Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 4/3/2011 21:13'(GMT+7)

Bằng việc làm cụ thể...

Đồng chí Thạch Hữu Trung

Đồng chí Thạch Hữu Trung

Anh tâm sự: Tôi không nhớ rõ mình đã có lần nào mơ thấy Bác Hồ hay chưa, nhưng tôi nhớ là ngay từ những ngày chập chững cắp sách đến trường, qua những trang sách tôi đã ngưỡng mộ, yêu mến Người và qua những câu chuyện kể của mẹ, tôi luôn tâm niệm Người là một vị thánh hiền. Lớn lên tôi vinh dự được nhập ngũ vào lực lượng bộ đội biên phòng, là lực lượng mà ngay từ buổi đầu thành lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và ân cần căn dặn: đoàn kết, cảnh giác/ liêm, chính, kiệm, cần/ hoàn thành nhiệm vụ/ khắc phục khó khăn/ dũng cảm trước địch/ vì nước quên thân/ trung thành với Đảng/ tận tuỵ với dân đã trở thành mục tiêu và phương châm hành động. Đã có những lúc khó khăn, những khi gian khổ tôi tưởng chừng như mình không thể vượt qua, nhưng nhớ đến những lời căn dặn của Người tôi lại thấy mình như được thổi bùng lên một ngọn lửa đầy sức sống.

Trải qua hơn 50 năm chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ  bộ đội biên phòng luôn ghi nhớ và làm theo những lời căn dặn ân cần của Bác, nhưng để tạo sự thống nhất và khẳng định thêm  giá trị Tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày 19-12-2000 Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ban hành Chỉ thị số 332 về triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với  bộ đội biên phòng" trong toàn lực lượng, đến năm 2006 Bộ Chính trị (khoá X) ban hành Chỉ thị số 06 về triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hưởng ứng Cuộc vận động này Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quyết định đổi tên: Cuộc vận động "Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với bộ đội biên phòng" thành Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với bộ đội biên phòng".

Từ khi có Cuộc vận động, anh Trung đã sưu tầm, tìm đọc rất nhiều mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi câu chuyện đã lắng đọng trong anh sự bồi hồi, suy nghĩ: Hồ Chí Minh - Người vĩ đại bao nhiêu thì khiêm tốn, giản dị bấy nhiêu, đạo đức của Người không phải xa vời mà chúng ta không thể học tập và theo được.

Đồng chí Thạch Hữu Trung giữ cương vị là Chính trị viên phó đồn Biên phòng Đăk Tiên, có phiên hiệu là đồn BP 765 (hay còn gọi là đồn 8) - quản lý, bảo vệ đoạn biên giới 10km trên địa bàn xã Thuận Hà, huyện Đăk Song. Địa bàn nơi đây có diện tích tự nhiên là 5.643 héc ta, với dân số 1.021 hộ, 4.011 khẩu, phần lớn di cư từ các tỉnh phía bắc vào xây dựng vùng kinh tế mới, là xã mới thành lập nên hạ tầng cơ sở còn yếu kém, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, an ninh phức tạp, mặt bằng dân trí thấp, tỉ lệ mù chữ chiếm 17% .

Đồn BP 765 được thành lập từ năm 2004, đóng quân sát biên giới, cách trung tâm của xã Thuận Hà theo đường thẳng chim bay thì chỉ khoảng 8-10km, nhưng vì chưa mở đường nên phải đi vòng quanh mất khoảng hai tiếng đồng hồ bằng xe máy với tốc độ không thể trên 30 km/h, còn có rất nhiều khó khăn.

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và quân đội về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nhiều năm qua các cấp uỷ đảng, chỉ huy các cấp trong bộ đội biên phòng đã đẩy mạnh xây dựng thế trận biên phòng lòng dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, mệnh lệnh của trên ngay từ khi mới thành lập, cấp uỷ, ban chỉ huy đơn vị đã xác định: luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới trong phạm vi phụ trách. Để thực hiện được quyết tâm này trước hết phải tập trung xây dựng thế trận biên phòng lòng dân bằng việc cụ thể hoá các tiêu chí của Cuộc vận động thành hành động thiết thực trong đơn vị và địa bàn đơn vị quản lý.

Sau nhiều lần trăn trở, Thạch Hữu Trung đã đề nghị với cấp uỷ, ban chỉ huy đồn tổ chức một buổi sinh hoạt, có tính chất mạn đàm nhằm ôn lại những lời dạy của Bác Hồ đối với lực lượng và đối chiếu xem trong giai đoạn này nên lựa chọn nội dung nào là đột phá cho Cuộc vận động vì nội dung Bác Hồ dạy đối với bộ đội biên phòng thì rất nhiều và trong một lúc không thể thực hiện được. Cuối cùng đã đi đến thống nhất lấy nội dung “hoàn thành nhiệm vụ/ khắc phục khó khăn/ trung thành với Đảng/ tận tuỵ với dân" làm đột phá của Cuộc vận động, trong đó "Tận tuy với dân" được xác định là khâu tập trung.

Đồn đã triển khai cho đội công tác tiến hành khảo sát đánh giá tình hình địa bàn thì nhận thấy: đời sống bà con xã Thuận Hà còn có khó khăn nhiều mặt, mặt nào cũng bức xúc, nhưng "lực bất tòng tâm" không thể giải quyết xong cho bà con trong một sớm một chiều, thôi thì: không có “cá” cho bà con thì nên cho bà con cái “cần” để câu “cá”.

Bà con nơi đây bị 2 thứ giặc đeo bám, đó là giặc đói và giặc dốt. Cuộc chiến chống lại 2 thứ giặc này không tiếng súng nhưng vẫn cam go, dai dẳng và quyết liệt.
Sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận trong cấp uỷ, chỉ huy đơn vị để xác định quyết tâm của trận chiến, đồng chí Trung đã tích cực tham mưu cấp uỷ, ban chỉ huy đơn vị ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch để triển khai đồng bộ các mặt công tác địa bàn để giúp nhân dân xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, xây đựng đời sống văn hoá. Mọi mặt công tác chuẩn bị đã chín muồi và bắt đầu hành động.

Thạch Hữu Trung cùng anh em trong đội công tác của đồn trực tiếp xuống địa bàn cùng ăn, ở với bà con để nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; tham mưu cho địa phương lắp đặt hệ thống phát thanh công cộng để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu gương điển hình tiên tiến, giới thiệu những mô hình nuôi trồng có giá trị cao về kinh tế cho bà con học tập, ứng dụng.

Anh cùng đồng đội đã tìm gặp mời một số người ở các địa phương khác có kiến thức về địa chất, thổ nhưỡng và phát triển kinh tế vườn, chuồng trại, làm ruộng đến để tham quan và hướng dẫn cho bà con cách nuôi trồng trên những mảnh đất mà bà con đang canh tác theo cách truyền thống đã bạc màu, cho năng suất kém. Những thửa ruộng trước đây chủ yếu là cây ngô thì nay đã đã phủ xanh bằng những thảm khoai lang Nhật Bản. Sau khi bà con đưa vào thí điểm cây khoai lang Nhật Bản thì nhận thấy năng suất cao, chất lượng tốt, có giá trị về kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cây ngô và nhiều loại cây hoa màu khác, mỗi năm trồng được 2 vụ, mỗi vụ cho năng suất 10 tấn/1 héc ta, trị giá khoảng từ 40 -50 triệu đồng, đời sống nhân dân bắt đầu khá giả.

Anh cùng đồng đội còn triển khai công tác "xoá mù chữ”, mở lớp dạy chữ cho bà con. Sau khi được sự nhất trí của Sở Giáo dục – Đào tạo và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồn đã chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Đầu Song mở lớp dạy chữ cho bà con độ tuổi từ 15 đến 60 - những người chưa bao giờ được cắp sách đến trường hoặc có đến trường nhưng do lâu lắm rồi quên mất cái chữ. Khi biết tin bộ đội mở lớp dạy chữ bà con trong các thôn, bản xôn xao vui mừng. Sau một thời gian ngắn, lớp học đã được mở, có buổi khai giảng, các học sinh tuy độ tuổi khác nhau nhưng đều mặc đồ mới và đẹp nhất (loại áo quần theo phong tục của người Dao đỏ chỉ được mặc trong những lễ hội lớn hoặc khi về nhà chồng), ai nấy khuôn mặt đều hớn hở. Anh vẫn còn nhớ cảm giác xấu hổ khi được nhiều người gọi bằng "thầy giáo". Sau gần 4 tháng lớp học vừa hết chương trình và bế giảng, 100% học sinh đều "tốt nghiệp ra trường". Chia tay thầy giáo, nhiều học sinh xúc động bùi ngùi, có người thẹn thùng nói "em đưa cái chữ của thầy về để dạy lại cho chồng em nữa, tội nghiệp anh ấy dạo này chăm chú làm công việc đồng áng thay cho em đi học".

Anh cùng tập thể đơn vị trăn trở suy nghĩ và xác định nguyên nhân dẫn đến các vụ mất trật tự, an ninh là do phong tục săn bắn của bà con bằng súng tự chế; loại súng này cũng là phương tiện để có khi họ sử dụng giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Anh đã bàn bạc thống nhất trong cấp uỷ, chỉ huy đơn vị, chỉ đạo đội trinh sát và đội vận động quần chúng thường xuyên bám, nắm địa bàn, vận động, giải thích cho bà con hiểu rõ tác hại của việc dùng súng tự chế, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ là việc làm trái pháp luật. Kết quả qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã tự nguyện giao nộp được 4 khẩu súng tự chế cho đơn vị.
Thực hiện Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới " đồng chí Trung cùng cấp uỷ, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương khảo sát các hộ chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, vận động một số doanh nghiệp trên địa bàn, các nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị ủng hộ tiền của, vật liệu, ngày công lao động ... để xây dựng và bàn giao nhà đúng tiến độ, mang lại hơi ấm và niềm vui cho bà con, đây cũng là mái ấm của tình quân dân trên biên giới. Việc làm này đã được Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đăk Nông tặng Bằng khen.

Hiện nay Thạch Hữu Trung đang ở cương vị công tác mới - Trợ lý tuyên huấn phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Với những thành tích đã đạt được, đồng chí Trung đang tiếp tục phấn đấu, học và làm theo Bác, xứng đáng với danh hiệu "Anh bộ đội cụ Hồ". Anh tâm niệm: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên cả cuộc đời của mỗi con người chứ không phải từ khi bắt đầu có Cuộc vận động và cũng không phải đến khi Cuộc vận động kết thúc thì chúng ta cũng không còn học tập và làm theo đạo đức của Người, bởi giá trị đạo đức của Người là vĩnh cửu. Để Cuộc vận động đi vào thực chất thì không phải hô hào hay chỉ bằng kế hoạch, chương trình ... trên giấy mà phải được thể hiện thông qua lời nói, việc làm, cử chỉ hành động của mỗi con người.

(Theo: Thu Huyền/XDĐ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất