Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 10/4/2009 14:24'(GMT+7)

Bảo tồn di sản đô thị: Giữ hồn hay giữ cốt?

Phố Hàng Đào (Hà Nội) nằm trong khu vực phố cổ, nhưng việc bảo tồn phải chịu sức ép của thị trường.

Phố Hàng Đào (Hà Nội) nằm trong khu vực phố cổ, nhưng việc bảo tồn phải chịu sức ép của thị trường.

Trên 250 bài nghiên cứu đăng ký tham luận tập trung vào các vấn đề liên quan đến tính thống nhất hình thể, chức năng và hình ảnh của cảnh quan đô thị lịch sử. Các cuộc thảo luận tại diễn đàn cho thấy một bài toán khó giải quyết giữa bảo tồn và phát triển.

Có rất nhiều cách đối xử với di sản

Kyoto là cố đô của Nhật Bản có 15 di sản nằm trong danh sách Di sản văn hoá thế giới năm 1994. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là không di sản nào cũng như khu vực xung quanh chúng được xác định như những trung tâm lịch sử, như thường gặp ở Châu Âu. Đó là bởi mỗi quận có di sản lịch sử đều có những công trình hiện đại và chúng được trộn lẫn vào nhau. Do đó, các quận đó không thể được xem như có sự thống nhất về mặt hình ảnh.

Quận Kotatua của Jakarta (Indonesia) được chọn là khu vực di sản đô thị và là điểm đến đô thị quan trọng. Mặc dù vậy, khu vực này vẫn cho phép những phát triển mới. Nhiều công trình, bao gồm những công trình bên trong khu trung tâm là những di sản được luật quy định rõ về mặt đứng và cấu trúc bên ngoài của chúng cần được bảo tồn.

Những công trình và lô đất này có thể được tái phát triển và tối ưu chức năng mới. Những công trình di sản được bảo tồn cũng được phép sử dụng, nhưng phải theo sự chỉ dẫn cặn kẽ trong sự phát triển.

TP.Marrakech (Morocco) đã được xếp hạng là di sản thế giới năm 1985, bởi giá trị tổng thể và đặc biệt của nó, trong đó phải kể đến không gian quảng trường Jemaa El-Fna được coi là di sản phi vật thể. Nhưng trong những năm qua, quảng trường đã chịu những thay đổi cực kỳ nhanh chóng: Sự gia tăng của các quán càphê ngắm cảnh, sự gia tăng ồ ạt của các biển hiệu hay động sản đô thị hoàn toàn xa lạ với thần thái của quảng trường.

Những nghệ nhân từng là yếu tố để làm nên thần thái đó hàng thế kỷ, nay bị lu mờ hoặc gần như là bị loại ra ngoài vùng ngoại ô...

Các ví dụ trên cho thấy, có rất nhiều cách tiếp cận và đối xử với di sản khác nhau, như: Bảo tồn; bảo tồn tái phát triển và bảo tồn phát triển kinh doanh. Nhưng dù bảo tồn theo cách nào thì di sản cũng rất dễ bị tổn thương, nếu không có một hệ thống những quy tắc, quy định rõ ràng, chặt chẽ...

Đại biểu William Logan (Australia) cho rằng, nên thay đổi quan điểm về cách tiếp cận di sản cùng với định nghĩa về văn hoá phi vật thể. Từ đó, công tác bảo tồn nên hướng tới giá trị phi vật thể hơn là một ngôi nhà, một khu phố...

Kịch bản nào cho Hà Nội?

Hà Nội là một trong 27 thành phố trên thế giới có trên 1.000 năm tuổi, với di sản đặc trưng là 36 phố phường, còn gọi là khu phố cổ. Tham luận của ông Rodrigue Normand - cố vấn Văn phòng UNESCO tại HN - chỉ ra rằng: Từ hai mươi năm nay, với chính sách đổi mới kinh tế và mở cửa hướng tới nền kinh tế thị trường, một VN mới đã xuất hiện.

Các thành phố mới gia tăng với nhịp độ nước kiệu (1 triệu thị dân mỗi năm) và khu phố cổ cũng bị biến đổi theo cùng một nhịp độ. Hệ quả của sự phát triển này là xuất hiện nhiều lối sống mới, trong đó các giá trị cũ bị mất đi, các mối quan hệ truyền thống bị suy yếu, trong đó lợi ích cá nhân luôn được đặt trên lợi ích tập thể.

Vấn đề mà ông Rodrigue Normand đặt ra là: Trong bối cảnh như vậy, có nên cố định sự phát triển của khu phố cổ và kiểm soát chặt chẽ? Và theo ông, cần can thiệp khẩn cấp, bởi các di sản quý sắp biến mất cùng với linh hồn của khu phố cổ.

Cách thức can thiệp, theo ông R.Norman: Các trường ĐH có thể là một đối tác được ưu tiên bằng cách đề xuất các cách thức quản lý hành chính đa dạng cho các ban ngành, nghiên cứu về những công cụ quản lý đô thị phù hợp với các vấn đề hiện tại mới nảy sinh, nhưng vẫn giữ được sự tiếp nối với cảnh quan truyền thống của các khu dân cư. Quy hoạch tổng thể phải có tầm nhìn xa, nhưng phải có sự tham khảo của người dân.

Nhận thức về di sản cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Bởi cách ứng xử với di sản phụ thuộc vào nhận thức của người làm quản lý. Tham luận của đại biểu Nguyễn Thanh Sơn (BQL Làng văn hoá VN) cảnh báo: Cách nhìn nhận về di sản đô thị phải đầy đủ như khi nó mới được sinh thành, hoặc bề thế khi nó đang hưng thịnh.

Nhưng hiện nay, HN còn có một bộ phận không nhỏ các nhà quản lý, chuyên môn, cộng đồng (gọi tắt là chúng ta) vẫn khu biệt hoá nhận thức; nhìn nhận di sản với góc độ của di tích đơn lẻ, hay đơn thuần là cái vỏ vật chất cổ kính, điều này ắt dẫn đến những ứng xử tương thích với di sản kiểu phiến diện, mùa vụ.

Trong khi phần lớn di sản ở HN bị mất mát, chồng lấp, mong manh... thì nhiều di sản khác bị lột xác, mới mẻ, xa lạ và đứt đoạn với quá khứ, với tính chân xác. Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kiến trúc đô thị với ý nghĩa trân trọng quá khứ, truyền lại cho muôn đời sau, với HN, trước hết cần gia cố, thậm chí xây đắp mới nhận thức về di sản đô thị.

(Theo Báo Lao Động)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất