Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 17/9/2013 20:41'(GMT+7)

Thơ cho em hồn nhiên

"Nhà thơ thiếu nhi" Lê Hồng Thiện. (Ảnh: KHT)

"Nhà thơ thiếu nhi" Lê Hồng Thiện. (Ảnh: KHT)

Ngoài bẩy mươi tuổi, mái tóc đã bạc trắng bởi gió sương, nhưng nụ cười hóm hỉnh, ánh mắt thân thiện và trái tim nhân hậu của ông thì vẫn vẹn nguyên với tâm hồn thơ trẻ. Nhiều người nói ông cứ hồn nhiên đi giữa cuộc đời. Vâng, hồn nhiên chính là cách thế sống để ông sáng tác và thành công ở thể loại “thơ thiếu nhi”.

Ông là nhà thơ Lê Hồng Thiện, một đời vui vầy với tuổi trẻ, chan hòa cùng chòm xóm láng giềng nơi thôn ổ cạnh Văn miếu Xích Đằng, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, để yêu thương và sáng tạo.

Trẻ thơ là nguồn thi hứng

- Nhắc đến Lê Hồng Thiện, nhiều người trừu mến gọi "nhà thơ thiếu nhi". Hẳn ông còn nhớ kỷ niệm với những sáng tác đầu tay của mình?

- Năm 1957, khi mới 15 tuổi tôi đã tập làm thơ, viết báo và đã có bài đăng trên báo Thiếu niên tiền phong, báo Hưng Yên. Cũng từ đó về sau tôi viết đủ các thể loại, đề tài: Truyện ngắn, ca dao, thơ trữ tình, thơ châm... Năm 1973, con gái đầu lòng của tôi bắt đầu vào lớp một. Lòng ngập tràn cảm xúc và tôi đã viết bài thơ thiếu nhi đầu tiên “Con đi học” tặng con gái, tiếp đến bài “Em thả diều” viết về cậu con trai. Thật may mắn cả hai bài thơ trên đều được đăng ngay trên báo Văn nghệ năm đó. Thế rồi từ đó tôi cứ viết cho thiếu nhi, những tứ thơ hay tôi đều "bắt được" từ những hành động vô cùng ngây thơ, ngộ nghĩnh của các con mình. Cứ như vậy, các con tôi là nguồn cảm hứng để tôi chuyên sâu hơn viết cho các em.

- Cả một đời thơ ông đã và vẫn tiếp tục dành tình cảm cho trẻ em. Nhân đây mong nhà thơ chia sẻ về cái duyên thơ và những kỷ niệm với bạn đọc nhỏ tuổi?

- Trẻ em là kho báu kỳ lạ của các thi sĩ. Đề tài này tôi cảm thấy khai thác cả cuộc đời vẫn hay và không bao giờ cạn. Tâm hồn tôi tự nuôi dưỡng lúc nào cũng hồn nhiên, trong trắng vô tư như trẻ thơ. Lúc nào tôi cũng nhìn các cháu như những bông hoa biết đi. Tôi quan sát chúng, nhìn chúng thường nhật mà viết. Chính vì vậy trong tâm hồn một ông già như tôi còn có một tâm hồn con trẻ nữa. Nhớ cách đây hơn mười năm, khi ấy tôi 60 tuổi, nhiều bạn đọc nhỏ tuổi ở Tây Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn đang học lớp ba, lớp bốn sau khi đọc thơ của tôi đăng trên các báo đã gửi thư cho tác giả và gọi tôi là “Bạn Thiện”, có bạn trong thư còn xưng cả mày, tao, tớ, cậu. Đọc các bài thơ của tôi các em tưởng tôi chỉ bằng tuổi chúng, và đâu tin được tác giả của những câu thơ, bài thơ ngộ nghĩnh ấy đã là ông nội, ông ngoại rồi. Với tôi đó là niềm hạnh phúc vô bờ.

 

- Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ra mắt tuyển tập “Thơ Lê Hồng Thiện - Tác phẩm và dư luận”, chọn lọc từ hàng chục tập thơ thiếu nhi của ông. Đây có phải là một tổng kết...

- Tôi coi đây là tập hợp những bài thơ hay, tiêu chí 1.000 bài chọn 100 bài chứ chưa có ý định tổng kết sự nghiệp viết cho các em đâu. Vì tôi cảm thấy “vốn” viết cho các em trong tôi đang còn rất dồi dào. Nên sau khi in xong cuốn tuyển chọn kia tôi đã hoàn thành tập thơ thứ 11 “Trăng mọc ban ngày” với trên 40 bài, dự định sẽ ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi vào năm 2014. Tôi in tập thơ lần này, vừa để mừng mình bước vào tuổi thất thập, vừa tập hợp bước đầu những bài thơ hay và những bài bình, những tình cảm của các bạn văn dành cho tác phẩm của mình.

- Đằng sau những câu thơ hồn nhiên như trẻ nhỏ nhưng luôn lấp lánh ánh mắt thông minh, tinh nghịch ấy, chắc hẳn ông có nhiều câu chuyện thú vị về lao động nghệ thuật?

- Viết về trẻ con thì phải bắt nguồn từ lòng yêu trẻ, gần gũi trẻ. Chúng thật ngộ nghĩnh, hiếu động và thông minh. Cách đây hơn 40 năm, nhìn các con tôi cùng lũ bạn của nó ra bờ đê gần nhà thả diều, thấy chúng nó say mê, đắm đuối như muốn bay lên, chao liệng cùng cánh diều. Về nhà tôi nảy ra ý thơ và viết: Cho tờ giấy biết bay lên/ Sợi dây dài bỗng đứng nghiêng ngang trời/ Mùa thu nào phải xa xôi/ Mùa thu trong mắt con tôi... cánh diều. Một lần khác, con trai út của tôi khi ấy mới được vài tuổi, nó khóc quấy vì mẹ vắng nhà. Tôi dỗ thế nào nó cũng không nín, thế rồi tôi chợt nghĩ ra và đưa cho cụ cậu cái gương soi để chơi. Ai dè cu cậu nín ngay, reo lên ầm ĩ vì nhìn thấy bạn trong gương. Rồi cu cậu ngơ ngác sau khi lật lại phía sau gương. Tôi hiểu nó đang đặt câu hỏi: Người bạn của nó ở trong gương đâu rồi? Tôi đã viết ngay bài thơ “Soi gương” để tặng con trai mình.

Vì “Thế giới ngày mai”...

- Thời hoàng kim của văn học thiếu nhi thế kỷ trước gắn liền với những tên tuổi lớn như Võ Quảng, Đặng Hấn, Phạm Hổ, Định Hải, Đoàn Giỏi, Thanh Hào... Nhưng rất buồn trong số đó, trừ những nhà văn đã mất, số còn lại vì nhiều lý do đã không viết cho thiếu nhi nữa...

- Quả thật người viết cho thiếu nhi giờ ít quá, một phần vì sự bùng nổ của công nghệ số nên các bậc phụ huynh và các em có nhiều kênh lựa chọn để giải trí thay thế văn hoá đọc. Song bên cạnh đó chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta chưa thực sự quan tâm đến sáng tác văn học thiếu nhi. Đã mười năm nay, tôi thấy ít có cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi (?). Ngay cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam có tờ Văn nghệ nhưng cũng bỏ hẳn trang Văn học thiếu nhi... Tạp chí Tuổi xanh, Vì tuổi thơ cũng bỏ hẳn. Các nhà văn viết cho thiếu nhi cũng ít dần đi vì không có, hoặc ít đất “gieo trồng” tác phẩm của mình, hoặc còn có lý do sáng tác không hay được như trước. Các cây bút trẻ xem ra cũng không mặn mà với văn học thiếu nhi lắm.

- Trong đời sống hiện đại, trẻ em bây giờ khác xưa, thành phố khác nông thôn, miền núi. Theo ông, trẻ em hôm nay đang được và mất những gì?

- Tôi nghĩ trẻ em hôm nay được nhiều hơn mất, chúng được quan tâm hơn, vật chất đầy đủ hơn, đặc biệt là được sinh ra vào thời đại văn minh nhất của nhân loại. Còn mất ư? Có lẽ từ áp lực của chính những cái được này. Sở dĩ tôi nói như vậy, vì như chúng ta thấy trẻ em hôm nay phải chịu áp lực quá nhiều vì sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ. Chúng phải dành nhiều thời gian cho việc học, trong khi đó không gian vui chơi giải trí dành cho các em ngày càng bị thu hẹp. Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích từ in-tơ-nét, nhưng những trò chơi bạo lực, những trang “web đen” đã đem đến những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm đến tâm hồn trẻ. Một đứa trẻ ở thành phố rất thành thạo in-tơ-nét, nhưng khi được hỏi về những trò chơi dân gian, những vật dụng rất gần gũi ở nông thôn thì nhiều em chỉ biết lắc đầu.

- Ông nghĩ sao về đề tài thơ cho thiếu nhi nơi đô thị, khi các em biết chơi điện tử, biết in-tơ-nét, đắm chìm trong “thế giới ảo” để rồi lơ ngơ trước cuộc sống?

- Đề tài thơ thiếu nhi nơi đô thị quả là bài toán khó, nếu như những nhà quản lý văn hoá, quản lý giáo dục không khơi dậy một cách mạnh mẽ văn hoá đọc cho các em. Tôi hy vọng ở những tác giả tương lai. Các em có thể yêu và làm thơ từ văn hoá đọc, chứ không thể từ những trò chơi đã được lập trình trên máy tính. Tôi nghĩ, nếu như sinh vào thời bùng nổ in-tơ-nét hiện nay thì chưa chắc chúng ta đã có thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, hay những cây bút viết khi còn rất trẻ như Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Khánh Chi...

- Dường như nhà thơ đang lo lắng điều gì?

- Sinh thời Bác Hồ thường nói: “Dân ta phải biết sử ta...”. Tôi lo lắng trẻ em hôm nay ít quan tâm đến lịch sử, truyền thống đất nước mình. Đây là trách nhiệm của người lớn. Tôi ước ao làm sao các em hiểu về đất nước, lịch sử nước mình như lòng bàn tay. Trách nhiệm của chúng ta phải để cho các em thấy được mỗi khi nhắc đến hai tiếng dân tộc thiêng liêng như tiếng gọi mẹ, cha.

- Trân trọng cảm ơn nhà thơ./.

 Tác phẩm chính của nhà thơ Lê Hồng Thiện: Trăng của mỗi người (1988, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam -1989); Gió và gương (1993); Trứng treo, trứng nằm (1994); Quà của biển (Thơ chọn, 1997); Áo của cây (1997); Hạt sương mắc võng (1999); Nụ hôn của bé (2000); Nắng trong vườn (2002); Mùa thu, con ve và cánh diều (2005); Chung riêng cây trái (2009). 

SOI GƯƠNG
         
                          Lê Hồng Thiện

Lần đầu cầm gương
Bé cười bạn cười
Yêu sao yêu thế
Trong gương có người.

Bé giơ tay bắt
Bạn cũng giơ theo
Đã không chạy mất
lại cùng bé reo.

Bé lật mặt sau
Bỗng bạn biết mất
Cái gương mỏng thế
Giấu bạn vào đâu?

Khúc Linh Cầm (thực hiện)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất