Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 2/3/2011 21:18'(GMT+7)

Mô hình thiết thực giúp nông dân thoát nghèo

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Nguyên nhân của bước phát triển đột phá trên có nhiều, nhưng một nguyên nhân quan trọng được lãnh đạo xã khẳng định là người dân trong xã đã được cung cấp thông tin khoa học công nghệ cùng nguồn tin thị trường thông qua Thư viện điện tử của xã. Từ những thông tin có được, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể cùng bà con trong xã đã bàn bạc và quyết định lựa chọn các cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, từ đó tổ chức sản xuất hàng hóa chủ lực của xã. Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Đồng Phong cho biết: "Chỉ riêng việc xã quyết định đưa giống lúa lai hai dòng "Bồi tạp sơn thành" có năng suất cao, bình quân đạt 6 tạ/sào Bắc Bộ, tăng gấp đôi so với giống lúa địa phương và giống lạc MĐ7 có năng suất bình quân đạt 80 kg/sào Bắc Bộ, cũng tăng gấp đôi so với giống lạc địa phương, bà con nông dân trong xã đã có liên tiếp những vụ mùa bội thu, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Từ đó, bà con đã có bát ăn, bát để. Nhiều gia đình xây được nhà mới khang trang. Xã cũng có điều kiện đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm và nước sạch cho bà con". Đến nay, từ một xã nghèo khi chưa có thư viện điện tử, chỉ sau hơn 4 năm, bộ mặt của Đồng Phong đã hoàn toàn đổi mới và trở thành một xã khá giả, văn minh, một điểm sáng về ứng dụng, chuyển giao công nghệ góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu một cách bền vững.

Thư viện điện tử mà Đồng Phong là xã miền núi đầu tiên trên cả nước áp dụng là mô hình thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ). TS Tạ Bá Hưng, Cục trưởng, cho biết: “Cục Thông tin KH&CN Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin, thư viện và thống kê KH&CN. Khi triển khai thực hiện Cuộc vận động, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để đưa tri thức khoa học đến với bà con nông dân? Phải làm gì khi nông dân không đến hoặc ít đến thư viện đọc sách báo?

Từ những câu hỏi đặt ra cùng với sự thảo luận dân chủ, các cán bộ khoa học trong Cục KH&CN đã thống nhất: Nếu hàng triệu nông dân được cung cấp đầy đủ, kịp thời tri thức khoa học và tích cực ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa. Là cơ quan thông tin khoa học, cách “học tập và làm theo” thiết thực nhất là phải tìm ra sáng kiến và giải pháp đưa tri thức đến với nông dân. Thông qua đó, “Mô hình cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa” của Cục KH&CN đã ra đời, lấy xã Đông Phong là xã đầu tiên làm điểm...

Sản phẩm chính của mô hình là Thư viện điện tử đặt tại trụ sở UBND xã Đồng Phong. Thư viện bao gồm 170 nghìn tài liệu, trong đó có hàng ngàn phim KH&CN hướng dẫn chi tiết các kỹ thuật tiến bộ, các kinh nghiệm tiên tiến, các tài liệu về cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao, thông tin về thị trường, giá cả, các tài liệu về phát triển kinh tế-xã hội v.v.. Trong Thư viện điện tử còn có cơ sở dữ liệu về hàng nghìn chuyên gia, tổ chức tư vấn. Một khối lượng tài liệu khổng lồ như vậy, nếu trên giấy thì phải cần tới một tòa nhà thư viện 3 tầng mới chứa nổi, nhưng chúng đã được số hóa, thu gọn trong một ổ cứng cắm ngoài của máy tính, chỉ nhỉnh hơn một bao thuốc lá, bỏ được trong túi áo ngực. Các tri thức cần thiết có thể được tra cứu dễ dàng và cung cấp tại chỗ. Phim KH&CN có thể được cung cấp trên đĩa hình để bà con xem tại nhà hoặc trong các buổi sinh hoạt của hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên...

Từ Đồng Phong làm điểm ở Ninh Bình, tới nay mô hình đã được chuyển giao và nhân rộng tại hơn 300 xã trong cả nước. Một số tỉnh như Bạc Liêu, Lâm Đồng đã nhân rộng mô hình tới 34 và 62 xã trong tỉnh và đã có kế hoạch triển khai mô hình tại tất cả các xã của tỉnh trong vòng 12 năm tới. Với việc đưa tri thức đến với bà con nông dân, Cục KH&CN đã giúp người nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, áp dụng mạnh mẽ KH&CN để tự xóa được đói, tự giảm được nghèo và có thể vươn lên làm giàu tại chính quê hương mình. Thiết nghĩ, nếu mô hình đưa tri thức khoa học đến với bà con nông dân được nhân rộng ra các xã trong cả nước, thì chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng và Nhà nước chắc chắn sẽ thành công./.

(Theo: Hồng Hải/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất