Báo giới đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ di sản phi vật thể hiện nay.
- Thưa bà, có thể nói hiện nay đang rộ lên phong trào phục hồi và khai thác, phát triển các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên cùng theo đó cũng mang lại đến những lo ngại về sự biến dạng các giá trị nguyên bản, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Nếu nhìn nhận việc phục hồi và phát huy giá trị của các di sản phi vật thể hiện nay như một phong trào với nghĩa không tích cực, theo tôi là không đúng. Di sản là bản sắc, là sự hãnh diện của cộng đồng, là niềm vui cho mọi người khi được sở hữu hoặc thưởng thức. Khi gắn việc giới thiệu di sản với du lịch thì di sản còn mang lại cho chúng ta cả lợi ích kinh tế nữa. Việc nhiều nơi trong cả nước quan tâm phục hồi các lễ hội truyền thống, nhiều cá nhân, đơn vị quan tâm đưa các loại hình âm nhạc, diễn xướng dân gian trở lại phục vụ đời sống đương đại, quảng bá với quốc tế là một dấu hiệu tích cực.
Điều mà chúng ta cần làm là phải có sự chỉ đạo và hướng dẫn để bảo vệ di sản, tránh việc không tôn trọng các chủ thể văn hóa, phục hồi/phục dựng sai lệch giá trị và khai thác di sản vì mục tiêu thương mại hóa.
Trách nhiệm của chúng ta, những người làm văn hóa từ các cấp, bộ, tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là vai trò của người dân, chủ thể của di sản là vừa phải bảo tồn, duy trì lại vừa tái sáng tạo. Đó chính là cách làm để di sản phi vật thể sống trong đời sống xã hội một cách tích cực và bền vững.
- Nhưng, từ thực tế phục hồi di sản phi vật thể, rất nhiều người lo ngại rằng, phục hồi đã đi xa quá cái “gốc” ban đầu của nó, thí dụ như Quan họ, cồng chiêng, càng phục hồi càng mất mát?
- Chúng ta nhận thấy thực tế, trong suốt tiến trình phát triển, di sản không đứng im, các biểu hiện của di sản có thể thay đổi. Bên cạnh những yếu tố, những giá trị được kế thừa, trao truyền từ các đời trước có cả hơi thở và dấu ấn làm nên giá trị di sản của hôm nay. Điều quan trọng là các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa phải hỗ trợ người dân, chủ thể của di sản tìm ra biện pháp bảo vệ hợp lý, giúp cho họ nhận dạng di sản, để họ biết cái gì thực sự là giá trị và cần phải phục hồi, nuôi dưỡng, cái gì là sự tiếp thụ máy móc, bắt chước, trái với truyền thống tập quán của họ để họ tránh và loại bỏ Theo tôi, cùng với việc nhận dạng để bảo tồn Quan họ cổ, chúng ta cũng phải ghi nhận Quan họ đã phát triển như hiện nay với việc dùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại khi trình diễn để phục vụ đông đảo quần chúng. Chỉ có điều là nên giới thiệu rành rõ đâu là Quan họ xưa, đâu là Quan họ nay và phát huy cả hai để phục vụ đa dạng công chúng xã hội. Trên thế giới, người ta cũng chấp nhận di sản phát triển thích ứng với yêu cầu của xã hội.
- Nhưng những lo ngại đó không phải là không có căn cứ? Thực tế có nhiều phản ứng không chỉ từ những nhà nghiên cứu, mà chính từ những người dân, chủ thể của di sản, khi họ cho rằng sau khi phục hồi và quảng bá rộng rãi, thì di sản đã không còn là của họ nữa?
- Khi tổ chức phục hồi một di sản nào đó đã mai một hoặc đã mất đi trong đời sống cộng đồng, cần sự nghiên cứu kỹ càng thấu đáo, phải dựa vào ký ức của người dân, chủ thể của di sản, trên cơ sở nghiên cứu khoa học, chứ không thể áp đặt. Bảo tồn di sản chỉ có thể bền vững khi được ngươì dân hiểu, đồng thuận và tự nguyện thực hành. Còn nếu chỉ để thực hiện dự án và phục dựng cho một sự kiện biểu diễn nào đó thì di sản chưa được coi là sống lại.
- Vậy bà nhìn nhận như thế nào về thực trạng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hiện nay?
- Tôi có một cái nhìn lạc quan về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Bởi vì so với năm, bẩy năm trước, chúng ta đã có những bước tiến rất lớn về nhận thức và hành động. Phải nói là hiện nay, vấn đề di sản rất được quan tâm.
Khi có vấn đề gì liên quan đến di sản là lập tức cả xã hội hưởng ứng hoặc lên tiếng phê phán ngay. Đó là điều đáng mừng. Thứ nữa, càng ngày nhà nước càng đầu tư nhiều hơn cho việc bảo vệ di sản, thể hiện ở các quy định pháp lý cũng như các chương trình đầu tư của quốc gia dành cho lĩnh vực này. Điều đó đã tác động mạnh mẽ tới nhiều tầng lớp khác trong xã hội như doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện bỏ tiền để bảo tồn, quảng bá di sản. Chẳng hạn lễ hội dân gian ở làng quê phần nhiều do người dân góp công góp của bởi vì , họ coi đó là một phần cuộc sống của họ và họ thấy được những lợi ích vật chất và tinh thần từ việc bảo tồn đó. Mặc dù trong hoàn cảnh hiện tại chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, nhưng cũng phải hiểu rằng, bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị di sản phi vật thể là việc làm liên tục, chắc chắn không phải chỉ làm trong một khoảng thời gian nào đó, một thế hệ, hay chỉ bởi một cộng đồng nào. Trong quá trình làm, chắc chắn còn nhiều vấn đề đặt ra và mang đến cho chúng ta nhiều bài học, cả kinh nghiệm tốt cũng như chưa tốt. Cần có cách tiếp cận thực tiễn hơn để làm được những cái nho nhỏ, vừa với điều kiện, khả năng và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
- Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể thì vô cùng to lớn, mà phần dành cho nó trong Luật di sản văn hóa - chế tài để bảo vệ - thì quá mỏng, chưa đủ tương xứng, ý kiến của bà về vấn đề này?
- Theo tôi có hai lý do dẫn đến sự “mỏng” của phần này trong Luật Di sản văn hóa. Luật được ban hành vào năm 2001, khi đó, nhận thức của chúng ta (và cả thế giới nữa) chỉ mới đến thế. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa của ta đã được UNESCO đánh giá là có những điểm tiên tiến, nhiều điều khoản trùng hợp với Công ước quốc tế, mặc dầu Luật ra đời trước. Hiện nay Luật đang được bổ sung và điều chỉnh.
Lý do thứ hai, di sản phi vật thể là vô hình, là nhạy cảm và mong manh nếu quy định quá cứng nhắc thì lại rất khó vận dụng. Khi vận dụng chế tài, sẽ có tình trạng đúng với loại hình này lại không đúng với loại hình khác, hơn nữa di sản là của người dân, Nhà nước không thể chỉ định biện pháp bảo vệ một cách quá cụ thể phải làm thế này hoặc thế kia, tốt hơn là tạo ra một cái hành lang pháp lý với những điều khoản có tính định hướng để vận dụng linh hoạt và để người dân được quyền lựa chọn, quyết định.
- Bà có thể cho biết đánh giá chung về kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta hiện nay?
- Những thứ liên quan đến phi vật thể thì vô số, nhưng có được gọi là di sản hay không, thì phải có tiêu chuẩn, tiêu chí. Một là phải có nguồn gốc từ lâu đời, được cộng đồng sáng tạo và kế tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành truyền thống, và truyền thống đó tạo thành bản sắc. Thí dụ người Bắc Ninh, Bắc Giang hát quan họ, còn người Tây Nguyên thì chơi cồng chiêng. Thứ hai là nó đang sống, được trao truyền. Thứ ba là có khả năng giữ được một cách bền vững. Có nhiều phong tục tập quán từng là bản sắc của cộng đồng, nhưng đến thời đại ngày nay, cộng đồng không còn thực hành nữa, nó đã biến mất, bởi không còn phù hợp với cuộc sống nữa, đó cũng là lẽ tự nhiên.
- Có ý kiến cho rằng, nên xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể, theo bà có khả thi?
- Theo tôi là không thể và không nên xếp hạng như là di sản vật thể. Không bao giờ biết được con số chính xác chúng ta có bao nhiêu di sản phi vật thể, và theo tôi, việc đi thống kê chỉ để ra con số để biết không quan trọng bằng việc nhận ra ngay những di sản cơ bản và giá trị nhất để ưu tiên bảo vệ.
Chúng ta có thể và nên lựa chọn và lập các danh mục giống như cách làm của UNESCO khi lập danh sách các di sản đại diện và di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Điều đó càng hợp lý trong điều kiện chúng ta còn rất khó khăn về vật chất, tài chính và con người cho hoạt động bảo vệ di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.
- Xin cảm ơn bà!
(Theo: Nhân dân)