- NSND Đặng Nhật Minh và nhiều nhà điện ảnh Việt Nam khác đã nhắc tới ông như một người nước ngoài nặng lòng với những bộ phim kinh điển, hoặc nổi tiếng gần đây của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ việc in và phổ biến những bộ phim này?
- Đây là một trong những lĩnh vực văn hóa mà chúng tôi ưu tiên đầu tư. Tôi tiếp cận với bản gốc (âm bản) của các bộ phim kinh điển tại Viện Phim Việt Nam và cùng với Viện Phim mang bản gốc sang Thái Lan để lau mốc, xóa xước, khôi phục màu và chuyển sang kỹ thuật số, sau đó lại in thành đĩa DVD. Bản gốc của nhiều phim trong tình trạng không tốt, do thời gian và điều kiện lưu giữ. Xưởng phim tại Thái Lan có những thiết bị tốt để khôi phục lại những bản phim này trước khi in.
Tôi đã in được 3 phim "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Thương nhớ đồng quê" và "Gánh xiếc rong". Phim "Canh Bạc" sẽ có đĩa DVD vào cuối tháng 4 tới.
- Việc lưu giữ và phổ biến những bộ phim hay có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam?
- Nó góp phần khẳng định sự tồn tại của một nền điện ảnh. Hơn nữa xem những bộ phim kinh điển, hoặc những phim giành giải thưởng điện ảnh lớn của Việt Nam và nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với các sinh viên điện ảnh, các nhà làm phim. Xem để lấy cảm hứng từ họ, để học những phương pháp hay mà hoàn toàn không phải là bắt chước. Việt Nam có nhiều đạo diễn giỏi nhưng ít người viết kịch bản giỏi.
- Ông có đề cập tới một trong những khâu yếu của điện ảnh Việt Nam. Vậy theo ông, nhìn một cách toàn diện hơn, điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay nổi lên thách thức nào lớn nhất?
- Đó chính là giải quyết những mâu thuẫn giữa phim do Nhà nước đầu tư và do tư nhân thực hiện, từ kịch bản cho tới diễn viên. Những năm gần đây phim của các hãng phim tư nhân phát triển khá mạnh, tuy nhiên chủ yếu là các hãng phim trong Nam và cũng thiên nhiều về giải trí.
Điện ảnh không thể dành hết cho Nhà nước tài trợ, nhưng cũng không nên "thả" hoàn toàn cho tư nhân. Xã hội hóa, tư nhân hóa không đồng nghĩa với việc đưa đến những tác phẩm điện ảnh giá trị cao. Nhà nước phải có những hình thức đầu tư để thực hiện những bộ phim giá trị. Đây là kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới.
- Ông có thể chia sẻ cách làm cụ thể của các nước trong việc đầu tư thực hiện những bộ phim chất lượng cao, thu hút sự quan tâm của công chúng?
- Ví dụ như phim "Triệu phú ổ chuột" giành 8 giải Oscar 2009, trong đó có giải cho phim hay nhất. Dự án làm phim này tự thân nó không thể đủ tiền, 1/3 kinh phí làm phim do Chính phủ Anh tài trợ và 1/3 do kênh truyền hình Anh đầu tư. Ở Anh, nếu bạn có ý tưởng làm phim tốt, bạn có thể được Quỹ Điện ảnh đầu tư khoảng 20 đến 30 ngàn đô-la để đầu tư viết kịch bản. Khi kịch bản hoàn thành, nếu thuyết phục được Quỹ này, bạn sẽ được hỗ trợ làm phim. Một nguồn đầu tư nữa là từ các kênh truyền hình. Ở Pháp, một kênh truyền hình một năm đầu tư cho hơn 100 phim truyện nhựa, họ có những thỏa thuận để sau khi chiếu ở rạp thì sẽ chiếu trên kênh truyền hình.
Tôi cho rằng, ở Việt Nam với số dân đông và số rạp chiếu chưa nhiều thì tiềm năng phổ biến phim qua truyền hình là rất lớn. Đài truyền hình có kinh phí quảng cáo, nên đầu tư để làm phim truyện nhựa trong nước, thay vì chỉ mua phim nước ngoài.
- Là một nhà hoạt động điện ảnh đã sống trong giai đoạn 20 năm đổi mới của Việt Nam, ông nhận thấy đề tài đáng quan tâm nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay là gì?
- Tôi cũng mong ước được làm một bộ phim về Việt Nam, nhưng hiện chưa tìm được kịch bản như ý. Theo tôi, đáng lưu ý hiện nay là những thách thức nhằm lưu giữ giá trị truyền thống tốt đẹp và thú vị của Việt Nam; những biến động của giá trị gia đình; nhu cầu về đồng tiền lớn kéo theo nhiều vấn đề cá nhân và xã hội… Và trong bối cảnh nhiều đổi thay thách thức đó, chúng ta phải phản ánh được cách thức vượt qua khó khăn của người Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, khi Việt Nam sản xuất được những bộ phim chất lượng cao và xuất khẩu thì đó sẽ là những bộ phim thực sự Việt Nam với câu chuyện Việt Nam, diễn viên Việt Nam nhưng chở được những thông điệp có giá trị với nhân loại.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Thi Thi- Bao HaNôiMoi