Thứ Bảy, 21/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 23/2/2013 8:58'(GMT+7)

Hội xuân, một sức mạnh tinh thần

Hội xuân. Tranh: ĐỨC BẢO

Hội xuân. Tranh: ĐỨC BẢO

Cứ mỗi độ xuân sang, những ước vọng, niềm tin về một khởi đầu tốt đẹp, may mắn vào năm mới lại đưa mọi người tìm về với những phong tục Tết và lễ hội cổ truyền. Cùng với dòng chảy thời gian, có những phong tục đã bị thay đổi hoặc biến mất trong sự phát triển xã hội, song những nét đẹp vốn ăn sâu vào máu thịt mỗi người dân, trở nên một phần tất yếu của đời sống tín ngưỡng thì sẽ còn lưu bền mãi, làm phong phú thêm sự độc đáo của văn hóa truyền thống, kết thành một sức mạnh tinh thần mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Tết Nguyên đán và hội xuân là dịp lễ hội quan trọng nhất trong năm. Cho nên, dẫu cuộc sống đã ít nhiều thay đổi, nhưng bản sắc văn hóa và hồn cốt dân tộc được thể hiện qua những phong tục đón Tết và lễ hội mùa xuân trên mọi miền đất nước vẫn luôn được lưu giữ và tôn bồi.

Ngày xuân với Tết cổ truyền chính là dịp để người dân đoàn tụ, sum vầy cùng dòng họ, gia đình; là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, nguồn cội thể hiện lòng tôn kính, hiếu thảo, đền ơn công lao dưỡng dục của các bậc sinh thành; là dịp để các thế hệ đi trước truyền lại những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất; giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng, gìn giữ nếp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Những nét đẹp truyền thống là do chính người dân sáng tạo và làm chủ, nên những sắc màu văn hóa của nó càng ngày càng trở nên hết sức độc đáo mà gần gũi; vừa có dấu ấn riêng biệt mỗi vùng miền, vừa phảng phất nét tương đồng, do sự tiếp biến, giao thoa, khiến ai cũng cảm thấy thân thuộc và ấm áp. Cũng bởi vậy, tất cả những giá trị văn hóa ấy đã góp phần gia tăng tính cố kết cộng đồng buôn - làng - xã - bản với sợi dây bền chặt là văn hóa tâm linh tín ngưỡng. Ðây cũng chính là quá trình tạo cơ hội giao lưu văn hóa, thương mại cho người dân tứ xứ. Ðiều đó lý giải vì sao, theo bề dày thời gian, hầu hết các lễ hội đều tổ chức những hình thức vui chơi giải trí đi kèm, vừa gắn bó với sinh hoạt tín ngưỡng chung, vừa làm cho các hoạt động này ngày càng phong phú và hấp dẫn hơn.

Mùa xuân với những phong tục lâu đời gắn liền mỗi sinh hoạt của người dân một cách bền chặt, cho nên các lễ hội tập trung nhất, phong phú nhất, đậm màu sắc dân gian nhất thường mở ra vào những tháng xuân. Và, bằng những nét rất riêng, rất độc đáo của mỗi vùng miền, người người nô nức tham gia vào những ngày xuân trẩy hội đình, hội chùa, hội đền và văn hóa đình làng truyền thống. Nổi bật trong hệ thống lễ hội mùa xuân là Hội đền Hùng với tục giỗ Tổ; Hội Gióng với tục tôn vinh anh hùng; Hội chùa Hương với tình yêu thiên nhiên; Hội chùa Thầy với nghệ thuật múa rối nước... Trong mỗi lễ hội đó đều lưu bền rất nhiều tập tục vô cùng đa dạng và phong phú mang đầy tính minh triết mà thuần Việt với những nếp thuần phong mỹ tục hết sức cần thiết cho đạo làm người, cũng như thiết lập và tuân thủ kỷ cương xã hội. Ðó cũng chính là cội nguồn và bản chất của hội xuân truyền thống.

Nếu quá trình hình thành bản sắc và văn minh của một dân tộc là sáng tạo và lưu giữ truyền đời càng lâu bền càng giá trị, thì có thể nói ngày Tết và hội xuân truyền thống.

Việt Nam là cả một nền văn hóa, xứng tầm một di sản cần được thế giới tôn vinh. Tầm vóc giá trị ấy có sức lan tỏa đến mức không chỉ người Việt Nam ở nước ngoài bồi hồi, nôn nao mỗi dịp Tết đến xuân sang, cháu con đủ các mầu da quây quần bên nhau hướng về tổ tiên nguồn cội, mà không ít người nước ngoài ở Việt Nam cũng muốn tắm mình trong không khí đón xuân vui Tết với tất cả phong vị truyền thống sâu đậm tình xứ sở. Thật hiển nhiên, vì đó chính là một sức mạnh tinh thần mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Theo Nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất