Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 14/2/2013 16:17'(GMT+7)

Bảo quản và phát huy di sản tư liệu: Không thể chỉ xếp vào kho

Khi chưa có biện pháp hữu hiệu, bia Tiến sĩ của Văn Miếu-Quốc Tử Giám phải giăng dây vải đỏ để ngăn du khách đi vào xoa đầu rùa

Khi chưa có biện pháp hữu hiệu, bia Tiến sĩ của Văn Miếu-Quốc Tử Giám phải giăng dây vải đỏ để ngăn du khách đi vào xoa đầu rùa

“Công tác bảo quản tư liệu là nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ lưu trữ, nhưng hình thức công việc nếu cứ đơn thuần là xếp vào kho, không có khả năng tiếp cận thì sẽ không bao giờ ai biết được. Biến công tác bảo quản thành một dịch vụ có lợi nhuận là một việc làm cần thiết giúp người bảo quản lựa chọn những tài liệu thực sự có giá trị sử dụng”-Antonia Heredia, cán bộ lưu trữ người Tây Ban Nha đã chia sẻ sinh nghiệm bảo quản và phát huy di sản tư liệu-một loại hình được nhận định là Báu vật quốc gia.

Di sản tư liệu Việt Nam… vẫn còn nhiều “lưu lạc”

Cụm từ di sản tư liệu được người nghe biết đến-thực ra chỉ là khi khối “Mộc bản triều Nguyễn” và “Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779)” tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2009 và tới năm 2012, khối tư liệu Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang tiếp tục nhận được danh hiệu cao quý của UNESCO châu Á-Thái Bình Dương.

Đó là 3 di sản tư liệu được nhắc lại nhiều lần trong 3 năm trở lại đây, bởi những di sản này có vinh dự lập hồ sơ gửi đi thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà lưu trữ, nhà nghiên cứu sử học…Việt Nam có rất nhiều tư liệu qúy, hiếm…nhưng đang bị “lưu lạc”, hoặc chưa được quan tâm, phát huy đúng mức. Ví dụ như khi khối tư liệu Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm được công bố để lập hồ sơ di sản trình UNECO, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân mới biết được kho ván in kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm đã nói rất rõ việc ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và quan điểm tu hành của Trần Nhân Tông. Quan điểm đó đã đưa đạo Phật đến với dân, hợp lòng dân, lòng người. Do đó, trong suốt quá trình tu hành của ngài, các ngôi chùa được xây dựng đều theo xu thế chuyển từ núi cao về với dân hơn, tức là về gần làng xã hơn với nhận thức: Đất vua, chùa làng. Cũng qua di sản tư liệu này, đã chứng minh sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm có bản sắc văn hóa dân tộc riêng trên cơ sở tiếp thu tinh hoa của đạo Phật thế giới và có tinh thần hội nhập.

Việc sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu các di sản tư liệu không thể nói là dễ, bởi nước ta trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nên không ít những tư liệu vẫn nằm trong tủ sách của nhà dân, được người dân bảo quản hoặc bị chiến tranh tàn phá, hủy hoại. Chuyện thi thoảng báo chí đưa thông tin các tổ chức, cá nhân trao tặng tư liệu cho các bảo tàng, trung tâm lưu trữ…cũng một phần nói lên sự còn “lưu lạc” của những tư liệu được nhận định là di sản.

Lúng túng trước xâm hại của thiên nhiên và…con người

Khi các tư liệu quý, hiếm đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận, là niềm vinh dự tự hào của người Việt. Song cũng đặt ra cho chúng ta một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết là bảo quản an toàn và phát huy hiệu quả những Di sản tư liệu này.

Phải bảo quản và phát huy thế nào với di sản tư liệu?

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Việt Nam vẫn còn lúng túng trong việc bảo quản và phát huy giá trị Di sản tư liệu. Cụ thể như vấn đề bảo quản Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hiện tượng người dân đến Văn Miếu đầu Xuân cầu may, học sinh, sinh viên trong mỗi kỳ thi tới đây xoa đầu rùa, xoa bia…khiến đầu rùa và bia Tiến sĩ nhẵn bóng. Cho đến nay, vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để hiện tượng xoa bia, xoa rùa, có một số biện pháp, thì đang mắc nhiều mâu thuẫn.

Giải pháp thứ nhất: Sử dụng kính chịu lực đặc biệt làm vách ngăn toàn bộ hai dãy nhà bia, du khách chỉ đứng bên ngoài vách kính chiêm ngưỡng. Là giải pháp an toàn tuyệt đối cho bia đá, nhưng vách kính lại không hòa nhập với không gian cổ kính của Văn Miếu.

Giải pháp thứ hai: Làm lan can bằng gỗ cao khoảng 1m quây xung quanh nhà bia. Đẹp, hài hòa nhưng lại không bảo vệ được triệt để bia đá.

Đến nay, hai giải pháp trên đang chờ UBND TP Hà Nội phê duyệt. Và đề bảo quản an toàn cho bia đá, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đang phải huy động lực lượng bảo vệ, trật tự thường xuyên túc trực giám sát ở khu vực nhạy cảm này; đồng thời dựng lên hàng rào bảo vệ bằng dây vải. Như lời chia sẻ của TS. Đặng Kim Ngọc-Giám đốc Trung tâm, những ngày đầu năm mới này, hàng chục nhân viên bảo vệ phải làm việc hết sức mà đôi lúc cũng không ngăn hết nổi số người liều mình, lao vào xoa đầu rùa, thả tiền lẻ…

Với Mộc bản triều Nguyễn, có lẽ công tác bảo quản và phát huy giá trị của di sản này đã có một chiến dịch từ trước. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huệ-Giám đốc Trung tâm lưu giữ quốc gia IV-nơi đang bảo quản Mộc bản triều Nguyễn, thì “số phận” của di sản này cũng đã trải qua không ít những thăng trầm. Nào là di chuyển từ nơi nọ đến nơi kia, rồi bị ngâm dưới hầm nước ngập tới 45cm…khiến Mộc bản triều Nguyễn bị xuống cấp nghiêm trọng. Tầm quan trọng của Mộc bản đã khiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã xây dựng hẳn một nhà kho chuyên dụng để bảo quản.

Tuy nhiên, việc cất di sản vào kho không phải là phương án tối ưu để bảo quản, và vô hình trung “kìm hãm” sự phát huy di sản. In ra giấy dó, phân loại bản dập Mộc bản; số hóa; biên soạn và xuất bản sách “Mộc bản triều Nguyễn-Đề mục tổng quan” là những công việc mà Trung tâm đã và đang tiến hành, nhằm phát huy di sản tư liệu này. Mới đây nhất, Trung tâm biên soạn và tái bản cuốn sách dưới dạng sách điện tử để tăng cường phát huy giá trị của tài liệu; làm phim giới thiệu về Mộc bản…

Điều lo lắng nhất đối với di sản Mộc bản triều Nguyễn hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Huệ, là trình độ của cán bộ đang quá “khiêm tốn” để có thể đáp ứng nhu cầu bảo quản và phát huy giá trị khối tư liệu này. Bởi số lượng tài liệu Mộc bản rất lớn (34.618 tấm), toàn bộ khắc bằng chữ Hán-Nôm ngược. Vì vậy, Nhà nước cần có chế độ ưu đãi đặc biệt, đào tạo nhân lực kế cận để tiếp tục phát huy khối tư liệu. Mặt khác, còn một số tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đang bị phân tán, thuộc quyền quản lý của một số tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ. Vì vậy, Trung tâm rất mong sẽ nhận được sự ủng hộ từ những đối tượng trên tạo điều kiện để Trung tâm sưu tầm và thu thập tài liệu.

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm cũng trong tình trạng loay hoay chưa có giải pháp phát huy cho phù hợp vốn di sản quý giá này.

TS.Kwi-Sun Si chia sẻ kinh nghiệm, Hàn Quốc đã có 7 Di sản tư liệu được UNESCO công nhận. Nhưng từ rất lâu, Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thức tầm quan trọng của các di sản này và nỗ lực bảo vệ, bảo quản nghiêm ngặt các tài liệu này bằng cách coi chúng như những Báu vật Quốc gia trước khi có Chương trình ký ức thế giới của UNESCO (1992). Hàn Quốc tích cực quảng bá những di sản này như một phần quan trọng của Sáng kiến xây dựng thương hiệu quốc gia. Chính phủ đầu tư và giao cho các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm các di sản tài liệu bị phân tán; xây dựng dữ liệu và cung cấp các dịch vụ trực tuyến qua các trang web của từng loại di sản tư liệu; tổ chức các sự kiện trưng bày, lễ hội để kỷ niệm và phát huy giá trị của di sản; phát hành các sản phẩm văn hóa khác nhau bằng cách cung cấp có sản phẩm có nguồn gốc từ các tài liệu lưu trữ cổ. Cụ thể nhất là trong bộ phim truyền hình nổi tiếng “Nàng Dae Chang Kưm” đưa làn sóng Hàn Quốc đến với thế giới được xây dựng dựa trên câu nói của Vua Jeongjong: “Không ai hiểu bệnh của ta hơn Chang Kưm”, trích từ Biên niên sự kiện Triều đại Joseon-một trong 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận.

Những thông tin chia sẻ kinh nghiệm của TS.Kwi-Sun Si có thể là những gợi ý cho Việt Nam áp dụng để phát huy những di sản tư liệu quí, hiếm. Hy vọng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa các tư liệu quý, hiếm của Việt Nam được UNESCO công nhận; mặt khác “đánh thức” các tiềm năng di sản tư liệu nhiều năm qua đang “ngủ yên” trong kho lưu trữ của các cá nhân, gia đình, dòng họ./.

(Hà Châu/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất