơn 5000 hộ dân sinh sống, trong đó chiếm đến 90% là đồng bào Gia Rai.
Bây giờ, đường lên xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông) nay đã khác xưa lắm rồi! Con đường dài 60 km đã được rải cấp phối, hai bên đường nhà dân hầu hết đã xây gạch, lợp ngói hoặc tôn thêm vào đó, màu xanh của những vườn điều (đào lộn hột), bao bọc chung quanh các làng Klah, Krông...như làm dịu đi cái cảm giác nóng bức của những ngày đầu mùa khô Tây Nguyên. Để có được như bây giờ, bà con đồng bào Gia Rai ở Ia Mơ vẫn không quên ơn các chiến sĩ biên phòng, nhất là Đại úy Nguyễn Hồng Tươi, cán bộ đội công tác Đồn biên phòng 729.
Một lần về thăm nhà ở huyện Krông Pa, Nguyễn Hồng Tươi mang lên đồn 15 kg hạt điều thật tốt. Anh em những tưởng Tươi muốn "đãi" đặc sản quê nhà. Nhưng không, với sự hướng dẫn của Tươi, ba gia đình làm kinh tế giỏi của xã đã nhận hạt giống trồng thử. Hơn chục năm gắn bó với vùng đất Ia Mơ, anh nhận ra nơi này giống thời tiết Krông Pa của anh -nơi rất thích hợp với cây điều cao sản.
Chuyện còn lại là làm gì để thuyết phục dân nghe, hiểu và chịu làm theo. Anh đi từng nhà vận động, tranh thủ cả cấp uỷ, chính quyền, các già làng và nhất là Đoàn Thanh niên. Anh tự mình lập vườn làm mẫu trình diễn và hướng dẫn kỹ thuật. Rồi cũng qua đi khó nhọc, để đến hôm nay, cây điều kết trái, đơm bông. Bốn làng đồng bào Gia Rai ở Ia Mơ đã có trên 50 ha điều cao sản. Nhiều gia đình như Rơ Mah Lêk, Ksor Hoài… giờ đã thu hoạch mỗi năm hơn chục triệu đồng. Từ những hạt điều nhỏ bé nhưng nặng tình người chiến sĩ biên phòng, cây điều cùng với cao su, cà phê đã trở thành mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Gia Lai.
Lại một chuyện khác. Gần chục năm trước, ở làng KLả, vợ anh Chok, người Gia Rai, chuyển dạ sinh đôi.Theo hủ tục cũ, đó là điều cấm kỵ, phải "bỏ" một đứa. Vừa mới chào đời, một trong hai cháu bé đã được bà mụ cho uống nguyên một chai dầu gió...Được tin, các chiến sĩ biên phòng lập tức đến, vừa kiên trì thuyết phục, vừa khẩn trương cứu chữa cháu bé. Hai cháu bé ấy bây giờ đã khôn lớn, khoẻ mạnh, được bộ đội đặt cho tên là Phốt và Phét.
Ở xã biên giới Ia Chia, Ia O, thuộc huyện Ia Grai, chị Ksor Beo, ở làng Cúc kể, nghe xúi giục của kẻ xấu, năm 2005 vợ chồng chị mang đứa con nhỏ vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia. Gần một năm trong trại tị nạn chẳng được đưa sang nước thứ ba như họ hứa, vậy là năm 2006 chị hồi hương. Hồi mới về, sợ chính quyền bà con ghét bỏ, chị mặc cảm không dám gặp ai. Nhưng rồi được động viên, cưu mang, nhất là bộ đội biên phòng giúp đỡ, hơn hai năm qua, với một ha mì, hai sào điều, ba ha cao su, mỗi năm gia đình chị tiết kiệm được 40 triệu đồng, mới đây còn xây được nhà trị giá 70 triệu đồng…
Gia đình chị còn may mắn hơn những hoàn cảnh số phận khác. Câu chuyện đau lòng là vào đêm 26-5-2006, năm gia đình (gồm 23 người, trong đó có 14 trẻ em) bị kẻ xấu lôi kéo đã dùng thuyền độc mộc vượt sông Pô Cô sang Cam-pu-chia. Khi đến giữa dòng nước xoáy, thuyền của gia đình Rơ Châm Theo, chở theo bảy người bị lật, chỉ có bé Siu H’ly, 6 tuổi may mắn còn sống, mãi đến sáng hôm sau, dân làng mới thấy nó kẹt trong hốc đá mang về cấp cứu. Bây giờ, Siu H’ly sống trong sự đùm bọc, yêu thương và trở thành đứa con chung của bộ đội biên phòng Đồn 717.
Vì sự bình yên biên giới
Hơn 10 năm qua, lực lượng biên phòng Gia Lai đã mở 93 lớp phổ cập tiểu học cho 2.357 em ( từ lớp 1 đến lớp 4 ), 28 lớp xóa mù chữ; sửa chữa và làm mới hàng trăm căn nhà cho các đối tượng chính sách trị giá hơn 400 triệu đồng; giúp dân dời chuyển và định canh định cư cho 31 làng mới. Ngoài ra, còn giúp chính quyền địa phương bảy xã biên giới củng cố 7 đảng bộ, 39 chi bộ thôn làng, kết nạp 200 đảng viên mới; củng cố và đưa vào hoạt động nền nếp bảy ban công an xã, 38 tổ hoà giải với 135 người.
Nhiều xã vùng sâu, vùng xa trước đây giao thông đi lại khó khăn, bà con sống gần như biệt lập, đời sống gặp nhiều khó khăn, quanh năm thiếu đói, bị trói buột bỡi các hũ tục lạc hậu, thì nay đã trở thành những "Điểm sáng văn hoá vùng biên" như Ia O, Ia Chia (Ia Grai), Ia Dom, Ia Pnôn (Đức Cơ)... Bà con các dân tộc thiểu số đã biết tận dụng phát huy các thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các tập quán lạc hậu gần như bị đẩy lùi, xóa bỏ; người dân đau ốm đã biết đến trạm xá điều trị... hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, các tổ chức đoàn thể hoạt động đều tay, thực sự là chỗ dựa của người dân.
Đại tá, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Thành cho biết: BCH Biên phòng tỉnh bố trí bảy đội công tác địa bàn, thường xuyên thực hiện "Ba bám, bốn cùng" với nhân dân bảy xã biên giới. Các đội công tác, ngoài nhiệm vụ vận động quần chúng, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các Hiệp định, Nghị định, quy chế bảo vệ biên giới đường biên... còn tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xóa đói giảm nghèo, dạy xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện quân dân y kết hợp, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào.
Thực hiện khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" cán bộ, chiến sĩ biên phòng thực sự là chỗ dựa vững chắc, là những người con của các buôn làng. Nhiều chiến sĩ đã được dân làng tạo điều kiện cho xây dựng gia đình với con em họ; có chiến sĩ được quý trọng như trung uý Nguyễn Quyết được ông Rơ Mah Tiến, làng Chư Có, cắt máu ăn thề nhận làm con nuôi...Có thể nói, đó là những hình ảnh đẹp về tình quân dân, đã tạo nên một phòng tuyến biên giới "Thế trận nhân dân" vững chắc, chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, góp phần vào nhiệm vụ giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và vì sự bình yên vùng biên giới Gia Lai.
Phan Hòa/ Nhân Dân