Vì nhiều lý do mà tới nay Việt Nam vẫn chưa có lễ phục để sử dụng trong các hoạt động mang tính nghi lễ đặc biệt, các hoạt động đối ngoại… Việc xây dựng, thiết kế lễ phục nhằm khẳng định bản sắc dân tộc và vị thế độc lập của một nền văn hiến quốc gia là việc làm cần thiết
Năm qua, sau Quốc hoa, các cơ quan chức năng lại lo đến Quốc phục và Quốc tửu. Mặc dù chưa có quyết định, công bố chính thức, song hoa sen đã chắc thắng khi nhận được sự ủng hộ của đại đa số nhân dân, nhà nghiên cứu bầu chọn làm Quốc hoa của Việt Nam. Còn Quốc phục và Quốc tửu đến nay vẫn còn nhiều ý kiến bàn luận, đề xuất…Có điều chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ có quốc phục, bởi bộ quốc phục đó là diện mạo dân tộc, phản ánh bản sắc văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đó là khẳng định của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học của Việt Nam khi được hỏi về quốc phục.
Loay hoay quốc phục cho nam…
Cái khó với quốc phục Việt Nam không phải là thiết kế mẫu trang phục, các nhà thiết kế Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế một cách tự tin. Vấn đề là ở chỗ quan điểm để chọn một bộ quốc phục chưa thống nhất.
Quốc phục dành cho nữ đã rất rõ ràng, đa số các ý kiến đều ủng hộ trang phục áo dài bởi đây là bộ trang phục rất đặc trưng của Việt Nam, không thể trộn lẫn, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Theo Giáo sư Hoàng Chương: Chiếc áo dài được khoác lên người phụ nữ ở bất cứ lứa tuổi nào, cấp bậc nào cũng làm tôn lên vẻ đẹp, sự duyên dáng, trang nghiêm của người phụ nữ đó. Các đồng chí lãnh đạo nữ của Nhà nước ta như các Phó Chủ tịch nước: Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan… xuất hiện trong bất cứ cuộc nào từ lễ hội, ngoại giao, tiếp khách trong nước, quốc tế đều mặc áo dài rất đẹp, sang trọng và trang nghiêm, lịch lãm.
Với quốc phục dành cho nam, Giáo sư Hoàng Chương cho rằng: Bộ comple đen, thắt ca vát như đa số đang dùng dường như rất thích hợp trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nhất là với các chính khách, các nhà ngoại giao trên khắp thế giới. Nhưng đó là trong các nghi lễ phương Tây, còn phương Đông lại khác, do đó nhất thiết Việt Nam phải có lễ phục riêng để khi tiếp xúc với đại diện một nước nào đó mặc lễ phục dân tộc thì phía ta cũng nên đối ứng bằng lễ phục Việt Nam. Theo ý kiến riêng của Giáo sư Hoàng Chương thì khi chưa tìm ra mẫu chung nên phát triển theo hình mẫu trang phục truyền thống là khăn đóng, áo dài.
Họa sỹ Đoàn Thị Tình, một người dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về trang phục Việt Nam chia sẻ: Quốc phục là bộ trang phục trang nhã, mang sự nghiêm trang, thanh lịch và đại diện cho văn hóa mặc của dân tộc, không thể nào cải tiến thái quá mà phải dựa trên cơ sở truyền thống và nhân trắc học của con người Việt Nam hiện đại. Quốc phục Việt Nam cần thiết kế dựa trên cơ sở truyền thống nhưng cũng phải phù hợp hiện đại. Trang phục không thể lụng thụng như ngày xưa nhưng cũng không thể cách tân quá điệu đà. Trang phục nữ giới đã khá đồng thuận, không cần bàn cãi quá nhiều. Riêng với trang phục nam giới, hiện còn 2 luồng ý kiến là âu phục kiểu Tây và khăn đóng, áo dài nhưng ý kiến riêng của bà Đoàn Thị Tình thì: khăn đóng, áo dài xứng đáng là quốc phục hơn.
Bà cho rằng: Nếu thiết kế hợp lý thì người mặc sẽ không cảm thấy áo dài, khăn đóng lụng thụng, rườm rà, kém sang trọng. Nam giới khi mặc áo dài, khăn đóng vẫn có thể mặc áo sơ mi, quần tây đi giầy tây, khoác chiếc áo dài ở ngoài. Bộ cánh này vẫn thể hiện được lịch sự, trang trọng mà đầy bản sắc văn hóa dân tộc.
Khác với ý kiến nhiều người, họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thiên về ý kiến chọn comple để nghiên cứu, thiết kế với những đặc điểm riêng làm quốc phục cho nam giới. Theo ông Trần Khánh Chương, bộ comple nam giới đi với áo dài của nữ giới từ lâu đã quen thuộc, phù hợp với thời kỳ đổi mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Quốc phục cần đồng bộ giữa trang phục nữ và trang phục nam, phải có những quy cách nhất định để tạo nên quốc phục vừa có phong cách riêng, sang trọng, thuận lợi khi sử dụng và mang đậm nét Việt Nam.
Quốc phục cần giản dị mà tinh tế, sang trọng
Nhà văn hóa, Giáo sư Vũ Khiêu cho biết: Lễ phục Việt Nam phải trang trọng, thể hiện được sắc thái của dân tộc, vừa mang tính hiện đại, duyên dáng, lịch sự, giản dị và đẹp. Lễ phục không nên trang trí nặng nề, diêm dúa, tô vẽ lóng lánh, sắc màu sặc sỡ mà cần giản dị, tinh tế thể hiện sự sang trọng, lịch lãm.
Theo Giáo sư Vũ Khiêu, cũng không nên đặt vấn đề lễ phục chung cho xã hội mà khu biệt vào các trường hợp khác nhau. Khi hội họp bình thường nên mặc âu phục với các chất liệu, màu sắc, cắt may cho đẹp, hợp thời trang quốc tế. Khi trình quốc thư, lễ trọng như quốc lễ, hội nghị cấp cao thì mặc lễ phục Việt Nam. Với lễ phục nên chọn lựa từ các trang phục đã qua trong mấy thế kỷ gần đây đề chắt lọc, thiết kế lại cho phù hợp với người Việt Nam. Với hoa văn trang trí, trên áo dài phụ nữ nên chọn hoa mai, hoa lan, cúc, trúc bởi tính nhẹ nhàng, bay bổng mang tính chất lịch sử của phụ nữ Việt Nam.
Với quốc phục dành cho nam nếu quyết định chọn áo the, khăn xếp thì họa sỹ, Giáo sư Lê Anh Vân, Hiệu trưởng Trường Đại học mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Quốc phục không thể quá phổ biến như trang phục thường ngày nhưng nhất thiết phải đẹp để người mặc tự tin và quan trọng là thể hiện rõ giới tính nam-nữ. Thêm vào đó, với khăn xếp quấn trên đầu có lẽ không cần thiết và không phù hợp…
Về chất liệu, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc đã nhận định: cái riêng trong cách ăn mặc của người Việt Nam thể hiện trước hết ở chất nông nghiệp. Đó là ở cách chọn các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, sợi tự nhiên để tạo nên chất liệu may mặc nhẹ, mỏng, thoáng đãng, giữ nhiệt về mua đông nhưng lại mát mẻ về mùa hè. Do đó, với quốc phục cũng nên tham khảo các chất liệu và màu sắc gần gũi với tự nhiên, với văn hóa nông nghiệp, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của cư dân văn hóa lúa nước.
Trên thế giới, Lễ phục của một số quốc gia góp phần thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của quốc gia đó. Trong các ngày lễ lớn và các nghi thức ngoại giao, lễ phục đã và đang khẳng định dấu ấn đặc trưng của văn hóa dân tộc. Với hàng ngàn năm lịch sử, theo dòng thời gian, các triều đại phong kiến của Việt Nam đã có những quy định tương ứng về trang phục góp phần thể hiện bản sắc văn hóa và vị thế của đất nước. Vì nhiều lý do mà tới nay Việt Nam vẫn chưa có lễ phục để sử dụng trong các hoạt động mang tính nghi lễ đặc biệt, các hoạt động đối ngoại… Việc xây dựng, thiết kế lễ phục nhằm khẳng định bản sắc dân tộc và vị thế độc lập của một nền văn hiến quốc gia là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay…/.
Thanh Giang