Vừa rồi, các cơ quan liên quan công bố việc họ sưu tầm được hàng ngàn sử thi Tây Nguyên. Những người quan tâm vô cùng mừng. Nhưng có nhà báo sống lâu năm ở Tây Nguyên phải đặt câu hỏi trên báo: Sử thi có phải... củ mì không mà nhiều thế.
Lại có nhà báo khác thắc mắc: Sao cái gì cũng gọi sử thi? Nhân dân có gọi là sử thi, hay là phong lên thành sử thi cho ... oách? Để dễ... tiêu tiền?
Trên tivi thấy có cô phóng viên hỏi một nghệ nhân: Bác ơi bác có thể cho biết bác biết mấy cái sử thi? Ông này nói (tiếng Kinh chưa sõi): Ô mình biết nhiều lắm mà, 5 cái(!). Tôi là kẻ cũng ở Tây Nguyên nhiều, đi cũng lắm, cũng có đi sưu tầm và học hỏi văn hóa dân gian nhưng xin thề là chưa có ở đâu người ta gọi hơ a mon, hơ ri, khan... là sử thi cả, vì vậy cái việc cô phóng viên kia hỏi và ông già Bana trả lời trôi chảy trước ống kính chắc chắn là... đóng kịch.
Cái mà ngày nay chúng ta phong cho nó là sử thi ấy, người Bana gọi là Hơ a mon, người Jrai gọi là Hơri, người Êđê gọi là Khan... là một loại hình hát kể dân gian của cư dân Tây Nguyên. Nó ra đời từ đòi hỏi tự thân của con người khi mà cuộc sống của họ khi ấy còn rất sơ khai, đời sống vật chất đang còn phát, đốt, chọc, tỉa, tất cả mọi thứ đều tự cung tự túc, kể cả đời sống tinh thần. Hát kể ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu giải trí chính đáng ấy của những người dân... Hãy hình dung, giữa mênh mông rừng thẳm, bên bếp lửa bập bùng chợt tối chợt sáng hoặc ánh xà nu leo lét, họ còn biết làm gì ngoài việc tập trung lên nhà rông hoặc nhà nghệ nhân nghe người già kể chuyện. Những cốt truyện dân gian vô cùng hấp dẫn, mở ra trí tưởng tượng cho con người bay bổng vào rừng ra biển, lên trời xuống âm ti, thoát ra khỏi ngôi làng loi thoi như những cái nấm trong rừng già ấy được kể được diễn bởi một con người vô cùng tài hoa. Người này vừa nói vừa hát vừa kể, có thể giả giọng tất cả các nhân vật trong truyện.
Không chỉ thế, ông ta còn có khả năng biểu diễn siêu phàm bằng các động tác của tay, chân, đầu, mình, mồm, mắt, mũi... khiến người dự khán dự thính cứ ngả nghiêng cười hoặc tròn mắt hồi hộp. Đấy phải là người có khả năng cảm nhận vô cùng tốt và sâu sắc. Hơn nữa, còn sự phụ họa của ánh lửa bập bùng. Cái ánh lửa sơ khai ấy nó vô cùng quan trọng khi tham gia vào các trò hát kể dân gian này, nó giống như trẻ con nông thôn người Kinh đã từng "xem phin" bằng cách đốt một đống lửa, căng một tấm ni lông rồi nhảy múa phía sau tấm ni lông ấy...
Cách đây hơn chục năm, tôi đã từng có một bài viết nhan đề: "Khan Tây Nguyên đang chờ về với đất", và đến bây giờ thì cái sự "chờ" ấy nó không còn là chờ nữa, mà đang hiện hữu...
Tất nhiên là có rất nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan để thể loại văn nghệ dân gian này ngày càng có nguy cơ biến mất... Trước hết là sự hiện đại lên của đời sống. Tivi, radio, báo chí suốt ngày, đàn guitare, organ trang bị cho xã, điện thay bếp lửa hoặc ánh xà nu... yếu tố huyền ảo mất đi, sự ly kỳ hấp dẫn mất đi, các nghệ nhân hát kể thất nghiệp.
Tiếp đến nữa là chính sách. Chúng ta luôn luôn nói giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng quả thực, nếu bất ngờ hỏi một ông quan chức văn hóa cấp tỉnh, chứ chưa nói cấp huyện, rằng là cái món bản sắc ấy nó là cái gì thì khối người ú ớ.
Các nghệ nhân họ cũng cần phải sống chứ không thể chỉ uống nước lã rồi lâu lâu mới làm nghề.
Ông Đinh Gang, người đã giúp chúng tôi trong việc kể liên tục cả tuần lễ cái hơ a mon Diông Dư, sống ở làng Hơrn, huyện Kông Chro là một thí dụ. Đấy là một người đàn ông có trí nhớ đặc biệt và năng khiếu hát kể đặc biệt với một chất giọng đặc biệt. Một người mà hội tụ đủ các phẩm chất ấy quả là quý hiếm trong mọi thời đại. Ông có thể kể liên tục hàng tuần và liên tục làm cho dân làng sửng sốt khi xem ông biểu diễn. Chỉ nguyên việc nhớ như thế đã là đáng nể rồi (tôi đã có lần so sánh, học sinh, thậm chí là sinh viên văn khoa của chúng ta học truyện Kiều để thi mà hiện nay mấy người thuộc hết dù đấy là tuyệt tác, là niềm tự hào của dân tộc, thế mà nghệ nhân hát kể thuộc những hơ a mon dài gấp nhiều lần truyện Kiều, và nhiều cái như thế), mà lại còn hú hét ngâm nga, hoa chân múa tay biểu cảm... mà nào ông có được "tập dượt" gì như các diễn viên văn nghệ quần chúng đâu. Ban ngày ông vào rừng lấy mây về mang ra chợ bán. Mà cũng chả được bao nhiêu vì sức khỏe yếu, ban đêm thì uống rượu và ngủ chứ thực ra thì cả mấy năm rồi ông chẳng hơ a mon cho ai nghe cả, vì dân làng không cần, với lại đi lấy mây cả ngày cũng mệt và cả... đói nữa.
Thanh niên bây giờ đã có nhiều thú vui hiện đại khác, mà cái mốt đang hiện hành ở các làng dân tộc là đốt một đống lửa, ngồi quanh đấy, mỗi người đeo một cái cassette to đùng mở nhạc oang oang. May có mấy ngày chúng tôi về sưu tầm, mời Đinh Gang hát kể, Đinh Gang như người trẻ lại, vì nhiều lẽ, thứ nhất là anh được hơ a mon. Cái giống mà đã có năng khiếu, đã thuộc nhiều trong bụng như thế mà lâu không được hát lên kể ra nó buồn lắm, ấm ức lắm, như là bị chướng bụng, bị ung thư, bị trời hành... thứ nữa là có... tiền. Chúng tôi mời anh ăn cơm cùng và nói rõ mỗi ngày sẽ được "Nhà nước" bồi dưỡng bao nhiêu.
Đến khi ứng tiền cho anh thì anh thật sự mừng, số tiền nhỏ nhoi theo chế độ nhưng cũng bằng hàng trăm ngày anh lặn lội vào rừng lấy mây rồi đèo rồi gùi ra chợ thị trấn vật vạ bán. Nói thế để thấy chúng ta vẫn chưa có một chế độ chính sách gì với các nghệ nhân, những người càng ngày càng già đi, càng quên "nghề" đi, mà những gì họ biết là những thứ độc nhất vô nhị, một đi không trở lại.
Khi tôi viết bài này thì được tin bà Hà Thị Cầu đang ốm nặng. Ai cũng biết bà là viên ngọc cực quý, là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của nước ta, thế mà suốt bao nhiêu năm bà chả có chế độ gì, trừ thi thoảng có việc gì đấy người ta đánh xe về chở bà đi rồi chở về với ít tiền bồi dưỡng.
Các nghệ nhân Tây Nguyên, từ làm nhà rông, tạc tượng nhà mồ, chỉnh chiêng đến dệt vải, đan gùi làm nỏ rồi săn và thuần dưỡng voi... cũng tương tự. Trừ chỉnh chiêng có vẻ có việc làm kể từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể, còn các loại nghệ nhân khác gần như không có đất thi thố trổ tài thì làm sao mà luyện nghề mà truyền nghề...
Thời gian thì vẫn trôi, cuộc sống thì ngày càng văn minh hiện đại, nhịp cuộc đời ngày càng gấp gáp... các yếu tố ấy đẩy nghệ nhân dân gian nói riêng, văn hóa truyền thống nói chung vào cái thế không thể không gõ lên SOS.
Nhưng gõ lên rồi làm gì?./.
(Theo: Văn Công Hùng/Nhân dân)