Thứ Bảy, 21/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 15/2/2013 10:27'(GMT+7)

Niềm tin và giữ vững niềm tin

Năm 1972, được chứng kiến, được trực tiếp trải nghiệm và xác nhận sức mạnh vĩ đại của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, sức mạnh của trí tuệ, bản lĩnh, khí phách, đức hy sinh, lòng dũng cảm của quân dân Thủ đô đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng vũ khí kỹ thuật tối tân nhất và các thủ đoạn tàn bạo nhất của đế quốc Mỹ, nhạc sĩ Phan Nhân đã khẳng định những nhận thức, những hiểu biết của mình về văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong ca khúc bất hủ Hà Nội niềm tin và hy vọng. Khi nhạc sĩ ca vang: “Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng, của núi sông hôm nay và mai sau”, những giá trị văn hóa cao đẹp của Việt Nam, của Thăng Long - Hà Nội đã trở thành niềm tin và hy vọng của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại!

Ngày 9-1 vừa qua, tại Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc, chỉ đạo phương hướng nhiệm vụ công tác tư tưởng trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, nắm chắc đường lối lãnh đạo của Đảng, vững vàng không dao động, giữ vững niềm tin vào Đảng, vào chế độ...

Trong bài này, xin được trình bày một số suy ngẫm về niềm tin và các hoạt động tư tưởng để góp phần xây dựng, củng cố, giữ vững niềm tin.

Để giữ vững niềm tin, trước hết chúng ta cần nhận thức sâu sắc những nội hàm chủ yếu của niềm tin. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: Niềm tin là hệ thống tri thức, nhận thức, quan điểm về tự nhiên, xã hội, con người được chủ thể trực tiếp trải nghiệm, xác nhận tính đúng đắn, chân thực của chúng, tự mình mong muốn thực hiện chúng trong cuộc sống, thành điểm tựa tinh thần của mỗi người.

Niềm tin được hình thành trong giao tiếp, trong quan hệ xã hội, trong cuộc đấu tranh với những quan điểm trái ngược và chống lại niềm tin đó.

Niềm tin mà Tổng Bí thư yêu cầu các hoạt động tư tưởng cần phải làm để giữ vững niềm tin, đó là niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam, niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Vì sao trong thời kỳ này chúng ta cần quán triệt sâu sắc vấn đề xây dựng, củng cố, giữ vững niềm tin vào Đảng, vào chế độ? Vì đó là một trong những mục đích chủ yếu của hoạt động tư tưởng của Đảng. Trước hết, công tác tư tưởng cần thấy hết trách nhiệm của mình đối với tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tính nghiêm trọng của sự suy thoái này nếu chúng ta không kiên quyết chặn đứng và đẩy lùi được nguy cơ, thì nó sẽ dẫn đến giảm sút nghiêm trọng niềm tin và đụng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Trong giáo dục lý luận chính trị cũng như trong các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng, nghiên cứu quán triệt các nghị quyết của Đảng, chúng ta thường dừng ở việc “nâng cao nhận thức” của học viên và thường hài lòng, thỏa mãn với báo cáo: Đa số, tuyệt đại đa số nhất trí với Nghị quyết, chỉ có một số băn khoăn, lo lắng! Trên thực tế, trong các hoạt động tư tưởng, chưa coi trọng tiến hành các hoạt động trực tiếp để xây dựng, củng cố, giữ vững niềm tin.

Những cán bộ tư tưởng chuyên trách đều thấu hiểu một nguyên lý: Để nhận thức sự vật, hiện tượng (nhận thức được bản chất, được quy luật), con người cần lý trí; để hành động con người cần có tình cảm, niềm tin. Nếu để mất niềm tin sẽ dẫn đến đổ vỡ, thất bại trong công việc, thậm chí của cả một sự nghiệp!

Để thật sự nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tư tưởng nhằm xây dựng, củng cố, giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, với sự lãnh đạo của Đảng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trước mắt cần tập trung đổi mới để thực sự nâng cao chất lượng, hiệu quả một số nhiệm vụ công tác tư tưởng sau:

Xuất phát từ 3 thành tố cơ bản để xây dựng, củng cố, giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là thông tin những tri thức, quan điểm có cơ sở khoa học và thực tiễn có sức thuyết phục cao; đấu tranh phản bác có lý, có tình đối với những quan điểm tư tưởng phản động, sai trái; hướng dẫn, cổ vũ hành động để hiện thực hóa thắng lợi bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, để Đảng ta mãi mãi là Đảng của trí tuệ, là tấm gương đạo đức sáng ngời, và gắn bó máu thịt với nhân dân; từng bước hiện thực hóa thắng lợi những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn.

Để giữ vững niềm tin vào Đảng, các hoạt động tư tưởng cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn phát triển khoa học xây dựng Đảng, bổ sung, hoàn thiện đường lối xây dựng Đảng cầm quyền trong thời kỳ mới. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo đối với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, với nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng và nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa tùy thuộc trước hết vào việc đường lối phát triển kinh tế của Đại hội XI có đưa được vào cuộc sống không, triển khai thực hiện 3 khâu đột phá trong chiến lược kinh tế - xã hội như thế nào? Tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng có thành hiện thực tốt đẹp không, có giải phóng được “ba cục máu đông” của nền kinh tế là: nợ xấu (nợ công và nợ doanh nghiệp), hàng tồn kho và bất động sản! Có đẩy lùi đáng kể tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm không, có thu hẹp sự phân hóa, phân cực giàu nghèo trong xã hội, cải thiện và nâng cao được thu nhập thực tế của người lao động không?

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Ba nhiệm vụ cấp bách trong Nghị quyết Trung ương 4 có được thực hiện thành công không? nhất là có đẩy lùi đáng kể tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bô,å đảng viên có chức, có quyền không? đặc biệt là phải tìm ra và xử lý được “nhóm lợi ích” đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, cho uy tín của Đảng và Nhà nước ta.

Về văn hóa: Việc hiện thực hóa thành công 5 quan điểm, 10 nhiệm vụ và 4 giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là yêu cầu quan trọng trong đời sống văn hoá hiện nay.

Để hiện thực hóa thành công những vấn đề chủ yếu nêu trên, các hoạt động tư tưởng phải hướng vào việc truyền bá, quán triệt sâu sắc đường lối Đại hội XI, các Nghị quyết Trung ương khóa XI. Thể chế hóa các quan điểm, đường lối Đại hội XI của Đảng thành việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp, thành hệ thống luật và các cơ chế chính sách. Hoạt động tư tưởng cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện, công cụ công tác tư tưởng vào việc truyền bá, giáo dục, hướng dẫn cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, cổ vũ động viên 3,8 triệu đảng viên nhận thức sâu sắc sứ mệnh vẻ vang của Đảng, thực sự nêu gương, tiên phong gương mẫu, miệng nói tay làm, tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Tất cả phải nhằm mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ hiện thực đất nước ngày càng tốt đẹp, chắc chắn sẽ củng cố, giữ vững niềm tin vào Đảng, vào sự lãnh đạo của Đảng và vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Với niềm tin vào Đảng, vào chế độ được củng cố, giữ vững sẽ trở thành điểm tựa tinh thần, thành động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu./.

PGS.TS Đào Duy Quát
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất