Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 13/9/2013 23:16'(GMT+7)

Khi nhân vật nói hộ nỗi lòng khán giả

Vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ được công diễn tại nhà hát Tuổi Trẻ trong khuôn khổ “Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ”, suất diễn tại nhà hát không còn một chỗ trống, nhiều khán giả phải đứng theo dõi.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã để lại cho hậu thế nhiều kịch bản hay, nếu như ‘Mùa hạ cuối cùng’ nói về đề tài giáo dục thanh thiếu niên, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” thể hiện sự giằng xé giữa nội tâm con người và thể xác nơi dương thế thì “Lời thề thứ 9” đã phản ánh sự quan liêu, tắc trách, vô tình của công bộc với nhân dân. Hơn 20 năm đã qua, nhưng những gì Lưu Quang Vũ viết trong kịch của ông vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.

Lời thề thứ 9 trong quân đội ghi rõ, bộ đội tiếp xúc với nhân dân làm đúng 3 điều nên: “Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân” và ba điều răn: “không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân”…Ngay từ lúc tấm màn nhung được kéo lên, cảnh đầu tiên lại cũng là cảnh những người chiến sỹ đang bảo vệ biên cương “trấn lột” dân buôn lậu, nhưng người bị trấn không phải dân buôn, đó chính là ông Hà – Chủ tịch tỉnh, nguyên là sư trưởng của đơn vị lên thăm con trai. Từ đây, mâu thuẫn dần dần bộc lộ.

Ba anh lính trẻ, Hiến, Đôn và Xuyên, những người vừa được tuyên dương trong trận chiến với thám báo địch tại sao phải đi cướp. Oan trái thay người bị cướp chính lại là ông Hà, bố Hiến, để rồi ông Hà khi biết đích xác kẻ cướp là ai đã phải kêu lên: Ai đời con lại đi cướp của bố”.

Chuyện là bố Xuyên ở xã bị chính quyền bắt giam, mẹ Xuyên và em gái đã nhiều lần đưa đơn lên tỉnh đề nghị giải quyết, nhưng tỉnh đã không quan tâm. Bố Xuyên tuổi cao sức yếu lại bị giam trong nhà tạm giam ở xã nhiều ngày…điều đó đã làm ba chàng lính trẻ đi đến quyết định: Cướp tiền làm lộ phí để về quê cứu giúp bố Xuyên.

Từ đây, các tình tiết, các uẩn khúc dần dần bộc lộ, sự tham nhũng, thói quan liêu cửa quyền của các “đày tớ” được đẩy lên cao trào. Một anh bảo vệ ủy ban cũng lên mặt sỉ vả người thưa kiện, một chủ tịch xã coi trời bằng vung vì đã có anh, em, chị, cô bác đang đảm nhiệm những vị trí chủ chốt trong chính quyền. Thông qua sự dàn dựng và đạo diễn của NSND Xuân Huyền cùng sự diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ, vở kịch một lần nữa phản ánh một cách chân thực sự vô cảm có tính chất hệ thống của con người trong một xã hội.

Điều hấp dẫn và thu hút khán giả ở Lời thề thứ 9 là dù đây là một vở chính kịch nhưng vẫn có những tiếng cười sảng khoái làm giảm bớt đi sự nhức nhối, nặng nề của bức thông điệp ý nghĩa sâu sắc này. Tuy nhiên, một số chi tiết trong bản dựng mới đã được thay đổi so với bản gốc để bám sát, thể hiện tính thời sự. Vẫn dàn diễn viên ấy, vẫn những khán phòng này, vẫn những khán giả đam mê kịch nghệ, nhưng bản dựng mới đã đem lại tiếng cười và lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. Vì sao, vì chính những nhân vật trong vở kịch đã nói hộ nỗi lòng của công chúng, nói ra những bức xúc, những âm ỉ đang tồn tại bấy lâu trong xã hội.

Kết thúc câu chuyện là cảnh người mẹ ôm lấy những người lính thốt lên: ‘Bao giờ mới hết khổ đây hả trời?” Những điều mà Lưu Quang Vũ đã gửi gắm trong vở kịch Lời thề thứ 9 thật sâu sắc và còn giữ nguyên giá trị, đó là câu chuyện đậm tính thời sự mà vẫn giàu chất nhân văn. Chất nhân văn của vở kịch được thể hiện rõ bởi tình đồng đội và đặc biệt là tình mẫu tử. Vai trò của người mẹ, tình yêu của người mẹ là sự hóa giải tất cả mọi mâu thuẫn. Mặc dù Lưu Quang Vũ đã đi xa nhưng những bức thông điệp mà ông gửi lại cho đời vẫn còn mãi những chân lý và “Lời thề thứ 9” là tác phẩm điển hình, là viên ngọc sáng mà soi vào đấy, chúng ta cần phải suy ngẫm rất nhiều điều không chỉ ở thì hiện tại mà còn ở cả tương lai. Hậu phương có vững chắc, tiền tuyến yên tâm xông pha./.

Tuấn Đạt    

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất