(TCTG) - 8 năm sau khi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn qua đời (1/4/2001), nguồn Trịnh chưa hề vơi cạn trong lòng công chúng mến mộ, những bài viết trên web, trên báo ở trong và ngoài nước về Trịnh có đến cả chục ngàn bài, sách viết về Trịnh hay những bài nghiên cứu dày công cũng nhiều vô kể.
Cũng dễ hiểu bởi âm nhạc Trịnh Công Sơn từ giai điệu đến lời thơ đều dễ đi vào lòng người thuộc nhiều giai tầng, nhiều lứa tuổi khác nhau, tư tưởng của ông “từ bi”, yêu hoà bình, yêu con người, yêu cái đẹp, mà đó là những giá trị vĩnh cửu, thời nào cũng cần và gần gũi với nhân loại luôn khao khát tình yêu thương và hoà bình.
Cảm thụ âm nhạc Trịnh Công Sơn với những cách thể hiện riêng luôn được giới nghệ sỹ khát khao tìm kiếm và ở một góc độ nào đó, điều này được giới thưởng ngoạn hết lòng cổ vũ, đơn giản vì nó làm đậm hơn, sâu sắc hơn cho một tình yêu lớn đã vượt ra khỏi biên giới và không gian nước Việt. Và dường như những tấm lòng dành cho Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông chưa bao giờ là đủ. Trong lĩnh vực mỹ thuật-hội hoạ cũng vậy, những trình diễn, khám phá mới dưới góc nhìn của giới hội hoạ đang ngày càng đa dạng, phong phú, đưa nhạc Trịnh đi theo những miền riêng.
Ngày tôi đến Sài Gòn tham dự cuộc trình diễn giữa đất và lửa của một nghệ nhân gốm trẻ đất Bắc thì hoạ sĩ Phạm Trí đang tất bật cho một cuộc triển lãm tranh đương đại ở thành phố Tacoma (Wasington, Hoa Kỳ). Triển lãm thể hiện một khuynh hướng sáng tác rất mới theo trường phái bán hiện thực dựa trên sự kết hợp của nhiều chất liệu như sơn dầu trên vải, sơn mài giả cổ, dát bạc trên giấy catton bọc vải và lá khô mục…. (Có thể kể đến những tác phẩm “Dáng hoa”, “Phố xưa” “Hoa hồng”… Phần nhiều tranh của triển lãm này đã được Đại học Mỹ thuật Oregon - Bang Oregon, Hoa Kỳ - mua lại để trưng bày).
Những dự đoán cho bước đột phá của Phạm Trí sau triển lãm này đã bắt đầu được nhen nhóm. Và một miền nhạc Trịnh trong các tác phẩm hội hoạ của anh đang được hình thành và từng bước hoàn tất để ra mắt công chúng mến mộ Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn trong tháng 4.
|
|
"Một cõi đi về" - Chân dung Trịnh Công Sơn |
"Rừng xưa đã khép" |
Ở Sài Gòn, nói đến Phạm Trí, nhiều người thường nhắc đến một nghệ sỹ ngang tàng, còn Trí tự nhận mình là một gã “giang hồ vặt” của những tháng ngày phiêu du, lang bạt tìm nguồn và cảm hứng cho nghệ thuật. Tuy nhiên với tranh thì Phạm Trí là một nghệ sĩ luôn đầy ắp những đam mê và tinh thần lao động nghiêm túc, những kiếm tìm và khám phá không ngừng. Trước những năm 1990, Phạm Trí vốn nổi tiếng với những sáng tác bằng sơn dầu, sơn mài, màu nước, sau này anh chuyển hẳn qua vẽ tranh sơn mài.
Với ý tưởng cách tân nghệ thuật, đưa hiệu quả mỹ thuật thoát ra khỏi những gò bó truyền thống bởi chất liệu đặc trưng của sơn mài, Trí đã thành công với những đột phá táo bạo của mình, đó là bằng compodit để tạo nên “Một cõi đi về” (*) với ý niệm về sự luôn hồi và những hệ luỵ của cuộc đời; với sơn mài kết hợp dát vàng trên giấy cotton để tạo nên “Rừng xưa đã khép”(*) cho hoài niệm về một tình yêu dưới ngôn ngữ hội hoạ; lá khô mục trên nền giấy catton bọc vải dát bạc để tạo nên một “Ru tình”(*) cho những chất chứa buồn vui, trăn trở trong tình yêu, hay một “Đoá hoa vô thường”(*) cho những cảm nhận đầy màu sắc nhân sinh quan theo triết lý Phật giáo; đặc biệt với tác phẩm “Đi - về”(*) thể hiện chân dung Trịnh Công Sơn với góc nhìn bán hiện thực như đưa chúng ta vào sâu hơn trong cõi Trịnh, như hiện thực, như hư vô mà đầy tình yêu thương...
|
|
"Đoá hoa vô thường" |
"Như cánh vạc bay" |
Mảng màu sắc chủ đạo trong tranh Phạm Trí bắt nguồn cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Công Sơn là những nét buồn dịu dàng và chứa chất nhiều tâm sự, đó là sự khao khát và những cung bậc của tình yêu, lẩn khuất trong đó là những hờn ghen giận tủi; những sự đi về của vô thường, những phong ba, trắc trở của số phận con người; phảng phất đâu đó những hiện thực, hư vô, vĩnh viễn của tâm hồn nghệ sỹ luôn đau đáu được trả nợ cuộc đời, được giãi bày, giải toả; có khi là những u uẩn bởi sự đè nặng của gánh nợ trần ai, những khối tình, những hệ luỵ, những ràng buộc, níu kéo... Những sự vô định ấy kết hợp với ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn - ca từ của thơ, văn chương, triết học, tư tưởng chứ không phải âm nhạc đơn thuần - ở phương diện nào đấy đã gặp nhau, để từ đó cho Phạm Trí một nguồn cảm hứng và sự thăng hoa mới trong nghệ thuật hội hoạ, dẫn anh đi theo những miền riêng, mà tôi gọi đó là một miền Trịnh trong tranh Phạm Trí.
|
"Ru tình" |
Sự “gặp gỡ" giữa âm nhạc và hội hoạ này theo Phạm Trí đó là một cuộc gặp không định trước, nó cũng hết sức “vô thường”, như sự ào ạt trở về từ những cõi mù sương, thiên định, và nó được hiện thực hoá bằng ngôn ngữ hội hoạ để làm nên tình yêu cho một tình yêu lớn, đó là Trịnh Công Sơn với âm nhạc của ông./.
Lê Trí Dũng
______________________
(*) Những từ in nghiêng là tựa đề các Nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn được hoạ sĩ Phạm Trí lấy làm tên và cảm hứng cho tác phẩm hội hoạ của mình.